Khơi sức dân để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn

08:09, 06/09/2019

Là tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn nên nếu chỉ dựa vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vì thế Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ trương dựa vào sức dân, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Sau 9 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc-ta đất đã được huy động từ sự ủng hộ của người dân và các doanh nghiệp để tập trung đầu tư kiến thiết hạ tầng điện, đường, trường, trạm và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, chỉnh trang diện mạo nông thôn...

Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Hưng theo hướng xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng đồng bộ góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Hưng theo hướng xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phát triển kinh tế nông nghiệp, tỉnh đã chọn dồn điền đổi thửa làm khâu đột phá. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU; UBND tỉnh có Kế hoạch số 45/KH-UBND lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt công tác dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng. Sau dồn điền, đổi thửa ngoài tác dụng giảm số thửa, khắc phục sự manh mún của ruộng đất, đáng ghi nhận là nhân dân trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp 2.897ha đất nông nghiệp (giá trị khoảng 6.000 tỷ đồng), hiến 206ha đất thổ cư (giá trị trên 1.000 tỷ đồng) để mở rộng đường, xây dựng công trình phục vụ cộng đồng. Thành công trong dồn điền, đổi thửa kết hợp với chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng đồng ruộng làm cho sản xuất của người dân, doanh nghiệp thuận lợi và hiệu quả hơn, mở ra nhiều cơ hội và sự lựa chọn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, nhất quán chủ trương huy động sức mạnh của nhân dân để tập trung hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, mỗi địa phương trong tỉnh đã lựa chọn cách làm sáng tạo khác nhau. Tại huyện Trực Ninh sau dồn điền, đổi thửa, số thửa bình quân từ 3,51 thửa/hộ xuống còn 1,82 thửa/hộ, giúp huyện xây dựng được 23 cánh đồng lớn, với quy mô mỗi cánh đồng có diện tích từ 30-50ha mang lại hiệu quả kinh tế cao; người dân đã hiến, góp trên 320ha đất nông nghiệp (tương đương 640 tỷ đồng) để xây dựng các công trình phúc lợi. Mặt khác, nhờ có mặt bằng rộng huyện Trực Ninh đã thu hút hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư về địa phương phát triển sản xuất với tổng số vốn trên 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 60 triệu USD, tạo việc làm mới cho trên 10 nghìn lao động. Đối với huyện Nghĩa Hưng có địa hình thấp và ở ven biển, chịu nhiều tác động bất lợi của biến đổi khí hậu xâm nhập mặn gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, trình độ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động, thu nhập từ nông nghiệp thấp. Các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp phát triển chậm, chưa khai thác hết các tiềm năng, nhất là dịch vụ kinh tế biển… Do vậy huyện Nghĩa Hưng xác định thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới là giải pháp tạo đột phá cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xu hướng và yêu cầu tất yếu phải xây dựng nông thôn mới, từ đó đồng thuận tích cực tham gia đóng góp nguồn lực trí tuệ, công sức và tài chính... Có sự nêu gương, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phong trào tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư; đóng góp tiền, ngày công và vật liệu xây dựng... để xây dựng các công trình phúc lợi đã được lan tỏa rộng khắp đến các thôn, xóm trong huyện. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến 266ha đất để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, xây dựng kênh mương, các công trình phúc lợi. Đến năm 2018, huyện Nghĩa Hưng đã huy động được trên 2.300 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó, doanh nghiệp ủng hộ trên 100 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 243 tỷ đồng. Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm; đường ngõ được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%. Đường trục chính nội đồng được bê tông hóa trên 90%, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của 23/23 trường mầm non, 30/30 trường tiểu học và 22/22 trường trung học cơ sở được tăng cường đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, 100% số trường các cấp học đạt chuẩn quốc gia. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; có điểm vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. Trong 22 xã có 261 thôn, xóm có nhà văn hóa theo quy định. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau hơn 8 năm thực hiện chương trình, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới của huyện Ý Yên đạt hơn 3.757 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp trên 350 tỷ đồng, chiếm 9,3%; nguồn vốn nhân dân đóng góp trên 443 tỷ đồng, chiếm 11,8%. Nhờ đó huyện đã huy động được nguồn lực lớn để tập trung cải tạo, nâng cấp các kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn. Các xã đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 211,37km đường liên xã, trục xã; 591,47km đường trục thôn, xóm; 503km đường trục chính nội đồng; 100% đường thôn, xóm được cứng hóa đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, mở rộng nền đường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải đáp ứng yêu cầu lưu thông của xe cơ giới. Toàn huyện kiên cố hóa được 36,3/37,5km đê sông; 284,92km kênh mương nội đồng, trên 40km kênh cấp III, đảm bảo tốt công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai trên địa bàn; 31/31 xã có nhà văn hóa trung tâm được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ các hoạt động cộng đồng.

Sau 9 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân các địa phương trong tỉnh và con em quê hương đã đóng góp 3.314 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Việc hiến đất làm đường của người dân các địa phương đã giải quyết được vấn đề quan trọng trong các dự án giao thông trọng điểm trước đây là công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ đó vừa tiết kiệm đầu tư vừa đảm bảo thời gian tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành công trình. UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương cải tạo, nâng cấp, xây mới 437,7km đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, với tổng mức đầu tư trên 18,8 nghìn tỷ đồng; đồng thời đã huy động các nguồn lực trong tỉnh cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 6.337km đường giao thông nông thôn; cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 7.239 cầu, cống dân sinh; lắp thêm 10 cụm đèn tín hiệu giao thông ở các huyện. Toàn tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới 8.535 công trình thủy lợi và kiên cố hóa 373km kênh cấp I, cấp II; 27.597 công trình thủy lợi cấp xã; nạo vét, khơi thông dòng chảy, đào đắp củng cố bờ kênh với tổng khối lượng khoảng 29 triệu m3. Nhờ vậy, tăng năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Ngành Điện đã đầu tư 2.882 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây mới: 4.082km đường dây trung thế, hạ thế; 1.280 trạm biến áp khu vực nông thôn; sản lượng điện tiêu thụ ở khu vực nông thôn năm 2018 là 1,731 tỷ kWh, tăng 2,8 lần so với năm 2011, mức tăng trưởng bình quân đạt gần 16%/năm. Các địa phương đã dành 868.612m2 đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, mở rộng, xây mới trường học các cấp; đầu tư cải tạo nâng cấp và xây mới 3.182 phòng học các cấp...

Qua 9 năm xây dựng nông thôn mới cho thấy, phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã được các cấp, các địa phương trong tỉnh thực hiện sáng tạo, hiệu quả, huy động được nguồn lực "khổng lồ" đầu tư toàn diện cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kết quả đó đã minh chứng rõ nét lời Bác dạy "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong". Là tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp song tỉnh ta cùng với Đồng Nai là 2 tỉnh đầu tiên về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 là bởi đã vận dụng hiệu quả phương châm này./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com