Nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

08:10, 12/10/2020

Thời gian qua, đội ngũ hòa giải viên trong tỉnh đã tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Chất lượng kỹ năng hòa giải được nâng lên, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, hỗ trợ chính quyền địa phương giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở đến từng người dân.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở đến từng người dân.

Tổ dân phố Đông Đò, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) hiện có 240 hộ với trên 800 khẩu, kinh tế chủ yếu là phát triển thương mại dịch vụ. Nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình đều được tổ hòa giải của đội vào cuộc giải quyết, hợp tình, hợp lý. Để làm tốt hoạt động hòa giải, các thành viên trong tổ tự tìm hiểu thêm về pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai... để tuyên truyền, giải thích cho người dân. Định kỳ, tổ hoà giải mời cán bộ tư pháp thị trấn về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trong các cuộc họp; góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, hạn chế các tranh chấp dân sự trên địa bàn. Tiêu biểu như việc xô xát giữa 2 gia đình hàng xóm trong tổ xảy ra vào trung tuần tháng 7-2020, tổ hòa giải đã phối hợp ban công tác mặt trận khu dân cư và những người hiểu biết pháp luật tìm hiểu tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư của hai bên, phân tích rõ đúng sai sự việc, nhờ đó mâu thuẫn được hòa giải. Hiện nay, thị trấn có 10 tổ hòa giải tại 10 khu dân cư, hầu hết là người có uy tín, hiểu biết pháp luật, gồm đại diện ban công tác mặt trận, trưởng thôn, bí thư chi bộ; các chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi. Từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ đã hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng như mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng... Nhờ phát huy vai trò của các tổ hòa giải mà vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp đất ở thị trấn ít xảy ra, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Các hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về chấp hành pháp luật, gắn kết tình làng nghĩa xóm. 

Toàn tỉnh hiện có 3.650 tổ hòa giải với 21.751 hòa giải viên cơ sở, 100% thôn, xóm, tổ dân phố có tổ hòa giải, mỗi tổ hòa giải trung bình có từ 5-7 thành viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia hoạt động đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Để đội ngũ hòa giải hoạt động hiệu quả, các xã, phường, thị trấn luôn chú trọng thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở như: Xây dựng tổ hòa giải; xác định rõ trách nhiệm của mặt trận và chính quyền các cấp trong tổ chức hoạt động này... Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp, cấp huyện, UBND cấp xã phối hợp với ban thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp thường xuyên rà soát, thống kê số lượng tổ hòa giải hiện có; số lượng tổ viên đủ điều kiện trở thành hòa giải viên cần được bổ sung, thay thế. Cơ cấu tổ hoà giải có tổ trưởng và các tổ viên do Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên của mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do UBND cùng cấp công nhận. Cùng với việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, các cấp, các ngành đã thường xuyên phối hợp, lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào tại cộng đồng dân cư, gắn công tác hòa giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và hòa giải 723 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 510 vụ, 25 vụ việc chưa giải quyết xong. Những vụ việc hòa giải không thành đều được hòa giải viên hướng dẫn chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài… Cùng với việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên còn tích cực lồng ghép hoạt động hòa giải với đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen chấp hành pháp luật cho nhân dân trong tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, Sở Tư pháp cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Phát huy trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Tư pháp, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải; cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật..., góp phần nâng cao vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở đối với việc giữ vững an ninh trật tự ở địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com