Làm mới cảnh quan môi trường - Hiệu quả và động lực xây dựng nông thôn mới

08:09, 06/09/2019

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tiêu chí môi trường được xác định là tiêu chí khó thực hiện ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 do những bất cập trong công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương trong tỉnh như: bộ máy cán bộ quản lý môi trường các cấp, đặc biệt là cấp xã, chủ yếu là cán bộ quản lý đất đai kiêm nhiệm công tác nên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; nguồn lực, kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu và xu hướng phát triển kinh tế; ý thức đảm bảo vệ sinh, bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân chưa cao, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; công tác thu gom, xử lý rác, nước thải chưa tốt, nhất là ở các khu đông dân cư và làng nghề; tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước sạch trên toàn tỉnh còn thấp, nhất là ở 3 huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bằng những giải pháp thiết thực, tỉnh đã vận động người dân chuyển dần từ coi nhẹ sang chung sức bảo vệ môi trường và bước đầu thành công trong thay đổi nhận thức về hiệu quả của công tác cải tạo cảnh quan không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn phát triển thành dịch vụ kinh tế sinh vật cảnh, du lịch sinh thái, tạo ngành nghề kinh doanh có lợi.

Một góc làng quê xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Ảnh: Viết Dư
Một góc làng quê xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Ảnh: Viết Dư

Để sớm hoàn thành tiêu chí môi trường, hàng năm tỉnh bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường chiếm trên 1% tổng chi ngân sách của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và quy định của pháp luật để xây dựng chương trình, kế hoạch, tham mưu ban hành các quyết định, quy định, hướng dẫn về chuyên môn để cấp huyện, cấp xã tăng cường trách nhiệm triển khai thực hiện tiêu chí môi trường của địa phương mình. Các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên trách thường xuyên bám địa bàn, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, xã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải; vận hành đúng hướng dẫn tại các khu xử lý rác sinh hoạt; kiểm soát việc vứt rác bừa bãi ra đường giao thông, kênh mương; định kỳ huy động toàn dân ra quân tổng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống; tăng cường trồng cây xanh. Các ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ngay khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Hải Hậu đã quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn với các hoạt động thiết thực, cụ thể, không hô hào chung chung, hình thức; xây dựng đề án giám sát hoạt động thu dọn, xử lý bèo rác trên hệ thống kênh mương, giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Hậu, các hộ gia đình, cá nhân trên tuyến đảm nhiệm việc khơi thông dòng chảy, dọn bèo rác theo phương thức giao khoán, sử dụng nguồn kinh phí hoạt động của Công ty và huyện hỗ trợ một phần; chính quyền cấp xã thường xuyên giám sát và định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức kiểm tra, đôn đốc đảm bảo chất lượng, dòng chảy thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ. 100% các xã, thị trấn thành lập tổ, đội thu gom rác thải, xây dựng khu xử lý rác thải thân thiện với môi trường, đầu tư lắp đặt, vận hành 29 lò đốt, 6 bãi chôn lấp rác thải tập trung theo quy trình kỹ thuật; giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thực hiện Đề án xây dựng “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản” với tổng số 84 tuyến đường hoa được chị em chăm sóc, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan; thẩm định được 70 tuyến đạt tiêu chuẩn. Ý Yên là huyện có một số nghề truyền thống đặc thù dễ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí như việc ngâm tre nứa làm hàng mỹ nghệ, tre nứa ghép, đúc đồng, chế biến gỗ mỹ nghệ... Do vậy, tiêu chí môi trường là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Để cải thiện cảnh quan, môi trường, huyện đã huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể chung sức đóng góp kinh phí, ngày công lao động vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm sạch sông ngòi làng nghề. Huyện chỉ đạo xã Yên Tiến quy hoạch khu vực ngâm tre nứa tập trung và cấm các hộ làm nghề ngâm tre nứa bừa bãi trên các sông, kênh thủy lợi không theo quy hoạch; sử dụng vôi bột lọc và khử trùng nước sông, tạo kháng chất khống chế việc ngâm tre nứa bừa bãi; bố trí nhân lực, thiết bị thường xuyên túc trực ở các điểm nóng vi phạm hành lang giao thông, xử lý giải tỏa kịp thời trả lại cảnh quan thông thoáng cho các xã, thị trấn. Huyện giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên và các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thu dọn rác thải dưới lòng kênh và duy trì hoạt động bơm rửa, dọn rác bờ kênh 2 lần/tháng. Sau xử lý, nước sông đã trong sạch trở lại, có cá sinh sống... tác động trực tiếp tới nhận thức và hành vi của các hộ dân sống dọc các tuyến sông, kênh, tự giác tham gia giữ vệ sinh chung. Sự nỗ lực vào cuộc đồng bộ, đặc biệt là chủ thể hạt nhân - người dân các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường của huyện Ý Yên đã tạo chuyển biến vượt bậc về vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn, huyện hoàn thành tiêu chí môi trường và được công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2018. Không chỉ ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên mà ở các địa phương trong tỉnh đều có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường. Sau 9 năm thực hiện, các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã cơ bản được hoàn thành với 11 dự án cấp nước sạch nông thôn, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,78%; 100% các xã, thị trấn đều thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường để thu gom rác thải sinh hoạt; 186/209 xã, thị trấn có công trình xử lý rác thải sinh hoạt; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn đạt 88%; chất thải rắn y tế nguy hại đạt 92,4%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,7%; 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nông thôn tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm; 2/3 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung; 9/19 cụm công nghiệp huyện, thành phố đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Các làng nghề đã cơ bản thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, thu gom xử lý chất thải và lập phương án bảo vệ môi trường theo quy định. Một số vấn đề bất cập, nổi cộm trong bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh như tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) cũng đã được tập trung xử lý.

Đặc biệt, từ năm 2018 huyện Hải Hậu tiên phong, trở thành đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2023 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Từ đầu năm 2019, nhiều xã, thôn, xóm đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu về cảnh quan môi trường giai đoạn 2019-2020. Để tạo chuyển biến chiều sâu trong thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, UBND tỉnh đã định hướng cho các địa phương tập trung làm đẹp cảnh quan môi trường theo các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”; quy hoạch lại sân, vườn, ao, xây dựng mô hình khu vườn kiểu mẫu, không chỉ tạo cảnh quan khuôn viên gọn gàng, sạch sẽ, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường sống thân thiện, nhân văn mà còn giúp các hộ dân nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Vườn tạp được cải tạo, quy hoạch cây trồng trong vườn, trong các trang trại theo định hướng khai thác kinh tế sinh vật cảnh vừa đạt hiệu quả về cảnh quan thẩm mỹ vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các trang trại sinh vật cảnh làm điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu) đã xây dựng và nhân rộng 60 mô hình khu vườn kiểu mẫu tại các hộ dân. Mỗi khu vườn đều được trồng xen canh một cách quy củ các loại cây ăn quả, rau củ, cây cảnh kết hợp với nuôi thủy sản, không chỉ tạo mỹ quan chung toàn xóm mà còn giúp các hộ dân tăng thêm nguồn thu nhập ổn định. Là địa phương có nghề truyền thống trồng hoa cây cảnh lâu đời nên khi thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thôn Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đã vận động 100% số hộ làm nghề trong thôn xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế nhà vườn gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, nâng cao danh tiếng của làng nghề. Nhiều nhà vườn ở địa phương đạt giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/năm như: nhà vườn của ông Vũ Viết Hoa xóm 3, nhà vườn của ông Đỗ Viết Hùng xóm 5 đạt doanh thu từ 1-2 tỷ đồng/năm. Đến nay, làng Vị Khê đã đón nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp làng quê của nông thôn Nam Định, tinh hoa nghệ thuật làng nghề. Làng Vị Khê đang phấn đấu xây dựng làng nông thôn mới kiểu mẫu có sức hút, trở thành điểm đến hấp dẫn cho mỗi du khách khi đến tỉnh Nam Định trong các tour du lịch vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Thành quả nỗ lực trong 9 năm thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn mới giúp tỉnh cải thiện nhanh chóng cảnh quan, chất lượng môi trường sống, tạo động lực để tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng chung sức đầu tư xây dựng, khai thác các giá trị chức năng về môi trường, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn thành ngành kinh tế du lịch sinh thái đem lại thu nhập cho người dân và bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện hài hòa bền vững với thiên nhiên vì các thế hệ tương lai./.

Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com