Để "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui"!

03:09, 06/09/2019

Năm học mới đã bắt đầu. Không khí tựu trường tràn ngập trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Từ vùng núi cao tới hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng tràn ngập niềm vui, sự hứng khởi về một năm học nhiều thắng lợi!

Từ nhiều năm nay, khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được nhiều nhà trường đưa ra như một tôn chỉ hướng cả thầy và trò đến một mục tiêu giảm áp lực, tạo hứng khởi cho trẻ đến trường. Với học trò, được cắp sách đến trường là một niềm vinh dự lớn, bởi lẽ, mỗi ngày đến trường sẽ học được nhiều kỹ năng từ cuộc sống mà thầy cô đã dạy dỗ, được trau dồi kiến thức trong sách vở, những kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Được đến trường là sự may mắn bởi vẫn còn rất nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn nghèo đói, không được cắp sách tới trường, không được học tập. Khẩu hiệu đó cũng chính là mục tiêu mà ngành Giáo dục Việt Nam đang hướng tới nhằm xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy nhiên trên thực tế, trò chuyện với 10 học sinh thì đã số đều cho rằng: việc học tập ngày nay không hề nhẹ nhàng, rất nhiều áp lực đối với các em cũng như các thầy, cô giáo.

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Do lượng kiến thức quá lớn nên ở hầu hết các cấp học, kể cả học sinh tiểu học, bước vào lớp là cả thầy và trò đều đánh vật với biết bao bài vở, hết kiến thức trong sách giáo khoa đến kiến thức nâng cao trong sách tham khảo. Học sinh khá giỏi còn đỡ, những học sinh yếu luôn lo nơm nớp bị thầy cô khảo bài, gọi tên. Hoạt động học tập chiếm thời lượng lớn, trong khi những hoạt động ngoại khóa vui chơi, giải trí lại quá hiếm hoi. Đối với các thầy, cô giáo cũng bị ràng buộc các chỉ tiêu, từ chất lượng giảng dạy đến các hoạt động khác. Bởi thế, thầy cô luôn nghiêm khắc trong mỗi cử chỉ, lời nói để các em học tập và rèn luyện cũng khiến các em lo lắng khi vì lý do nào đó chưa chuẩn bị bài đầy đủ. Bên cạnh đó, áp lực cũng đến từ chính các bậc phụ huynh, họ luôn mong muốn con em mình đạt kết quả cao nhất, luôn so sánh con với các bạn cùng trang lứa mà không hề hiểu những áp lực con cái mình đang gặp phải. Hết học trên lớp, ra khỏi trường lại đưa con đến các lớp học thêm, tối về lại bò ra với đống bài tập, hầu như trẻ không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng hay vui chơi giải trí. Bởi thế nhiều trẻ sợ khi phải đến trường, không có hứng khởi với việc học, thậm chí nhiều em còn bị stress, trầm cảm vì học quá nhiều!

Năm học mới đã bắt đầu. Trong khi môi trường giáo dục hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu vừa học vừa chơi của trẻ, để trẻ cảm thấy vui, hứng khởi khi đến trường thì trước hết, thầy cô phải là người truyền lửa cho học sinh. Chính sự gần gũi, thân thiện của thầy cô sẽ mang lại nhiều niềm vui cho các em. Bên cạnh đó, các nhà trường cần đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa như giáo dục thể chất, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tạo môi trường “học mà chơi, chơi mà học”, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động, không bị gò ép. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ. Cùng với đó các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn cho trẻ, ép trẻ học nhiều vượt quá khả năng, thường xuyên quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con, động viên kịp thời khi con gặp áp lực, khó khăn trong học tập để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com