Đồng hành với doanh nghiệp vượt khó

07:05, 21/05/2020

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đã khiến không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động dẫn đến nhiều người lao động mất việc làm, ngưng việc tạm thời. Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động đề xuất các phương án đảm bảo việc làm, tiền lương và thu nhập cho người lao động… Từ đó tham mưu, đề xuất các cấp, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ, góp phần ổn định đời sống người lao động cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh phát khẩu trang cho công nhân Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam ở thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh phát khẩu trang cho công nhân Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam ở thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19.

Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam ở thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài với 785 lao động, chuyên may quần áo xuất khẩu. Từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, công ty bị cắt giảm 50% đơn hàng. Có số hàng đã hoàn thiện nhưng không xuất được. Bên cạnh đó, khâu nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu cũng chậm trễ do tàu cập cảng phải kiểm tra và phun thuốc diệt khuẩn. Do vậy, công ty phải cắt giảm một số ít lao động gián tiếp khi hết hạn hợp đồng hoặc trong thời gian thử việc. Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân công ty cho biết: “Lương công nhân ngành may vốn không cao, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty đã cho giãn việc, nghỉ luân phiên, giải quyết nghỉ phép… nên thu nhập của tôi cũng bị giảm theo. Trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình vẫn phải đảm bảo thường xuyên, đời sống rất khó khăn”. Còn ở Công ty TNHH Yamani Dynasty, xã Nam Hồng (Nam Trực) chuyên sản xuất và cung cấp các loại túi da cũng bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh do tác động của đại dịch COVID-19, đơn đặt hàng giảm nhưng thời điểm này công ty chưa cắt giảm lao động mà phối hợp với tổ chức công đoàn chủ động tổ chức cho người lao động luân phiên nghỉ việc… Trong khi đó, tại Công ty TNHH Chentai miền Bắc Việt Nam ở Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) hoạt động trong lĩnh vực dệt may với hơn 200 lao động bị ảnh hưởng khá nặng nề. Công ty gặp khó khăn do không nhập được nguyên liệu sản xuất, đơn hàng bị cắt giảm. Giải pháp trước mắt của công ty là cho người lao động nghỉ việc và trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc theo khoản 3, điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012 (tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định). Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập của người lao động bị giảm đáng kể.

 Theo số liệu của LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 106 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, 485 lao động phải ngừng việc, 1.117 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 1.759 lao động không hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trước những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, Chính phủ, các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Điển hình, ngày 9-4, trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ với hơn 62 nghìn tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng, trong đó có người lao động được hỗ trợ: người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động... Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, LĐLĐ tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến việc làm, đời sống của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn; đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ và giải quyết các vấn đề liên quan, trong đó chú trọng đề xuất về chính sách đảm bảo, duy trì, chuyển đổi việc làm; tiền lương và các chế độ khi người lao động phải nghỉ việc để cách ly hoặc thiếu, mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn; chế độ đối với người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp bất khả kháng… LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục nắm chắc tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với người lao động bị ngừng việc do dịch COVID-19; hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo đúng quy định, chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn thuộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác do COVID-19. Đặc biệt, các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, phối hợp tổ chức thăm hỏi, tặng 100 suất quà trị giá 50 triệu đồng cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; tặng 50 suất quà trị giá 25 triệu đồng cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ; tặng 40 suất quà trị giá 20 triệu đồng cho nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn (trích từ quỹ vì nữ công nhân lao động nghèo); phối hợp với hãng sữa Yakul phát sữa vào bữa ăn ca từ 1-2 doanh nghiệp có đông công nhân lao động…

Với tinh thần, trách nhiệm, các cấp Công đoàn trong tỉnh vận động đoàn viên ủng hộ 1 ngày lương vào quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, cán bộ chuyên trách công đoàn ủng hộ 1 ngày lương, đồng thời thăm hỏi, động viên và tặng quà tới người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Để chuẩn bị “Tháng Công nhân”, “Tháng An toàn vệ sinh lao động” (tháng 5), LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; nghiên cứu các biện pháp phòng, chống dịch gắn với nâng cao năng suất lao động để đạt được mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế”, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com