Giao Thuỷ nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá trong xây dựng nông thôn mới

06:11, 08/11/2019

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Giao Thuỷ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm củng cố và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá như: Quyết định số 03 ngày 6-1-2014 của UBND huyện về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”, “Xóm, tổ dân phố văn hóa - nông thôn mới”; “Xã, thị trấn văn hóa - nông thôn mới” trên địa bàn huyện; Công văn số 03 ngày 16-11-2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ, phát động cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” trên địa bàn huyện. Với việc triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, đến nay, các phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Ở xã Giao Thịnh, việc thực hiện phong trào xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” đã phát huy tinh thần đoàn kết, thúc đẩy người dân tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên… tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Cả 16 xóm của xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, tiêu chuẩn xây dựng “Gia đình văn hoá - nông thôn mới”. Đến nay, xã có 87% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá - nông thôn mới”, 14/16 xóm đạt danh hiệu “Xóm văn hoá - nông thôn mới”. Nhiều xóm có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt cao như: Xóm 1 đạt 90,5%; xóm 3 đạt 90,2%; xóm 6 đạt 94,5%... Người dân các xóm đã phát huy nội lực, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện cả 16 xóm xây dựng được nhà văn hoá, khu thể thao cơ sở; 3 sân bóng đá, 5 sân bóng chuyền, 2 sân cầu lông trung tâm; hệ thống đường giao thông nông thôn trong xã được nhựa hoá, bê tông hoá, cứng hoá đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện quy ước nếp sống văn hoá, từ năm 2013, việc hiếu, hỉ trên địa bàn xã đã đi vào nền nếp theo hướng “văn minh, trang trọng, tiết kiệm”; các hủ tục lạc hậu bị xoá bỏ; các lễ hội diễn ra lành mạnh, đúng quy định nếp sống văn hóa.

Đường vào xã văn hóa - nông thôn mới Bạch Long (Giao Thủy).
Đường vào xã văn hóa - nông thôn mới Bạch Long (Giao Thủy).

Xã Giao Yến có 7.973 khẩu, 2.486 hộ phân bố ở 3 làng: Thanh Khiết, Đan Phượng, Liên Trì. Đồng chí Trần Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi đạt chuẩn “Xã văn hoá - nông thôn mới” năm 2014, bộ mặt địa phương có nhiều khởi sắc. Đến nay, tỷ lệ “Gia đình văn hoá - nông thôn mới” ở xã đạt 93,5%, 9/15 xóm đạt chuẩn “Xóm văn hoá - nông thôn mới”. Hàng năm, các khu dân cư tổ chức bình xét, công nhận các danh hiệu gia đình văn hoá; UBND xã tổ chức biểu dương, khen thưởng 30 gia đình văn hoá tiêu biểu cấp xã vào “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” (18-11). Từ năm 2016 đến 2018, xã có 4 gia đình văn hoá tiêu biểu được UBND huyện  khen thưởng. Năm 2014, nhà văn hóa trung tâm xã được xây dựng có tổng diện tích 1.128m2, quy mô 500 chỗ ngồi, đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc sinh hoạt văn hóa, hội họp của các đoàn thể chính trị và nhân dân. Từ năm 2005-2006, cả 15 xóm đều xây dựng được nhà văn hoá, sân thể thao, tủ sách pháp luật cơ sở. Từ khi có nhà văn hóa, khu thể thao, nhiều câu lạc bộ văn nghệ, thể thao được thành lập; tiêu biểu như: Câu lạc bộ thơ ca, đội trống, đội múa lân làng Thanh Khiết, Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, đội cà kheo làng Đan Phượng, Câu lạc bộ hát ca khúc cách mạng, Câu lạc bộ văn nghệ phụ nữ, Câu lạc bộ Thái cực trường sinh và các tổ văn nghệ 15 xóm, 3 trường học.

Thực hiện Nghị định 122/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định xét tặng các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá”, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Giao Thủy hướng dẫn các xã, thị trấn bình xét, đề nghị công nhận các danh hiệu: “Gia đình văn hóa - nông thôn mới”, “Xóm, tổ dân phố văn hóa - nông thôn mới”, “Xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới”. Cả 22 xã, thị trấn đã kiện toàn Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đảm bảo thống nhất về tổ chức, đúng cơ cấu, thành phần; hợp nhất các Ban vận động, Ban quản lý, điều hành phong trào và các cuộc vận động ở cấp xóm, tổ dân phố thành Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Toàn huyện có 53.293/61.088 hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá nông thôn mới” (đạt tỷ lệ  87,2%); 303/332 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Xóm (tổ dân phố) văn hóa - nông thôn mới” (đạt tỷ lệ 91,2%); cả 22 xã, thị trấn đạt chuẩn “Văn hóa - nông thôn mới”; 130/145 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 89,6%), 4/23 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 17,4%). Đến nay, cả 332 xóm, tổ dân phố trong huyện đều đã xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hoá. Nhiều đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” trong các đám cưới; tiêu biểu như các xã: Giao Hải, Giao Long, Giao Thịnh, Giao Hà, Giao Yến, Giao Phong, thị trấn Quất Lâm… Toàn huyện đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 201 công trình văn hóa, thể thao; trong đó xây mới 19 nhà văn hoá xã, thị trấn; 171 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; bình quân mỗi nhà văn hoá xóm, tổ dân phố trị giá từ 450-800 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 14/22 xã, thị trấn xây dựng được nhà văn hóa trung tâm; 8/22 xã sử dụng hội trường quy mô trên 250 chỗ ngồi; 22/22 xã, thị trấn xây dựng được trung tâm hoạt động thể dục - thể thao; 332/332 khu dân cư có nhà văn hoá xóm, địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Ở Giao Thuỷ, một trong các tiêu chí quan trọng, quyết định để được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hoá - nông thôn mới” là phải đạt chỉ tiêu về phát triển đời sống kinh tế của người dân. Những năm qua, các xã, thị trấn trong huyện đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề. Hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển nghề may, nghề mộc, cơ khí, tạo việc làm mới cho gần 5.000 lao động, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm 55,3%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt 92,7%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 39 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%.

Thành công trong xây dựng “Văn hoá - nông thôn mới” ở huyện Giao Thuỷ là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá. Các phong trào đã tập hợp, đoàn kết được các tầng lớp nhân dân, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của toàn xã hội, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững và ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com