Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở

07:04, 07/04/2021

Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).
Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng).

Hiện nay, tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh có 10 trung tâm y tế huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu với 2.760 giường bệnh; 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 1.145 giường lưu bệnh nhân. Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg, ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018-2020 của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án cụ thể hoá mục tiêu và các hoạt động phát triển y tế cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Y tế đã triển khai nhiều đề án quan trọng, phát triển và nâng cao năng lực của ngành. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai thực hiện các đề án; đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế gắn với việc hoàn thành tiêu chí y tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trung tâm Y tế các huyện rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các cơ sở y tế, trên cơ sở đó đề xuất với chính quyền các địa phương giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ở tuyến huyện đã cơ bản được đầu tư xây dựng và trang bị các thiết bị y tế bảo đảm thực hiện các dịch vụ y tế đúng tuyến trong hoạt động khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh viện tuyến huyện thực hiện được khá nhiều kỹ thuật vượt tuyến như mổ nội soi, chạy thận nhân tạo… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia khám, chữa bệnh. Để nâng cao năng lực cơ sở y tế tuyến xã, Trung tâm Y tế các huyện phân công cán bộ phụ trách các xã, thị trấn xuống chỉ đạo công tác khám chữa bệnh; duy trì giao ban hàng tháng với các trạm y tế, qua đó chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời việc thực hiện quy chế, chế độ chuyên môn; giám sát, hỗ trợ thực hiện 10 tiêu chí quốc gia về y tế, tiêu chí 15 về y tế (Bộ tiêu chí nông thôn mới). Những năm qua, hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đảm bảo đủ số phòng theo quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn; bổ sung trang thiết bị để thực hiện tốt gói dịch vụ y tế cơ bản; chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất cho công tác y tế dự phòng. UBND tỉnh đã hỗ trợ 32,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trạm y tế; Sở Y tế đầu tư 4,7 tỷ đồng mua trang thiết bị cấp cho các trạm y tế tuyến xã. Ngành Y tế còn huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài như: Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng - Dự án thành phần tỉnh Nam Định (NORRED). Đầu tư trang thiết bị cho 226 trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn như: cử đi học hàm thụ đại học y; đi tập huấn, đào tạo chuyên sâu về tay nghề, chuyển giao kỹ thuật mới tại các bệnh viện chuyên khoa lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Triển khai Dự án giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế tỉnh Nam Định (HPET); trong đó hợp phần 3 triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng theo nguyên lý y học gia đình. Đội ngũ cán bộ, nhân viên các trạm y tế, cộng tác viên y tế thôn xóm thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về cấp cứu, điều trị và phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố còn cử 250-300 lượt cán bộ chuyên môn xuống các trạm y tế xã, phường, thị trấn chuyển giao kỹ thuật lâm sàng; giúp các trạm y tế xã thực hiện công tác khám chữa bệnh theo đúng quy định; hướng dẫn, phát hiện điều trị và khoanh vùng dịch bệnh... Qua đó, chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại cơ sở ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 186/226 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, đạt tỷ lệ 81,2%. Các trạm y tế thực hiện được tối thiểu 60% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 100% trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh trình độ trung cấp trở lên, đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Toàn tỉnh có 223 xã, phường, thị trấn bằng 98,67% đạt Tiêu chí quốc gia về y tế; trong đó cả 9 huyện có 100% xã, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế. Toàn tỉnh có 3.701 thôn, tổ dân phố (đạt 100%) có nhân viên y tế hoạt động. Hệ thống y tế cơ sở được hoàn thiện, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn đã tạo ra bước chuyển biến mới góp phần nâng cao năng lực hoạt động, tăng khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại y tế cơ sở được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với khả năng thu nhập của nhân dân. Hàng năm, số lượt người đến khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã, thị trấn tăng lên, bình quân đạt trên 1,2 triệu lượt bệnh nhân/năm, đảm bảo an toàn trong điều trị, giảm tải số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, trong thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở đã tích cực tham gia, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp mắc COVID-19, truy vết thần tốc các trường hợp F1, F2; hướng dẫn, kiểm soát các trường hợp cách ly tại nhà theo quy định; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Y tế tuyến cơ sở triển khai tốt các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động y tế dự phòng; phát hiện sớm, xử trí kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây dịch; duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng và phòng chống suy dinh dưỡng; thực hiện tốt các mục tiêu dân số và phát triển. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai hiệu quả, bao phủ rộng khắp. Duy trì tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt trên 95%, đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tỷ lệ người mắc và tử vong do các bệnh có vắc-xin phòng ngừa đã giảm rõ rệt. Trẻ em dưới 3 tuổi được uống vitamin A đạt tỷ lệ 98,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 10,14%; suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 12,8%. Công tác quản lý các bệnh xã hội được tiến hành thường xuyên; trong đó duy trì kết quả thanh toán bệnh phong, bệnh bại liệt, phòng chống HIV/AIDS; tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường.

Thu hút và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ nhân lực y tế cơ sở; bố trí cơ cấu nhân lực hợp lý, đúng và đủ theo quy định, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; tăng cường đưa các dịch vụ y tế của tuyến trên thực hiện tại tuyến huyện; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã là những giải pháp của ngành Y tế tỉnh nhằm tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng, đảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, liên tục, toàn diện; đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trước mắt, sẵn sàng các phương án đáp ứng với mọi diễn biến tình hình dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Tân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com