Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho hội viên nông dân

07:11, 28/11/2018

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tổ chức dạy nghề cho hội viên nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao nguồn lao động ở nông thôn góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của anh Phạm Hải Chiều, xóm Đông An, xã Xuân Tân (Xuân Trường) tạo việc làm, thu nhập cho 25 lao động.
Cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của anh Phạm Hải Chiều, xóm Đông An, xã Xuân Tân (Xuân Trường) tạo việc làm, thu nhập cho 25 lao động.

Đồng chí Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án dạy nghề do các cấp HND trong tỉnh đảm nhận đã có sự chuyển biến tích cực, tạo điều kiện để hội viên có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất, làm giàu cho gia đình và xã hội; góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương. Các cấp Hội đã phối hợp với Sở NN và PTNT, Sở LĐ-TB và XH, các trung tâm, các trường tổ chức 367 lớp hệ sơ cấp nghề ngắn hạn cho trên 12.100 hội viên nông dân với các nghề: may công nghiệp, may túi sách xuất khẩu, nuôi trồng thủy, hải sản... Sau thời gian 3 tháng đào tạo nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, Cty, cơ sở sản xuất lớn có nhu cầu tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp cũng được coi trọng. Hội thường xuyên phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp, nhà khoa học để xây dựng các chương trình, dự án, tạo các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất. Đồng thời để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, HND các cấp đã tổ chức triển khai chương trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho các hộ được tham gia vay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các tổ chức tín dụng... qua đó xây dựng các mô hình điểm để nhân ra diện rộng. Bình quân hằng năm, HND các cấp trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thu hút hội viên tham gia. Trong đó, phối hợp với ngành Nông nghiệp thực hiện các hoạt động  khuyến nông; đào tạo nghề, tuyên truyền về xây dựng NTM, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn và phát triển các hình thức liên kết sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. HND các cấp trong tỉnh còn phối hợp với các trung tâm khuyến nông, trạm khuyến nông, các tổ chức, doanh nghiệp (Cty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Cty Phân bón Tiến Nông…), các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp tập huấn KHKT cho bà con nông dân. Cụ thể từ năm 2014-2018 các cấp Hội đã tổ chức được 10.235 lớp tập huấn KHKT cho 918.631 lượt hội viên nông dân; phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại (Bộ NN và PTNT) tổ chức chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, tạo điều kiện cho trên 200 hội viên nông dân giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt, việc đào tạo nghề nuôi trồng thủy, hải sản ở một số huyện như: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy... đã giúp người dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng hoặc vài tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, mặc dù tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán trên thị trường không ổn định, các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện vẫn duy trì và phát triển ổn định. Các ngành nghề truyền thống của huyện như dệt chiếu, khâu nón, móc sợi, mộc, nề, đan manh, hộp cói xuất khẩu, làm hương, may công nghiệp và dịch vụ vẫn duy trì và phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống cho nhiều gia đình hội viên. Trong 5 năm gần đây, HND huyện và các cơ sở Hội phối hợp với Trung tâm dạy nghề công lập huyện, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, các trường trung cấp trong tỉnh tổ chức 94 lớp dạy nghề cho 3.193 học viên. Các lớp dạy nghề được tổ chức tập trung về kỹ thuật trồng lúa, may công nghiệp, mộc dân dụng, trồng nấm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đan cói, trồng cây cảnh, thủ công mỹ nghệ, hàn - gò cơ khí. Trên 90% lao động sau học nghề có việc làm ổn định.

Việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi được nhận thức cho người dân nông thôn. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng cao hơn trước. Thời gian tới HND các cấp tiếp tục tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu việc làm của nông dân để phối hợp các trường, các trung tâm, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm (trong đó chú trọng đến xuất khẩu lao động) cho hội viên, góp phần phát triển kinh tế hộ và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM tại mỗi địa phương./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com