Đa dạng các mô hình tập hợp hội viên phụ nữ

08:11, 28/11/2018

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng xây dựng, triển khai các mô hình mới thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, góp phần tập hợp, thu hút hội viên tham gia vào tổ chức Hội.

Mô hình tuyến đường hoa của hội viên phụ nữ xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường NTM.
Mô hình tuyến đường hoa của hội viên phụ nữ xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường NTM.

Hội LHPN tỉnh đã phát động mỗi tổ chức Hội cơ sở xây dựng một mô hình mới, cách làm hay về tập hợp, thu hút hội viên. Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”, những năm gần đây đã có hàng chục mô hình mới tập hợp hội viên, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp. Tất cả các loại hình CLB, tổ, nhóm được thành lập đều bầu ra ban chủ nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm từng thành viên. Nội dung, hình thức sinh hoạt dựa vào nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ nên rất thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Phụ nữ với pháp luật”. Đến nay toàn tỉnh có 189 CLB “Phụ nữ với pháp luật” với tổng số 16.986 thành viên tham gia. 100% CLB có tủ sách pháp luật, tổ chức sinh hoạt 4 kỳ/năm; nội dung sinh hoạt tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ, đặc biệt là các luật pháp liên quan đến phụ nữ và trẻ em, về bình đẳng giới như: Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình… Tại các xã Tân Thành và Thành Lợi (Vụ Bản), mô hình CLB “Khi mẹ vắng nhà” những năm qua cũng phát huy hiệu quả thiết thực. Thành viên CLB là ông, bà, bố, mẹ, anh, chị của những phụ nữ đang đi làm nghề giúp việc gia đình. Thông qua các hoạt động của CLB đã tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới, động viên, chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc người cao tuổi, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), mô hình “Gia đình gương mẫu” nhiều năm qua cũng được duy trì hiệu quả nhằm thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về “Quản lý và giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, làm tiền đề xây dựng gia đình nông thôn mới tại huyện Hải Hậu.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay, tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình cho chị em thông qua việc thành lập các mô hình tập hợp phụ nữ theo nghề nghiệp. Mô hình “Hợp tác xã dược liệu xã Hải Lộc” (Hải Hậu) được Hội Phụ nữ xã triển khai thí điểm 2 mẫu tại khu đất của UBND xã. Đến nay, tại xã đã thành lập mô hình HTX trồng cây dược liệu với tổng diện tích 8ha, thu nhập trung bình 980 triệu đồng/năm/ha. Mô hình "Tổ phụ nữ sản xuất lúa chất lượng cao" tại xã Giao Hà (Giao Thủy) gồm 30 thành viên, liên kết trồng lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn theo phương thức “3 cùng”, góp phần thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn thí điểm của huyện Giao Thủy. Mô hình "Tổ phụ nữ làm hoa nhựa", xã Trực Thuận (Trực Ninh) gồm 30 hội viên phụ nữ của chi hội 3 tham gia giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng nghề truyền thống tại địa phương. Ngoài ra, còn nhiều mô hình hiệu quả khác như: “Chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh thái” ở Thị trấn Gôi (Vụ Bản); "Tổ liên kết sản xuất nghề thêu tay xuất khẩu" xã Yên Phú (Ý Yên); "Tổ phụ nữ nghề nghiệp" xã Xuân Bắc (Xuân Trường); "Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy hải sản" xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), "Tổ liên kết sản xuất rau an toàn" xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); "Tổ phụ nữ phát triển nghề đan cói xuất khẩu" xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng)... Đặc biệt, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương về xây dựng NTM, nhiều mô hình thiết thực được triển khai, nhân rộng, qua đó đã phát huy vai trò, nội lực, sức sáng tạo của hội viên phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mô hình CLB “Phụ nữ với nếp sống văn minh đô thị” xây dựng điểm tại phường Thống Nhất (TP Nam Định) từ năm 2013 có 50 thành viên tham gia, sinh hoạt 4 kỳ/năm. Thông qua hoạt động của CLB đã tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; giữ gìn vệ sinh môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong gia đình; thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con tốt... Cũng tại phường Thống Nhất, mô hình “Chi hội phụ nữ 3 sạch xây dựng văn minh đô thị” đã có 15/15 chi Hội thực hiện, vận động 1.843 hội viên thuộc 100% hộ gia đình hội viên đăng ký thực hiện “3 sạch”. CLB “Sản xuất, tiêu dùng sạch” tại Thành phố Nam Định gồm 35 thành viên là phụ nữ kinh doanh, sản xuất trên địa bàn thành phố, sinh hoạt 4 kỳ/năm. Các thành viên ký cam kết với BCH Hội LHPN thành phố sản xuất, chế biến sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; thực hiện văn hóa doanh nghiệp; tích cực tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ tổ chức, đặc biệt là các phong trào ủng hộ giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mô hình “Gia đình nông thôn mới” tại 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu cũng mang lại hiệu quả rõ rệt với 8 tiêu chí: Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Cải tạo vườn, ao, chuồng, khai thác hiệu quả kinh tế VAC. Có nghề, tích cực tham gia học nghề, thêm nghề. Tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng nông thôn mới. Có thu nhập khá năm sau cao hơn năm trước. Con em trong độ tuổi đi học tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT. Có 50% thành viên gia đình tham gia các hình thức đóng BHYT. Có nhà kiên cố, có vườn sân, ngõ, khuôn viên nhà ở sạch đẹp, có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quy định của ngành Y tế, sử dụng nước hợp vệ sinh; thu gom rác thải và xử lý nước thải theo quy định... Ngoài ra còn rất nhiều mô hình hoạt động nề nếp, hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia như: “Tổ phụ nữ thu gom rác thải” tại 144/229 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố; “Tuyến đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp” tại 229 xã, phường, thị trấn; “Chi hội Phụ nữ không rác thải”; “Dòng sông không rác thải”; “Hộ gia đình sản xuất sạch” xã Nam Phong (TP Nam Định); “Phụ nữ với phong trào bảo vệ môi trường biển, góp phần xây dựng nông thôn mới” xã Giao Long (Giao Thủy); “Phụ nữ bảo vệ môi trường làng nghề” tại xã Quang Trung (Vụ Bản)...

Các mô hình đã góp phần đa dạng hóa các loại hình tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội, giúp chị em xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, đồng thời khẳng định vai trò, năng lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com