Thế giới tuần qua: Hợp tác và bất ổn

07:07, 27/07/2013

Trong tuần qua, dư luận thế giới quan tâm đến một số vấn đề như Việt Nam-Mỹ xác lập quan hệ đối tác toàn diện; Khủng hoảng kép ở Bulgaria; Đánh bom ở Iraq và Pakistan…

1. Trong chuyến thăm chính thức đến Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo lời mời của Tổng thống B. Obama, ngày 25-7, hai bên đã quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Mỹ. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng của mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống B. Obama. Ảnh: yahoo.com
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống B. Obama. Ảnh: yahoo.com

Theo nhiều học giả quốc tế, việc hai nước xác lập đối tác toàn diện đem lại lợi ích cho cả đôi bên, trong đó có thương mại, trao đổi giáo dục, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và an ninh - vấn đề ngày càng quan trọng với cả Việt Nam và Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Obama đang thực hiện chính sách chuyển hướng về châu Á.

2. Quan hệ Nga-Mỹ có thể tiếp tục bị ảnh hưởng khi thông tin “người thổi còi” Edward Snowden quyết định sẽ định cư ở Nga và đang tìm một công việc. E. Snowden đã chính thức gửi đơn xin tị nạn tới Cục Nhập cư Nga và cơ quan này có thể mất tới 3 tháng để xem xét đơn đề nghị trên.

Vụ Edward Snowden  làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ Nga-Mỹ

Thượng viện Mỹ hôm 25-7 đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ quốc gia nào cho phép Snowden.

Vụ Snowden chưa nguôi thì Nhà Trắng lại đau đầu khi một vài cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiếp tục lên tiếng về các chương trình theo dõi công dân của nước này.

3. Bất ổn kinh tế dẫn tới bất ổn xã hội đang đẩy Bulgaria tới bờ vực cuộc khủng hoảng kép cả về kinh tế lẫn chính trị, nhấn nước này chìm sâu vào những khó khăn còn tồn đọng chưa tìm được lối thoát.

Từ ngày 14-6 đến nay, mỗi ngày có tới 10.000 người biểu tình đổ ra các đường phố trung tâm của thủ đô Sofia để phản đối chính phủ. Ảnh: demotix.com

Phần lớn các cuộc biểu tình đều diễn ra hòa bình cho tới vụ đụng độ hôm 23-7, được xem là vụ đụng độ mang tính bạo lực đầu tiên trong làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ quy mô lớn kéo dài hơn 40 ngày qua tại "Xứ sở hoa hồng".

Giới phân tích lo ngại rằng, làn sóng biểu tình hiện nay có nguy cơ đẩy “Xứ sở hoa hồng” rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới, tiếp sau các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối nghèo đói dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Boyko Borisov tháng 2 vừa qua.

4. Tunisia, nơi bắt nguồn của "Mùa xuân Ả-rập", từng được coi là có quá trình chuyển tiếp dân chủ thành công nhất tại khu vực này. Tuy nhiên, nước này gần đây bắt đầu xuất hiện nhưng dấu hiệu khá quan ngại, mà đỉnh điểm là việc Nghị sĩ Mohamed Brahmi, một thủ lĩnh đối lập nổi tiếng ở Tunisia, bị sát hại ngày 25-7.

Người dân Tunisia bao quanh xe cứu thương chở thủ lĩnh đối lập Mohamed Brahmi bị sát hại ngày 25-7. Ảnh: AFP

Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu phản đối và yêu cầu Chính phủ do phe Hồi giáo nắm quyền từ chức. Trong khi đó, tại thành phố Sidi Bouzid, nơi khởi phát làn sóng biểu tình lật đổ Chính phủ 3 năm trước, hàng nghìn người cũng đã đổ xuống các đường phố tham gia biểu tình.

Việc Quốc hội nước này tiếp tục trì hoãn việc thông qua một hiến pháp mới, không đưa ra lộ trình cụ thể cho bầu cử trong khi Chính phủ không được củng cố vững chắc đang khiến người dân Tunisia mất dần kiên nhẫn. Rất có thể, Tunisia lại “nối gót” theo Ai Cập.

Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa tại Tây Ban Nha tối 24-7 tại thành phố Santiago de Compostel của Tây Ban Nha. Ảnh: Getty

5. Một đoàn tàu trật bánh tối 24-7 vừa qua tại ngoại ô thành phố Santiago de Compostel của Tây Ban Nha đã làm 69 người thiệt mạng và 143 người bị thương. Có thể con số này sẽ tiếp tục tăng bởi rất nhiều người bị thương hiện đang trong tình trạng nguy kịch.

Thảm kịch đường sắt này như một lời cảnh báo mới về thực trạng an toàn vận tải công cộng không chỉ ở Tây Ban Nha mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Đến bao giờ người dân Iraq và Pakistan mới hết "thấp thỏm" vì các vụ đánh bom? Ảnh: telegraph.co.uk

6. Liên tiếp những vụ đánh bom xảy ra ở Iraq và Pakistan khiến cho tình hình an ninh ở các nước này luôn “chông chênh”, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân vô tội.

Ngày 26-7, hai vụ đánh bom nhằm vào một khu chợ đông đúc tại phía Bắc Pakistan làm ít nhất 39 người thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương. Các vụ bạo lực này đang là thách thức đối với Chính phủ mới của Thủ tướng Nawaz Sharif.

Tại Iraq, ít nhất 65 người chết và 190 người bị thương trong một loạt vụ đánh bom xe cuối tuần trước làm rung chuyển Thủ đô Baghdad. Đây được coi là ngày đẫm máu nhất trong làn sóng bạo lực tại Quốc gia Trung Đông này kể từ ngày 10-6 khi các vụ tấn công cướp đi sinh mạng của 78 người.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com