Xung quanh việc sử dụng sổ liên lạc điện tử trong các nhà trường

08:12, 18/12/2018

Trước đây, công tác quản lý chất lượng giáo dục và việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa nhà trường với phụ huynh học sinh được thực hiện thông qua sổ liên lạc hoặc trao đổi qua điện thoại. Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin này chưa đầy đủ dẫn đến sự động viên, nhắc nhở học sinh chưa được kịp thời. Những năm gần đây, các nhà trường đã ứng dụng sổ liên lạc điện tử để tổng hợp thông tin mọi diễn biến trong quá trình học tập của học sinh. Cứ sau mỗi buổi học, giáo viên cập nhập tình hình của học sinh như nghỉ học, không học bài cũ, vi phạm nội quy... thông tin về cho nhà trường, sau đó, nhà trường soạn tin nhắn thông báo cho phụ huynh học sinh theo số điện thoại đã đăng ký. Thời gian gửi tin nhắn thường vào buổi trưa và buổi chiều. Với cách làm này, mọi thông tin về học sinh sẽ nhanh chóng được chuyển đến phụ huynh. Qua đó, khắc phục những hạn chế khi sử dụng sổ liên lạc truyền thống, xây dựng mối quan hệ mật thiết hai chiều trong việc quản lý, giáo dục học sinh. 

Các em học sinh Trường Tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc) trong một giờ ngoại khóa.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Các em học sinh Trường Tiểu học Mỹ Tân (Mỹ Lộc) trong một giờ ngoại khóa.

Chị Nguyễn Thu Trang có con đang học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Thành phố Nam Định) cho biết: “Từ khi đăng dịch vụ này, mọi thông tin của con được nhà trường gửi về điện thoại di động giúp tôi theo dõi sát sao tình hình học tập, rèn luyện của con, cũng như những nhận xét, đánh giá của giáo viên hay các thông báo của nhà trường. Nhờ đó, con tôi có ý thức học tập và rèn luyện tốt hơn”. Tìm hiểu tại Trường Tiểu học Chu Văn An, chúng tôi nhận thấy, sổ liên lạc điện tử đã được nhà trường đưa vào triển khai khá nền nếp, nhận được sự hài lòng, đánh giá cao của các thầy cô, phụ huynh. Hiện nay, 100% thầy, cô giáo, phụ huynh tham gia quản lý và trao đổi thông tin bằng sổ liên lạc điện tử. Những thông tin về học sinh được nhà trường gửi đến phụ huynh nhanh chóng, kịp thời hằng ngày. Phí sử dụng sổ liên lạc điện tử là 60 nghìn đồng/năm. Trường hợp học sinh con em gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đặc biệt khó khăn được nhà trường miễn phí. Trường Trung học cơ sở Phùng Chí Kiên (Thành phố Nam Định) cũng đã thực hiện sổ liên lạc điện tử trong những năm học gần đây, qua tìm hiểu, đa số phụ huynh hài lòng về tiện ích từ sổ liên lạc điện tử. Chị Minh Thu, có con đang học tại trường cho biết: “Khi có bất kỳ vấn đề nào của học sinh ở trường, phụ huynh đều nhận được thông tin kịp thời, từ việc đi học muộn hoặc chưa hoàn thành bài tập ở nhà, đến cập nhật điểm số định kỳ… Vì vậy, chúng tôi yên tâm khi cùng với nhà trường phối hợp giáo dục con một cách tốt nhất”.

Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Trong đó tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin tới các cơ sở giáo dục bằng mọi nguồn lực. Các trường trung học phổ thông đã được trang bị máy tính nối mạng nội bộ và internet, có tối thiểu dưới 20 học sinh/máy tính. Các phòng Giáo dục và Đào tạo đều đã kết nối internet và bảo đảm mỗi trường ở tất cả các cấp học, bậc học đều có máy tính, máy in, webcam, điện thoại và kết nối internet tốc độ cao phục vụ quản lý, điều hành giáo dục. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Trang thông tin điện tử xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục phục vụ cho công tác quản lý giáo dục; đồng thời khuyến khích các phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục lập các trang thông tin điện tử riêng để phục vụ công tác chuyên môn, quản lý. Việc áp dụng sổ liên lạc điện tử trong các nhà trường là một trong nhiều nội dung của chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Sổ liên lạc điện tử được thực hiện dưới 2 hình thức: Nhà trường chuyển đến phụ huynh thông qua việc sử dụng qua tin nhắn SMS hoặc qua gmail; phụ huynh chủ động nắm thông tin bằng cách truy cập trên phần mềm quản lý trực tuyến của nhà trường. Nhờ đó, phụ huynh luôn nắm được thông tin cần thiết về con mình như: Điểm số, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe của học sinh; các thông báo của nhà trường…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, sổ liên lạc điện tử cũng gặp phải những vướng mắc. Chị Lan Anh, có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định cho biết, dù đóng tiền phí SMS cho nhà trường nhưng thông tin chị nhận được không như mong muốn. Chị muốn biết kết quả học tập và rèn luyện trên lớp của con nhưng thông tin nhà trường gửi về chỉ xoay quanh mấy việc nhắc mặc đồng phục, bài tập, nộp tiền... Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đăng ký sổ liên lạc điện tử nhưng không quản lý được điện thoại của mình nên bị con chặn các cuộc liên lạc… Ở một góc độ khác, sổ liên lạc điện tử phù hợp với các gia đình có con học khá, giỏi nhưng chưa hẳn đã có tác dụng tích cực với những gia đình có con học yếu kém. Việc lúc nào cũng có cảm giác bị theo dõi, bị “tố” tội sẽ tạo cho trẻ tâm lý không tốt. Do đó, trước khi trao đổi thông tin qua sổ liên lạc điện tử, các trường cũng cần quan tâm đến tâm lý, thái độ của học sinh. Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử cũng nên có liều lượng vừa phải và tùy đối tượng. Bên cạnh đó, liên lạc điện tử dù giao tiếp nhanh, dễ dàng nhưng nếu ỷ lại vào hình thức liên lạc này, cha mẹ sẽ có ít cơ hội được gặp trực tiếp thầy cô, ít cơ hội được trao đổi thông tin với phụ huynh khác nên không có cơ hội nắm bắt đầy đủ sự phát triển tâm sinh lý, các mối quan hệ ở trường của trẻ. Bên cạnh đó, để sổ liên lạc điện tử thật sự có hiệu quả, các trường cũng nên cân nhắc, áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giáo dục một cách phù hợp, tránh tình trạng đặt lợi nhuận lên hàng đầu./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com