Phong trào xây dựng làng văn hóa ở Tam Thanh

08:11, 22/11/2019

Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Tam Thanh (Vụ Bản) đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong đó, tập trung thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa; vận động nhân dân thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Làng quê xã Tam Thanh (Vụ Bản) hiện nay.
Làng quê xã Tam Thanh (Vụ Bản) hiện nay.

Nét nổi bật trong thực hiện xây dựng làng văn hóa ở xã Tam Thanh là các chi bộ thôn đều đưa nội dung xây dựng làng văn hóa vào nghị quyết của chi bộ để lãnh đạo, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại chi bộ trong sạch vững mạnh. Chi bộ tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức tự giác thực hiện các tiêu chí về xây dựng làng văn hóa. Xác định gia đình là hạt nhân quan trọng, là môi trường hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, tạo nền móng vững chắc trong phong trào xây dựng làng văn hóa, xã tập trung các giải pháp đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Năm 2018, xã có 88,5% số hộ được công nhận gia đình văn hóa, trong đó có nhiều hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá tiêu biểu” đóng góp tích cực cho các phong trào thi đua ở địa phương; điển hình là hộ các ông: Trần Văn Niên, công tác tại trạm y tế xã; Đỗ Tiến Dũng, Nguyễn Văn Tố ở thôn Tiền; Nguyễn Hồng Ngự, Nguyễn Ngọc Thái ở thôn Dư Duệ; Đỗ Thị Thảo, thôn Trung Cấp… Bên cạnh đó, việc triển khai Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã được đẩy mạnh; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng làng văn hóa đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động. Đến nay, xã có 7/8 thôn được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Thôn Dư Duệ và thôn Tiền hàng năm luôn duy trì tỷ lệ gia đình văn hoá trên 90%. Các thôn Quảng Cư, Phú Thọ, An Lạc huy động sức dân để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng công cộng… Thôn Quảng Cư đã huy động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng để nâng cấp đường giao thông. Đến nay, toàn bộ đường trục thôn đều được đổ bê tông với mặt đường rộng hơn 3m, 100% tuyến dong ngõ được đổ bê tông; trong đó có 7 dong ngõ người dân tự nguyện hiến đất mở rộng gấp đôi lòng đường (từ 1,2m lên 2,4m), thuận lợi cho việc đi lại. Nhiều hộ dân còn tự nguyện hiến 11.500m2 đất canh tác để mở rộng đường nội đồng rộng từ 3 đến 5m. Nhận thức được tầm quan trọng của các thiết chế văn hoá trong xây dựng làng văn hóa, xã khuyến khích các thôn huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng các nhà văn hóa, sân luyện tập thể dục thể thao. Đến nay, 7/8 thôn đã xây dựng nhà văn hóa bằng kinh phí do nhân dân đóng góp, phục vụ các hoạt động của cộng đồng. Với cơ sở vật chất thiết chế văn hoá đồng bộ nên phong trào văn nghệ ở các thôn, xóm trong xã phát triển sâu rộng. Hiện cả 8 thôn đều thành lập đội văn nghệ quần chúng, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, người cao tuổi, với nhiều loại hình như: thơ, hát chèo, ca khúc cách mạng, múa... Hàng năm, UBND xã chỉ đạo Ban văn hoá xã xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình liên hoan, giao lưu văn hoá, văn nghệ. Từ năm 2018 đến nay, xã đã tổ chức trên 30 đợt biểu diễn văn nghệ quần chúng vào các ngày lễ, tết, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện cả 8 thôn trong xã đều đã xây dựng hương ước, quy ước về xây dựng nếp sống văn hóa đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Việc thực hiện quy ước, hương ước trong việc cưới, việc tang và lễ hội được các gia đình, người dân tự giác, phát huy vai trò của danh hiệu văn hóa trong xây dựng nếp sống văn minh; đặc biệt vai trò gương mẫu tiên phong của các gia đình văn hoá tiêu biểu, gia đình đảng viên. Trong việc cưới đã thực hiện “không ăn cỗ lấy phần”. Việc tổ chức tang lễ đã phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể: chi Hội Phụ nữ, chi Hội Người cao tuổi, chi Hội Cựu chiến binh đảm bảo trang trọng, tình nghĩa. Trên địa bàn xã có 8 chùa, 7 đình; trong đó Đình - Chùa Phú Thứ được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Gắn với các di tích là các lễ hội truyền thống của địa phương như: lễ hội Đình thôn An Lạc, lễ hội Đình thôn Dư Duệ... Công tác tổ chức các lễ hội trên địa bàn xã luôn thực hiện theo quy ước nếp sống văn minh đảm bảo trang trọng, tiết kiệm. Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường được phát động sâu rộng; người dân hưởng ứng tích cực, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường trên địa bàn. Đến nay, các thôn: An Lạc, Phú Thọ, Dư Duệ, Quảng Cư đã có tuyến đường hoa với tổng chiều dài trên 3,5km. 

Việc đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là động lực để cán bộ, nhân dân xã Tam Thanh xây dựng quê hương phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com