Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

08:10, 13/10/2020

Sau 2 năm thực hiện chuyển đổi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) theo Thông tư liên tịch 39 giữa liên Bộ GD và ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB và XH, hoạt động của các Trung tâm GDTX, GDNN-GDTX trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực ở cả lĩnh vực giáo dục văn hóa và đào tạo nghề.

Một buổi học của học viên tại Trung tâm GDTX Trần Phú (thành phố Nam Định).
Một buổi học của học viên tại Trung tâm GDTX Trần Phú (thành phố Nam Định).

Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện. Các Trung tâm đã chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; có nhiều giải pháp trong việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của xã hội. Năm học 2019-2020, các Trung tâm đã thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng GDTX và dạy nghề hướng nghiệp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Năm học 2019-2020, 2 Trung tâm GDTX cấp tỉnh đã tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT cho 599 học viên tại 32 lớp; liên kết giảng dạy văn hóa cho học sinh của 3 trường cao đẳng nghề. Các Trung tâm chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học viên; đảm bảo những kiến thức cơ bản, tối thiểu, gắn với thực tiễn; dạy học thông qua trải nghiệm… Tại 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, trung bình mỗi năm học tuyển được trên 1.600 học viên vào lớp 10. Các Trung tâm này đã tổ chức thực hiện chương trình đúng theo quy định của Bộ GD và ĐT; chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học viên; đảm bảo những kiến thức cơ bản, tối thiểu, gắn với thực tiễn; dạy học thông qua trải nghiệm, do vậy chất lượng giảng dạy đã nâng lên một mức, đáp ứng yêu cầu đổi mới; tổ chức phân loại, ôn thi tốt nghiệp cho học viên theo nhóm đối tượng, chú trọng bồi dưỡng học viên yếu kém… giúp các em có kiến thức, kỹ năng cơ bản, tự tin tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện đều xây dựng kế hoạch hỗ trợ, cử giáo viên phụ trách xã tư vấn giúp đỡ các Trung tâm Học tập cộng đồng trên địa bàn trong tất cả các khâu: Điều tra nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp bồi dưỡng…, nhiều Trung tâm GDNN-GDTX đã biên soạn, cung cấp học liệu, tài liệu cho Trung tâm học tập cộng đồng; nhiều giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX trực tiếp làm báo cáo viên tại các lớp bồi dưỡng... Việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề được thực hiện tích cực nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Năm học 2019-2020, 6/9 trung tâm  GDNN-GDTX của tỉnh đã tổ chức liên kết dạy văn hóa cho học sinh của 9 trường trung cấp, cao đẳng nghề, 9/9 Trung tâm tổ chức liên kết dạy nghề cho gần 100% học sinh học văn hóa của Trung tâm. Bên cạnh đó, các Trung tâm cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và phát triển đội ngũ giáo viên; đa dạng hoá nội dung chương trình và hình thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người. Đặc biệt các Trung tâm đều chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý; áp dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, khai thác nguồn học liệu “mở” (thư viện) câu hỏi, bài tập, đề thi, kế hoạch bài dạy, tài liệu tham khảo trên mạng. 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh hiện có 195 phòng học kiên cố; 28 phòng thí nghiệm; 13 thư viện; 907 máy tính; cả 11/11 trung tâm đều đã có phòng học bộ môn. Cơ sở vật chất cảnh quan của các trung tâm được tăng cường, tu sửa khang trang; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao.

Để góp phần khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” mất cân đối trên thị trường lao động, ngoài việc thường xuyên cử cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức cho giáo viên tham gia các hội giảng; tích cực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng; triển khai phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học; các Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ban, ngành và các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền và xã hội hoá các chủ trương, chính sách và quyền lợi trong việc học nghề cho người lao động. Phối hợp hiệu quả với các trường THCS, THPT và chính quyền các cấp nhằm phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 9 và khối 12, khuyến khích các em tham gia học nghề; tổ chức điều tra, khảo sát phân tích nhu cầu học nghề, xem xét tính đặc thù nghề nghiệp của từng vùng; lên kế hoạch liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để gắn học lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường; liên kết với các doanh nghiệp có uy tín tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các khu công nghiệp, nhà máy để đảm bảo người lao động có việc làm sau đào tạo. Tiêu biểu trong hoạt động là các Trung tâm GDNN-GDTX Hải Hậu, Nghĩa Hưng… 

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, những năm gần đây số lượng học viên đăng ký vào học tại các Trung tâm ngày càng tăng. Mỗi năm có trên dưới 6.000 học viên theo học ở 161 lớp của 11 Trung tâm.

Năm học 2020-2021, các Trung tâm GDTX cấp tỉnh đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các lớp liên kết đào tạo, đào tạo từ xa; phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng giáo viên THPT; tích cực điều tra nhu cầu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học; tổ chức thi cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. Các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình GDTX cấp THCS, THPT, tích cực điều tra nhu cầu, phối hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng nhu cầu người học; tiếp tục tư vấn, giúp đỡ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn; thực hiện tốt việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề phục vụ công tác phân luồng học sinh sau THCS...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều giải pháp được áp dụng trong hoạt động sản xuất; trong đó, giáo dục, đào tạo nghề và học tập suốt đời là những trụ cột quan trọng. Việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX là hướng đi đúng góp phần từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho việc mục tiêu cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com