Hội Đông y Nghĩa Hưng nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh

08:04, 08/04/2021

Hội Đông y huyện Nghĩa Hưng hiện có 18 chi hội trực thuộc Hội và ở các xã, thị trấn với 62 hội viên. Những năm qua, Hội Đông y huyện đẩy mạnh các hoạt động khám chữa bệnh, kế thừa những bài thuốc hay để phòng và chữa bệnh cho nhân dân đồng thời làm tốt công tác sưu tầm, bảo tồn cây dược liệu...

Bác sĩ Đông y Vũ Hữu Độ ở thị trấn Liễu Đề bốc thuốc cho bệnh nhân.
Bác sĩ Đông y Vũ Hữu Độ ở thị trấn Liễu Đề bốc thuốc cho bệnh nhân.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Hội Đông y huyện thường xuyên củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ lương y, đẩy mạnh hoạt động ở các phòng chẩn trị đông y góp phần đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Với tinh thần “Ở đâu có hội viên đông y ở đó có các cơ sở phòng chẩn trị phục vụ nhân dân”, hiện nay, hầu hết các phòng chẩn trị đông y trên địa bàn huyện đều hoạt động hiệu quả. Các lương y luôn nêu cao tinh thần “Lương y như từ mẫu”, gần gũi, giúp đỡ người bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; sử dụng dược liệu sạch, chất lượng cao, an toàn, đồng thời nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh. Nhiều lương y kết hợp chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền với các thủ thuật không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi và ngâm thuốc... để giảm chi phí cho người bệnh nhưng vẫn đạt kết quả cao trong điều trị. Một số chi Hội Đông y hoạt động hiệu quả như chi Hội Đông y các xã: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình, thị trấn Rạng Đông… Trong năm 2020, Hội Đông y huyện đã khám chữa bệnh cho 54.956 lượt bệnh nhân. Trong quá trình hoạt động, nhiều cơ sở điều trị đã phát huy hiệu quả phương pháp chữa bệnh bằng Đông y, tiêu biểu như gia đình cụ lương y Vũ Viết Vân có 9 người làm đông y, đông dược; gia đình ông Trần Thanh Viên có 5 người làm nghề y… Nhiều lương y có tay nghề cao, bó gãy xương nhiều ca phức tạp thành công như lương y Trần Văn Tiến, lương y Trần Văn Lý... Bác sĩ Đông y Vũ Hữu Độ ở thị trấn Liễu Đề có gần 30 năm hoạt động trong nghề với thế mạnh về điều trị các bệnh về xương khớp, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm... Bên cạnh các bài thuốc Đông y, ông còn sử dụng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Các lương y thường xuyên giao lưu trao đổi những kinh nghiệm hay, bài thuốc quý để truyền thụ lại cho thế hệ trẻ, đồng thời khai thác hợp lý, kết hợp bảo tồn để duy trì nguồn dược liệu phục vụ chữa bệnh. Đặc biệt phương pháp khám chữa bệnh đúc rút bệnh án điển hình của các bệnh như chứng phong kinh lạc chỉ châm cứu không dùng thuốc của hội viên Hội Đông y huyện đã được Hội Đông y tỉnh áp dụng và phổ biến rộng rãi; các bệnh: đau thần kinh tọa; phong nhiệt; sỏi mật; sỏi thận… của hội viên Hội Đông y huyện phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, khai thác nguồn dược liệu tại địa phương cũng được Hội Đông y huyện quan tâm. Các chi hội và hội viên chủ động, tích cực vận động nhân dân trồng khóm thuốc gia đình, tham gia cùng trạm y tế xã, thị trấn, trường học, xây dựng các nhà vườn thuốc mẫu, thực hiện phương châm “Thuốc tại vườn, thầy tại chỗ, chữa bệnh tại nhà”. Hiện tại trên địa bàn huyện có tổng diện tích hơn 200ha trồng cây dược liệu, cho thu nhập bình quân mỗi ha 200-300 triệu đồng/năm. Trong 5 năm qua, huyện đã khai thác gần 60 tấn dược liệu gồm: sài hồ, hương phụ, hải tảo, mai mực, đáp ứng đủ nhu cầu thuốc Nam, thuốc Bắc cho phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cho nhân dân. Các vùng trồng dược liệu tập trung ở các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình, Nghĩa Lạc... đã đạt tiêu chuẩn Thực hành trồng và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO); phần lớn sản lượng đinh lăng, ngưu tất được Công ty cổ phần Traphaco và Công ty TNHH Hoa Thiên Phú ký hợp đồng thu mua. Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngoài ra, các cấp Hội thường xuyên kết hợp với các đơn vị trong ngành Y tế tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, mở lớp tập huấn, quản lý hành nghề. Hội Đông y huyện cũng chỉ đạo các chi hội phối hợp với các xã, thị trấn hoàn thiện các tiêu chí chữa bệnh bằng Đông y, góp phần xây dựng trạm y tế đạt chuẩn.

Thời gian tới, Hội Đông y huyện Nghĩa Hưng tiếp tục phát triển hội viên, đảm bảo về số lượng và chất lượng; khuyến khích hội viên làm tốt công tác đào tạo, thừa kế, dịch thuật, nghiên cứu ứng dụng để không ngừng phát huy vốn quý y học cổ truyền của địa phương. Tiếp tục phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm y tế huyện xây dựng chi hội lồng ghép ở cơ sở, phát triển nhiều loại cây thuốc, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com