Ý Yên khơi dậy tiềm năng du lịch

08:12, 21/12/2018

Ý Yên là vùng đất cổ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa đình, chùa, miếu, phủ; những làng nghề truyền thống. Những năm qua, huyện Ý Yên đã bước đầu khai thác, phát huy thế mạnh của các di tích và làng nghề để phát triển du lịch.

Khách du lịch tham quan, mua sắm các sản phẩm đúc đồng tại Thị trấn Lâm.  Bài và ảnh: Trần Huy
Khách du lịch tham quan, mua sắm các sản phẩm đúc đồng tại Thị trấn Lâm.

Huyện Ý Yên có nhiều nghề truyền thống như sơn mài, chạm khắc gỗ, đúc đồng, thêu ren, làm nón lá… Trong đó các làng nghề: sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá… có từ thế kỷ X, XI. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của làng nghề được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. Du khách đến đây được tìm hiểu những giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ và phát huy thông qua các công trình kiến trúc, lễ hội làng nghề… Xã Yên Ninh có hai làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng là La Xuyên và Ninh Xá. Đình làng Ninh Xá và La Xuyên cùng thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Định kỳ vào các năm Dần - Thân - Tỵ - Hợi, dân làng Ninh Xá lại tổ chức lễ hội vào các ngày mùng 6 và 7-3 âm lịch thu hút hàng nghìn người tới dự. Đặc biệt, vào ngày khai hội mùng 6, người dân địa phương tiến hành nghi thức “Kéo lửa khai hội”. Để chuẩn bị cho lễ hội, những thanh niên khỏe mạnh được các bậc cao niên trong làng tuyển chọn. Các vật dụng trong tục kéo lửa gồm: những thanh giang gác bếp để khô nhiều năm, dễ cháy; 3 mảnh gỗ xoan khô để kéo lửa và những bùi nhùi rơm khô. Đúng 8 giờ sáng, trước sân đình Ninh Xá, sau hồi trống tưng bừng, lễ văn ôn lại ân đức và công lao của những người có công dựng làng giữ nước, truyền dạy nghề cho dân làng được đọc lên. Sau đó, một vị cao niên phát lệnh cho 3 nhóm người được làng cử kéo thanh giang cọ vào mảnh gỗ xoan khô. Khi ngọn lửa vừa bùng lên, người lấy lửa phải nhanh chóng để bùi nhùi rơm bén vào lấy lửa, làm lễ dâng hương tại đình. Hiện nay, người dân làng nghề Ninh Xá vẫn duy trì phong tục độc đáo này với mong muốn ngọn lửa từ đình làng sẽ mang đến điều may mắn, sung túc cho gia đình trong năm mới. Cùng với tục kéo lửa dâng hương khai hội, lễ hội làng nghề Ninh Xá còn có tế, lễ, rước kiệu và các trò chơi dân gian truyền thống như rước rồng, rước nước, bắn cung, đấu kiếm, võ vật, hát văn, thao tác mẫu các công đoạn của nghề mộc… 

Nghề đúc đồng Tống Xá đã nổi danh khắp cả nước về nghệ thuật đúc tinh xảo, độc đáo. Tống Xá là vùng đất cổ. Vào năm 1118, nhà sư Nguyễn Trí Thành (pháp danh Minh Không) về vãn cảnh chùa, dạo xem phong thổ, tìm hiểu dân tình thấy khí vượng, nhân hoà, đức hiền… bèn dạy dân làng nghề đúc, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng. Sau này, nghề đúc được mở mang, dân làng Tống Xá làm ăn thịnh vượng lập đền thờ tôn ngài là Đức Thánh Tổ, lấy ngày 12 tháng 2 âm lịch làm ngày giỗ tổ nghề hằng năm, động viên các thế hệ con cháu giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống.

Bên cạnh phát huy thế mạnh du lịch làng nghề, huyện Ý Yên còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa là cơ sở để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh. Quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ý Yên gồm: Đền Vua Đinh ở xã Yên Thắng; đền Thượng, đình Thượng Đồng và đình Cát Đằng ở xã Yên Tiến, trong đó đình Thượng Đồng, đình Cát Đằng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tại các di tích này, ngoài thờ Vua Đinh, nhân dân địa phương còn phối thờ thành hoàng làng là những người có công với quê hương, đất nước. Trong đó, đền Vua Đinh thuộc 2 thôn Tam Quang và Dương Hồi, xã Yên Thắng thờ Vua Đinh Tiên Hoàng nhằm tưởng nhớ nơi ngài đã dừng chân, tuyển quân để dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước. Mỗi năm, vào ngày kỵ của đức Vua (rằm tháng 8 âm lịch), nhân dân 2 làng lại tổ chức lễ hội với phần lễ, phần hội phong phú, đặc sắc. Vào thời khắc giao thừa, sáng mùng một Tết âm lịch hằng năm, dân làng còn tổ chức lễ rước lửa với niềm tin mang lại may mắn, tốt lành cho năm mới. Tại lễ hội, chính quyền địa phương tổ chức nhiều trò chơi dân gian như võ vật, chọi gà, đánh cờ tướng... Cùng với quần thể di tích thờ Vua Đinh, huyện Ý Yên còn có 13 điểm đến hấp dẫn du khách được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như: Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) thờ Mẫu Liễu Hạnh ở thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng; đình, chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích tháp Chương Sơn, xã Yên Lợi thờ 3 vị: Quý Minh, Cao Minh, Uy Nghiêm đại vương; đền Ngọc Chấn thuộc thôn Ngọc Chấn, xã Yên Trị thờ danh tướng Đặng Dung; đình, đền, chùa Phạm Xá thuộc thôn Phạm Xá, xã Yên Nhân nơi thờ Triệu Quang Phục… Bởi vậy, việc phát triển du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn huyện được quan tâm. Tại các điểm di tích thờ Vua Đinh, cấp ủy, chính quyền và nhân dân 2 xã Yên Tiến và Yên Thắng đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thu hút khách du lịch. Tại xã Yên Tiến, các di tích: đền Thượng, đình Thượng Đồng, đình Cát Đằng được chính quyền, nhân dân trong xã nhiều lần đầu tư trùng tu, tôn tạo, cải tạo cảnh quan thiên nhiên, duy trì tổ chức các ngày hội làng, thu hút du khách thập phương tới dự. 

Để thu hút du khách đến các điểm di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề thời gian tới huyện Ý Yên cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, xây dựng các tour du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề, du lịch sinh thái; tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện từ đó thiết lập các tour du lịch. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, cần đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân về ý nghĩa phát triển du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao khả năng làm du lịch của người dân. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình quảng bá du lịch, xây dựng hệ thống sách, ảnh giới thiệu các điểm du lịch trên địa bàn; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa nhiều khách đến các điểm du lịch, từng bước đưa du lịch của huyện phát triển./.

Bài và ảnh: Trần Huy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com