Xứng danh "Đất học"

07:09, 06/09/2019

Một phần tư thế kỷ, Nam Định luôn là một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, tỉnh Nam Định đã giành thành tích xuất sắc xếp thứ nhất toàn quốc về điểm bình quân các môn thi; có 8/9 môn thi trong tốp 10 địa phương có điểm bình quân cao nhất cả nước. Thành quả đó được kết tinh từ nền tảng vững chắc của truyền thống hiếu học và sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho các em học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế năm học 2018-2019. Ảnh: PV
Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho các em học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế năm học 2018-2019. Ảnh: PV

Xác định phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về công tác giáo dục và đào tạo; đồng thời cụ thể hóa việc thực hiện các nội dung của nghị quyết thông qua chương trình hành động cụ thể với lộ trình và bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, hiệu quả các nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục như: Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao; Nghị quyết 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông. Đặc biệt thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết về giáo dục và đào tạo, tỉnh đã thành lập Quỹ khuyến học khuyến tài Lương Thế Vinh nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, trao thưởng cho giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp, động viên thầy và trò tiếp tục phát huy tài năng, vươn lên trong giảng dạy và học tập. Đồng thời tỉnh luôn quan tâm ưu tiên nguồn ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục; đầu tư mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.

Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã làm tốt chức năng tham mưu và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; coi đó là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động “tự học, tự rèn” trong các nhà trường; tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý, kỹ năng sư phạm thông qua các chương trình, dự án hợp tác; tổ chức các đợt học tập theo chuyên đề, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng lý luận, chính trị cho đội ngũ giáo viên. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay tỷ lệ cán bộ, giáo viên ở các trường học đạt chuẩn và trên chuẩn cao; có tinh thần trách nhiệm trong công việc, ý chí vươn lên. Năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của các nhà trường. Thông qua nhiều nguồn đầu tư, hỗ trợ, các nhà trường đã củng cố cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện. Mạng lưới trường, lớp ở các cấp học được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Hiện nay, bậc học mầm non có 266 trường (262 trường công lập, 4 trường tư thục), bậc học tiểu học có 292 trường; bậc học trung học cơ sở có 237 trường; bậc học trung học phổ thông có 57 trường (45 trường công lập, 12 trường tư thục)... Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các nhà trường thường xuyên được quan tâm đầu tư. Đã xây dựng mới 12 nhà học đa năng trị giá gần 90 tỷ đồng, 10 nhà công vụ gần 30 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa hàng trăm phòng học, phòng học bộ môn, thư viện đạt chuẩn với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong những năm học vừa qua tỉnh đã trang bị gần 500 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng và thông dụng cho các nhà trường.

Trong xu thế hội nhập sâu rộng, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ, xây dựng Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh với người bản xứ; triển khai dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm trong nhà trường, đồng thời thí điểm giảng dạy, hội giảng, hội thi Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở các trường trung học phổ thông... Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong những đơn vị điển hình triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020. Kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, môn tiếng Anh của tỉnh đứng thứ 6 toàn quốc và thứ 2 miền Bắc (sau Hà Nội). Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực đổi mới, cải tiến hình thức và phương pháp thi. Từ năm học 2016-2017 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chuyển đổi từ môn thi thành bài thi, trong đó học sinh phải làm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Bài tổng hợp. Việc tổ chức thi bài thi tổng hợp đáp ứng yêu cầu việc thực hiện Đề án Ngoại ngữ đến năm 2025, vừa đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện và tiếp cận với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới kiểm tra đánh giá định hướng phát triển năng lực theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, truyền thống hiếu học, phong trào khuyến học khuyến tài và sự nỗ lực vươn lên của các nhà trường là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp “trồng người” liên tục có bước phát triển. Ở khắp các địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ ngõ xóm đến khối phố, trong nhà thờ hay nhà chùa đều sôi nổi các hoạt động chăm lo cho sự học. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều trở thành môi trường giáo dục hiệu quả và lành mạnh. Tiêu biểu trong việc chăm lo cho việc học hành của con em phải kể đến làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh, một vùng đất có truyền thống khoa bảng. Với truyền thống hiếu học và là một địa danh nổi tiếng về số người học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, những năm gần đây, năm nào con em của làng cũng thi đỗ đại học, cao đẳng với tỷ lệ cao nhất nhì cả nước. Người dân trong làng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng vượt lên tất cả, nhà nhà đều phấn đấu cho con cái được ăn học nên người. Ngay từ năm 1994, trước 2 năm ra đời Hội Khuyến học của Trung ương, làng Hành Thiện đã có Hội Khuyến học. Hàng năm, Hội Khuyến học tập trung khen thưởng cho những học sinh học giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi đỗ vào đại học. Phần thưởng cho mỗi học sinh tuy nhỏ nhưng mỗi dịp khen thưởng, làng như ngày hội. Hầu hết học sinh của làng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông đều học lên đại học, cao đẳng, học nghề… Đến nay, làng Hành Thiện có 205 Tiến sĩ; trong đó 81 người có học hàm Giáo sư, phó Giáo sư, 2 Viện sĩ; 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là: Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu; Giáo sư y khoa Đặng Vũ Hỷ; Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ.

Là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc thành lập Hội Khuyến học, phong trào khuyến học, khuyến tài ở Nam Định đã phát triển sôi nổi, sâu rộng và đều khắp đã khơi dậy truyền thống hiếu học và chăm lo cho sự học. Các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo giúp đỡ hàng nghìn học sinh gia đình khó khăn có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng tiếp tục học tập; vận động, hỗ trợ diện tích đất và tiền xây dựng trường lớp, khen thưởng giáo viên dạy giỏi, học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, cấp hàng chục nghìn suất học bổng cùng nhiều sách vở, quần áo; xây dựng nhà “Tình nghĩa Khuyến học”... Toàn tỉnh hiện có 5.269 chi hội khuyến học, 5.793 ban khuyến học. Tỷ lệ hội viên khuyến học chiếm gần 29% dân số của tỉnh. Quỹ khuyến học toàn tỉnh có số dư trên 167 tỷ đồng, là địa phương có Quỹ khuyến học nhiều nhất các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Cùng với Quỹ khuyến học khuyến tài Lương Thế Vinh, Quỹ khuyến học các cấp đã đóng góp tích cực trong phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Với truyền thống hiếu học cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống trường, lớp học ở các cấp học đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 735 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó bậc tiểu học số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt tỷ lệ cao với 188/281 trường (đạt gần 70%). Sẽ khó có thể có những thành tích đó, nếu như không có phong trào thi đua được “nuôi dưỡng” thường xuyên trong các trường học. Là một trong 2 trường tiểu học đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia (năm 1997), trong suốt những năm qua Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã không ngừng vượt khó để giữ vững danh hiệu này, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Nhà trường đã nhiều lần được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, giữ vững là một trong những điển hình xuất sắc của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Các trường Trung học cơ sở: Trần Đăng Ninh, Trần Huy Liệu, Lê Quý Đôn, Mỹ Hưng, Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu… nhiều năm liền giữ vững truyền thống “Dạy tốt - Học tốt”. Ở bậc trung học phổ thông, bên cạnh những ngôi trường truyền thống cũng xuất hiện thêm những điển hình tiên tiến, được khẳng định qua các phong trào thi đua và chất lượng tuyển sinh vào đại học. Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, “cái nôi” phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế của tỉnh đã không ngừng thay đổi, tự làm mới mình nhằm phù hợp với thực tiễn đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường luôn phấn đấu để khẳng định và đạt được những thành tích đỉnh cao. Những người “cầm quân” các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của trường đã phát hiện, chọn lựa, bồi dưỡng để các em trở thành những học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Bằng tư duy linh hoạt trong đổi mới giáo dục, nhà trường đã đạt nhiều thành công trong các mặt công tác, từ giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đến các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao… luôn ở vị trí cao qua nhiều năm trên phạm vi toàn quốc.

Từ chủ trương thực hiện nghiêm kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các trường học trong tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua “dạy thật, học thật”, “thi thật, chất lượng thật”… được giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân đồng thuận. Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Nam Trực), nhiều năm qua luôn xác định, kết quả đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là thước đo chất lượng giáo dục của nhà trường. Hàng năm, nhà trường luôn quan tâm xây dựng nền nếp, kỷ cương học đường, coi trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo đặc trưng của từng môn học. Các tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; tổ chức những chuyến đi trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tự làm đồ dùng dạy học; đồng thời xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, vừa chú trọng nâng cao chất lượng đại trà vừa đào tạo “mũi nhọn”. Với cách làm đó, hàng năm số học sinh lên lớp của trường đạt 100%, học sinh tốt nghiệp đạt 100%; trong đó hơn 95% đỗ vào các trường đại học. Tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi không chuyên trung học phổ thông tỉnh Nam Định năm học 2018-2019, nhà trường đoạt giải Nhì toàn đoàn; cả 27 học sinh dự thi đều đoạt giải; trong đó có 14 giải Nhì, 9 giải Ba, 4 giải Khuyến khích.

Sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự nỗ lực của toàn ngành trên nền tảng vững chắc của truyền thống hiếu học và phong trào khuyến học, khuyến tài sôi động, trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt nhiều  thành tích xuất sắc. Nhiều năm liền, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đều đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc; trong đó nhiều em được tiếp tục chọn và đã gặt hái thành công lớn khi tham dự các cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện luôn ổn định, phát triển với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất toàn quốc. Tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,53%, điểm trung bình các môn thi đạt 5,97 điểm (cao nhất toàn quốc), 8/9 môn thuộc tốp 10 địa phương có điểm trung bình cao nhất toàn quốc. Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh luôn có hơn 80% số học sinh đoạt giải quốc gia trên tổng số học sinh được cử đi thi. Trong đó nhiều học sinh được tiếp tục chọn tham dự các cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế và đã gặt hái thành công lớn. Riêng năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo chọn 88 học sinh của Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong tham dự học sinh giỏi quốc gia ở 11 môn và đã đoạt 75 giải; trong đó 1 giải Nhất, 26 giải Nhì, 26 giải Ba, 22 giải Khuyến khích. Tiêu biểu là: Em Đinh Thị Hương Thảo, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong hai năm liền (2015 và 2016) giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế, là nữ sinh duy nhất giành Huy chương Vàng và nhận giải thưởng đặc biệt “Nữ sinh xuất sắc nhất khu vực châu Á” tại cuộc thi Olympic Vật lý châu Á. Em Nguyễn Thị Minh Nguyệt, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong giành Huy chương Vàng Olympic tiếng Nga quốc tế năm 2014, đồng thời giành giải Nhất hai cuộc thi phụ “Nhà đọc thơ trẻ” và “Nhà hùng biện trẻ” bằng tiếng Nga. Năm học 2016-2017, em Nguyễn Thành Trung giành Huy chương Bạc Hóa học quốc tế. Năm học 2017-2018, em Hoàng Thanh Tùng giành Huy chương Bạc quốc tế môn Hoá học. Năm học 2018-2019, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong có 8 học sinh được chọn tham dự thi vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia thi quốc tế; trong đó em Đặng Nhật Minh tham dự thi Olympic Vật lý châu Âu, em Trần Quốc Việt giành Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương (APIO 2019), em Phạm Thanh Lâm giành Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế…

Với bề dày truyền thống của phong trào thi đua “Hai tốt”, liên tục dẫn đầu toàn quốc kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo ở Nam Định là: Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, tận tụy với nghề, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; kỷ cương, nền nếp trường học - tiền đề của chất lượng giáo dục được xây dựng, củng cố thường xuyên; sự liên kết giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội chặt chẽ; phong trào khuyến học, khuyến tài diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương… đã tạo nên một thương hiệu giáo dục Nam Định “nức tiếng’’ trong cả nước.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Chương trình hành động của Chính phủ, của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn xã hội. Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn ở các cấp học. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện phương pháp giảng dạy và công tác quản lý; thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học./.

Thu Thủy - Hồng Minh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com