Hướng tới quản lý tổng hợp vòng đời chất thải rắn

08:09, 21/09/2018

Trong những năm qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập và khó khăn bắt nguồn từ sự thiếu rõ ràng trong các quy định pháp luật, sự chồng chéo trong hệ thống tổ chức quản lý, thiếu sự đầu tư đồng bộ dẫn đến triển khai, thực hiện công tác quản lý CTR chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện điều chỉnh chiến lược quốc gia về tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo quan điểm hướng tới quản lý tổng hợp vòng đời CTR. 

Theo đó, lộ trình thực hiện quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường (BVMT), tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT đối với: 100% CTR nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề; 85% CTR nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân; 100% lượng CTR sinh hoạt khu vực Thành phố Nam Định. Tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Hạn chế xử lý CTR sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, đạt tỷ lệ dưới 30% lượng thu gom. Sử dụng 100% túi nylon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy. Đảm bảo xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT đối với 80% lượng CTR sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung; 100% các bãi chôn lấp chất thải tự phát không thuộc quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực kinh tế tham gia đầu tư xây dựng khu xử lý CTR sinh hoạt Thành phố Nam Định và các huyện lân cận. Việc đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Về CTR công nghiệp thông thường, 100% lượng CTR công nghiệp thông thường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làng nghề được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo yêu cầu BVMT. Thực hiện tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng... đáp ứng yêu cầu BVMT đối với tro xỉ phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất. Về CTR đặc thù, 100% bùn bể tự hoại của khu vực đô thị được xử lý đảm bảo môi trường. 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh từ khu vực đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải hữu cơ để tái chế, tự xử lý làm phân bón tại các hộ gia đình. 80% chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế làm phân compost, xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT. 80% phụ phẩm nông nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường. 100% bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, lưu giữ và xử lý theo quy định của pháp luật. 100% CTR y tế được thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT.  

Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình quản lý tổng hợp CTR, hiện nay, các ngành chức năng, các địa phương đã xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm để khẩn trương triển khai hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì rà soát quy hoạch CTR vùng tỉnh Nam Định; tham mưu điều chỉnh nội dung quy hoạch CTR phù hợp với điều chỉnh chiến lược; chủ trì xây dựng quy chế quản lý CTR trên địa bàn tỉnh. Sở TN và MT tập trung xây dựng, ban hành, áp dụng các văn bản pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định BVMT về quản lý CTR theo thẩm quyền; hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục xin thuê đất lập dự án thu gom, vận chuyển, xử lý CTR theo quy định; phối hợp với các sở, ngành thẩm định hồ sơ pháp lý về môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý CTR theo thẩm quyền... Sở KH và CN chủ trì thẩm định công nghệ các dự án xử lý CTR trên địa bàn tỉnh; đánh giá khả năng tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng của CTR sinh hoạt; nghiên cứu nhân rộng các mô hình hiệu quả trong quản lý, xử lý CTR theo hướng tận dụng phụ phẩm làm nguyên liệu xây dựng, phân bón, năng lượng. Sở NN và PTNT chủ trì hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu về BVMT, quản lý chất thải trong hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV;  chủ trì xây dựng quy hoạch phát triển làng nghề, quản lý CTR làng nghề, triển khai các mô hình công nghệ, các biện pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, tham mưu xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với các cơ sở thuộc ngành nghề, làng nghề được khuyến khích phát triển; chủ trì, phối hợp với các ngành nghề liên quan đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT trong công tác thẩm định NTM và công nhận làng nghề. Sở Công thương chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về CTR công nghiệp, làng nghề; hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR nguy hại có xuất xứ từ sản xuất công nghiệp; thúc đẩy sử dụng, tái chế CTR công nghiệp thông thường, ưu tiên xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa chất thải phải chôn lấp. Sở Y tế đẩy mạnh việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm, mô hình tập trung.

Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công việc thu gom, xử lý rác thải, tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế; nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân xả rác bừa bãi; thu gom triệt để và thuê đơn vị có chức năng xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường trên địa bàn; xử lý triệt để các bãi chôn lấp tự phát; bố trí kinh phí cho hoạt động xử lý CTR; công bố cụ thể giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt (mức đóng góp của người dân và mức hỗ trợ của Nhà nước) để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động dịch vụ quản lý CTR trên địa bàn. Các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng đề án, kế hoạch, phương án quản lý CTR trên địa bàn và tổ chức thực hiện đảm bảo quản lý triệt để lượng CTR phát sinh. Tăng cường kiểm tra cơ sở chăn nuôi quy mô gia trại, hộ gia đình trên địa bàn; yêu cầu các cơ sở chăn nuôi lập hồ sơ pháp lý về môi trường, tăng cường xử lý chất thải chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT đối với cơ sở sản xuất trên địa bàn, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT theo phương án bảo vệ môi trường làng nghề đã được phê duyệt. Rà soát, kiểm tra các điểm tập kết, cơ sở xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn, yêu cầu thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT; kiên quyết xử lý và đóng cửa đối với các bãi rác tạm tại các thôn, xóm; khuyến khích thành lập mới hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của các đơn vị dịch vụ môi trường, huy động cộng đồng tham gia dịch vụ quản lý CTR khu vực nông thôn…

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com