Cổ Chất giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống

08:11, 08/11/2019

Thôn Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh) là vùng đất cổ. Trải qua bề dày lịch sử, đến nay nhân dân trong thôn vẫn gìn giữ được những biểu trưng văn hóa làng quê như: Cây đa, giếng nước, mái đình, những phong tục, lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ, nghề truyền thống.

Đền Cổ Chất trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền, chùa Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).
Đền Cổ Chất trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đền, chùa Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).

Theo các tài liệu được lưu giữ tại địa phương, vùng đất Cổ Chất ban đầu có tên là Cổ Hiền. Đến thời Vua Lý Nhân Tông (1072-1128), vùng đất này có ba anh em là Nguyễn Công Tham, Nguyễn Công Văn, Nguyễn Công Phạn lên kinh ứng thí và được bổ giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình. Trong một lần ba ông hộ giá vua đi bình phạt Chiêm Thành, Nguyễn Công Tham hy sinh, Nguyễn Công Văn được phong chức Tư lệ hiệu úy, Nguyễn Công Phạn được phong chức chỉ huy Điện tiền. Làm quan một thời gian, Nguyễn Công Phạn xin từ chức về quê đi tu lấy pháp danh là Phạn Vũ Thiền sư và cho xây dựng chùa Phổ Quang. Tưởng nhớ công lao của ba người con quê hương lúc sinh thời đã có công giúp đỡ nhân dân, sau này người dân Cổ Chất đã lập đền thờ ngay sau chùa. Đến nay Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia đền chùa Cổ Chất vẫn gìn giữ được kiến trúc truyền thống, bao gồm các hạng mục: Tam quan, chùa, đền phủ, nhà tổ cùng các công trình bổ trợ. Tam quan chùa được chia làm 3 gian với 4 bộ vì làm bằng gỗ lim theo kết cấu chồng rường giá chiêng, bẩy tiền, bẩy hậu, mái lợp ngói nam. Trên các xà dọc, xà ngang được chạm khắc họa tiết rồng chầu mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVII-XVIII. Ngôi chùa có kiến trúc hình chữ đinh, trước cửa chùa là sân gạch rộng rãi, vuông vức. Tòa tiền đường gồm 3 gian được xây dựng vào thời Nguyễn với vật liệu hoàn toàn bằng gạch vữa, trần xây cuốn vòm. Tam bảo chùa gồm 8 gian xây dọc với các cấu kiện gỗ mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Nối liền tam bảo là gác chuông chùa được xây theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, bốn mặt thông phong, tạo cửa cuốn vành mai. Nằm phía nam chùa là ngôi đền Cổ Chất được xây dựng vào đời Vua Gia Long năm thứ 8 (1809) theo bình đồ kiến trúc tiền chữ “nhất”, hậu chữ “đinh” bao gồm tiền đường 5 gian, trung đường 5 gian, hậu cung 3 gian xây dọc. Hệ thống vì gỗ lim ở đây được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc họa tiết tứ linh, hổ phù, lá lật. Liền cạnh phía đông chùa là ngôi phủ mẫu được xây dựng vào đời Tự Đức năm thứ 10 (1857). Ngôi phủ được xây theo hình chữ đinh, tiền đường 5 gian cũng được dựng theo kết cấu chồng rường giá chiêng bằng gỗ lim. Đền, chùa, phủ Cổ Chất không chỉ là những công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho phong cách thời Hậu Lê, thời Nguyễn mà còn là nơi lưu giữ những nguồn tư liệu quý trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, góp phần tìm hiểu mảnh đất, con người nơi đây. Hàng năm từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch, thôn Cổ Chất mở hội tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng làng quê. Phần hội gồm thi bơi trải và các trò chơi dân gian như chọi gà, đánh đu…

Trong thôn Cổ Chất hiện nay còn duy trì đội tế nam quan và đội tế nữ quan để tế thần, tế đức Thánh Mẫu vào các kỳ lễ trọng. Đội tế nữ quan của thôn có hơn 20 thành viên, là những phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 65. Các thành viên trong đội tế đều là người có đạo đức, sức khỏe, gia đình hạnh phúc, hòa thuận, có lối sống mẫu mực tại khu dân cư. Nghi lễ tế được tổ chức long trọng gắn với các lễ hội và không gian thiêng ở Cổ Chất không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy cầu cho “Quốc thái, dân an” mà còn là nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân, thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, nhiều cá nhân trong thôn đã miệt mài tìm hiểu, ghi chép sử làng. Ông Trần Ngọc Anh là nhân tố chủ chốt trong việc sưu tầm, biên soạn cuốn “Lịch sử làng Cổ Chất” tập I. Cuốn sách được xuất bản năm 2012 với các nội dung: Lịch sử hình thành, địa giới, bộ máy hành chính, văn hóa - xã hội, lệ làng, truyền thuyết danh nhân, Cổ Chất diễn ca…, góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn lịch sử địa phương.

Ở thôn Cổ Chất hiện nay vẫn giữ nghề ươm tơ truyền thống. Du khách đến với Cổ Chất đều ấn tượng với hình ảnh những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Trong những xưởng kéo tơ, những phụ nữ miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Đồng chí Phạm Xuân Hướng, Bí thư Chi bộ thôn Cổ Chất cho biết: Hiện nay, thôn có 20 cơ sở ươm se tơ. Nhiều cơ sở ươm se tơ với quy mô lớn như gia đình bà Đoàn Thị Hiền, Phạm Thị Yến tạo việc làm ổn định cho 10-15 lao động, thu nhập bình quân từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Sợi tơ của người dân Cổ Chất làm ra thanh mảnh, màu sắc tươi sáng, bền đẹp…, được các làng dệt lụa trong cả nước đặc biệt tin dùng. 

Thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, thôn Cổ Chất đã sửa đổi, bổ sung các điều trong quy ước phù hợp với thực tế hiện nay như: bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục…, từ đó, các giá trị thuần phong mỹ tục của thôn được phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện. Việc gìn giữ nét đẹp “Văn hóa làng” ở Cổ Chất trong quá trình đô thị hóa nông thôn đã góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com