Trực Tuấn quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:05, 20/05/2020

Xã Trực Tuấn (Trực Ninh) hiện có trên 7.600 khẩu, trong đó có 4.600 người trong độ tuổi lao động. Để người dân có cơ hội tìm việc làm, phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề cho người lao động.

Cơ sở may của anh Ninh Văn Hà, xóm 11, xã Trực Tuấn thường xuyên mở các lớp nâng cao tay nghề cho lao động địa phương.
Cơ sở may của anh Ninh Văn Hà, xóm 11, xã Trực Tuấn thường xuyên mở các lớp nâng cao tay nghề cho lao động địa phương.

Xã tuyên truyền phổ biến rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động trong cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của học nghề và cơ hội việc làm, hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập. Trên cơ sở Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của huyện, hàng năm UBND xã xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động. Trước khi tổ chức các lớp đào tạo nghề, xã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Là xã thuần nông, người dân chủ yếu trồng lúa, rau màu, chăn nuôi và nuôi thủy sản, vì vậy, một mặt UBND xã tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, mặt khác xã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề của huyện, tỉnh mở các lớp đào tạo ngắn hạn một số ngành nghề khác như: kỹ thuật sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ mộc gia dụng, cơ khí, may công nghiệp. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tranh thủ các chương trình, phong trào của cấp trên tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên, đoàn viên. Năm 2018, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức lớp học bồi dưỡng kiến thức sử dụng internet trên điện thoại thông minh và máy tính để tra cứu thông tin, kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Kết thúc khóa học, xã đã thành lập “CLB nông dân với internet” với 25 thành viên để trao đổi kinh nghiệm sử dụng mạng internet và kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình. Từ những kinh nghiệm thực tế cùng kiến thức khoa học sản xuất, giá cả thị trường vật tư, nông sản được chia sẻ từ mạng internet, nông dân xã Trực Tuấn áp dụng vào sản xuất, kinh doanh thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2019, xã tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm với 30 học viên tham gia, tổ chức học vào các ngày thứ 7 và chủ nhật trong 3 tháng. Nhiều học viên đã áp dụng thành công các kiến thức khóa học vào thực tế sản xuất. Ông Ninh Văn Chí (58 tuổi) xóm 15 là một học viên trong khóa học cho biết: Sau khi được học thêm các kỹ thuật chăm sóc lợn, ông đã hiểu hơn về phương pháp chăm sóc dinh dưỡng như: cho lợn ăn thêm những chế phẩm sinh học để hỗ trợ, nâng cao sức đề kháng; cộng thêm việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi, kỹ lưỡng hơn khi chăm sóc sẽ thành công. Còn anh Trần Văn Duy (48 tuổi) sau khi kết thúc khóa học đã mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi dê thịt. Anh Duy chia sẻ: “Nuôi dê nhanh thu hồi vốn so với các loại vật nuôi khác, nhưng đặc tính của dê là mẫn cảm với thời tiết và thường bị bệnh phổi. Trước đây khi chưa được học các kỹ thuật chăm sóc, đàn dê tăng cân chậm và hay ốm vặt. Đến nay, đàn dê của tôi duy trì ổn định với số lượng 50 con, ước tính thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt từ 70 đến 100 triệu đồng/năm”. Năm 2019, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Tuấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức lớp kỹ thuật gieo sạ lúa cho 30 học viên. Trong quá trình mở các lớp đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Người lao động học nghề nông nghiệp đã tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với các lớp học do xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều cá nhân và cơ sở sản xuất ở xã Trực Tuấn đã tổ chức lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Cao Cường sản xuất các mặt hàng mây, tre đan và chế tạo búp bê đồ chơi xuất khẩu tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập mỗi tháng từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người. Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định mở các lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đều được doanh nghiệp tạo việc làm. Còn cơ sở may của anh Ninh Văn Hà, xóm 11, xã Trực Tuấn hiện tạo việc làm cho trên 20 lao động địa phương. Từ năm 2016 đến nay, anh Hà và vợ đã trực tiếp mở lớp dạy may cho lao động địa phương, mỗi lớp từ 10-15 học viên. Sau khóa đào tạo, các học viên có nhu cầu làm việc tại cơ sở may của anh Hà tiếp tục được bồi dưỡng các kỹ thuật may nâng cao để đáp ứng nhu cầu công việc. Ở cơ sở sản xuất lẵng hoa, giỏ hoa mây tre đan Đức Thiện thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho các lao động để bắt kịp các mẫu mã mới của thị trường. Cơ sở hiện tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương. Anh Đức Thiện cho biết: Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho lao động địa phương, năm 2012, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng cùng nhiều thiết bị phục vụ sản xuất như máy hàn, máy mộc để pha chế gỗ, sắt để làm khung và nhập nguồn nguyên liệu như: gỗ, tre nứa, mây, cói… Từ chỗ chỉ làm nhỏ hẹp trong phạm vi gia đình, anh Thiện đã mở lớp dạy nghề cho các lao động địa phương, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập mỗi tháng từ 2 đến 6 triệu đồng/người. Cùng với công tác đào tạo nghề, xã huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Hàng năm, toàn xã có hàng trăm lượt hộ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh… với tổng dư nợ hàng tỷ đồng. Với sự tập trung chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Trực Tuấn đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ năm 2015 đến nay, xã đã có trên 1.000 lao động được đào tạo, dạy nghề; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 1,26% (giảm 1,13% so với năm 2018), thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 52 triệu đồng/người.

Thời gian tới, xã Trực Tuấn tiếp tục huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, qua đó tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com