Phát triển du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng

08:09, 06/09/2019

Du lịch sinh thái đang là lựa chọn của nhiều du khách khi tới Nam Định. Nắm bắt xu hướng đó, một số hộ dân tại các huyện Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thủy… đã cải tạo các điều kiện sẵn có để phục vụ khách du lịch.

Hiện tỉnh ta có 2 nhóm hệ sinh thái chính là tự nhiên và nhân tạo với tổng số 6 hệ sinh thái khác nhau tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Trên cơ sở khảo sát đánh giá, tỉnh đã quy hoạch và định hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái tại các địa phương có điều kiện và lợi thế về các hệ sinh thái đặc trưng gắn với phát triển văn hóa cộng đồng, làng nghề. Một số khu, điểm du lịch sinh thái đã được đầu tư xây dựng như: Vườn quốc gia Xuân Thủy, Điểm du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân (Giao Thủy), Điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Hải Hậu… Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, Ban Quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư xây dựng các tour du lịch phù hợp từng đối tượng khách; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các đoàn tham quan như bến thuyền, chòi quan sát, xuồng máy, nơi ăn, nghỉ; triển khai một số hoạt động du lịch, tham quan trong khu vực vùng lõi rừng ngập mặn, vùng đệm. Tuỳ theo nhu cầu du khách, các tour du lịch hấp dẫn có thời gian từ 1 đến 3 ngày với các hoạt động: Tắm biển, ẩm thực đồng quê, hải sản trên nhà giàn nuôi ngao giữa biển; đi tàu xuyên Vườn quốc gia Xuân Thủy ngắm các loài chim di cư; du khảo đồng quê với tour xe đạp khoảng 5km; trải nghiệm du lịch văn hóa với nhiều hoạt động đặc sắc trong lễ hội truyền thống như: giao lưu văn nghệ, hát chèo, bơi chải, múa rồng, cà kheo… Ngoài ra, “điểm nhấn” trong hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng tại Giao Thủy là du khách được tìm hiểu, tham gia vào cuộc sống của người dân địa phương tại các cơ sở sản xuất mắm thủ công ở xã Giao Châu; nghề làm muối ở xã Bạch Long; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở xã Giao Hải; đóng tàu biển tại thị trấn Quất Lâm, tham quan Bảo tàng Đồng quê, xã Giao Thịnh. Năm 2018, có trên 13 nghìn du khách trong nước và gần 1.000 du khách quốc tế đến với Vườn quốc gia Xuân Thuỷ. Cao điểm là vào mùa chim di cư (từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau) số lượng khách du lịch quốc tế đến ngắm chim, tìm hiểu hệ sinh thái với 200 loài chim trong đó có 9 loài được ghi vào Sách Đỏ quốc tế. Việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng đã giúp tuyên truyền, quảng bá về nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của hệ sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy đến du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động du lịch cũng tác động tích cực đến ý thức của người dân hưởng lợi từ việc kinh doanh dịch vụ du lịch như chở khách, bán các sản phẩm của địa phương…; giúp họ ý thức hơn trong việc trang bị những thông tin cơ bản, chính xác để giới thiệu cho du khách và có hành động thiết thực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Du khách tham quan tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Du khách tham quan tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy).
Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Huyện Hải Hậu cũng là địa phương có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng dân cư tại các làng nghề truyền thống. Cuối năm 2018, dự án du lịch Ecohost Hải Hậu do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Du lịch sinh thái biển làm chủ đầu tư được triển khai với các hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống, ăn ở, lao động cùng người dân. Bước đầu, dự án liên kết với các hộ sở hữu những ngôi nhà 3 gian Bắc Bộ hơn 100 năm tuổi tại khu vực phố cổ Đông Biên (thị trấn Yên Định) gồm các nhà: Hoa Đại, Cây Chay, Hồng Cổ. Dự án Ecohost Hải Hậu lựa chọn những ngôi nhà cổ truyền thống, ưu tiên các kiến trúc nhà gỗ có khuôn viên sân vườn rộng thoáng, có nội thất tinh xảo như sập gụ, tủ chè, bộ bàn trà cổ; cổng, tường bao có kiến trúc cổ sử dụng chất liệu tự nhiên như mây, tre, cói. Dự án cũng hỗ trợ kinh phí trùng tu, tái tạo không gian cổ xưa; bổ sung các điều kiện nghỉ dưỡng chất lượng cao hướng đến đối tượng du khách nước ngoài; mỗi nhà có 4 giường đôi, 1 phòng ngủ riêng, 1 phòng khách, 2 nhà vệ sinh; trang bị hàng chục xe đạp đơn, đôi. Ecohost Hải Hậu mang đến những trải nghiệm du lịch đồng quê như đi xe đạp khám phá cuộc sống thường ngày của người dân địa phương. Nhiều du khách thực sự thích thú khi được tham gia những tour du lịch cộng đồng tại các địa điểm như: Làng nghề sản xuất kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh; Nhà thờ đổ, xã Hải Lý; học người dân đan lưới, đánh bắt hải sản bằng cà kheo tại xã Hải Triều; trải nghiệm làm diêm dân ở xã Hải Chính; làm bánh nhãn tại làng nghề Đông Cường, thị trấn Yên Định. Giờ đây đến với Hải Hậu, du khách được trải nghiệm không gian xanh, sạch, đẹp và tận hưởng cảnh quan bình yên của “vùng quê đáng sống”.

Xã Điền Xá (Nam Trực) nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh, trong đó riêng làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê với tuổi đời hơn 750 năm, hiện có khoảng 600 hộ tham gia trồng hoa, cây cảnh với diện tích khoảng 150ha. Để xây dựng thành làng du lịch sinh thái, xã phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng một số tour du lịch đến làng nghề để chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh, cây thế độc đáo, gặp gỡ các nghệ nhân sinh vật cảnh; chọn một số gia đình có không gian rộng, nhiều cây cảnh đẹp làm điểm dừng chân cho du khách. Mỗi năm có hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua cây cảnh, đặc biệt vào dịp Lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá được tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm.

Du lịch sinh thái phát triển, đem lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương; tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao dân trí thông qua các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường và văn hóa cộng đồng. Để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn với lợi ích cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương xây dựng các mô hình liên kết phát triển du lịch; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái theo không gian, có gắn kết các tuyến và điểm du lịch lễ hội, văn hoá, làng nghề, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; khai thác những nơi có tiềm năng về du lịch sinh thái trong tỉnh, nhất là những điểm thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng trên địa bàn các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu... Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong nước tổ chức nhiều đoàn khảo sát tìm hiểu các khu, điểm du lịch mới trong tỉnh; có chính sách đầu tư thu hút các doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các cơ sở lưu trú, các khu vui chơi, giải trí. Tổ chức tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch tỉnh trên hệ thống internet; phối hợp với các ngành tập huấn, trang bị kỹ năng phục vụ du khách cho đội ngũ nhân viên các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, khách sạn. Qua đó tạo ấn tượng với du khách quốc tế, trong nước, xây dựng Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn./.

Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com