Giao Thuỷ đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

07:08, 13/08/2018

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở Giao Thủy được cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện tới cơ sở tập trung chỉ đạo. Các ngành, đoàn thể đã đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, PBGDPL theo hướng thiết thực, từ đó từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ xã Giao Yến tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự trên Đài truyền thanh xã.
Cán bộ xã Giao Yến tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự trên Đài truyền thanh xã.

Đồng chí Cao Thế Tạo, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Giao Thủy cho biết: Với phương châm hướng về cơ sở, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân, hằng năm, UBND huyện đã xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch PBGDPL cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó quan tâm củng cố, kiện toàn hội đồng phối hợp PBGDPL huyện, các tổ hòa giải và hòa giải viên cơ sở, tuyên truyền viên pháp luật. Đến nay, hội đồng phối hợp PBGDPL huyện có 25 thành viên, 30 tuyên truyền viên pháp luật cấp huyện và 332 tổ hòa giải với gần 2.000 hòa giải viên. Việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng NTM. Các ban, ngành và UBND các xã, thị trấn đã đẩy mạnh triển khai nhiều hình thức tuyên truyền PBGDPL trên mạng lưới đài truyền thanh từ huyện đến địa bàn dân cư, trong các nhà trường, hoạt động hòa giải cơ sở, công tác tiếp dân và trợ giúp pháp lý, trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị, các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở... để nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật mới ban hành, các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến người dân như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hộ tịch, quy trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Bình đẳng giới; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật An toàn giao thông...; qua đó tháo gỡ kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của người dân trong việc tiếp cận với các thủ tục hành chính liên quan đến pháp luật. Là địa phương ven biển, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL về biển, đảo cho nhân dân. Hằng năm, hội đồng phối hợp PBGDPL huyện chỉ đạo các ngành thành viên phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông; về phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vùng biển; phổ biến kiến thức về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, thông tin dự báo thời tiết, phòng chống thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển; các quy định về khu vực biên giới biển, vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động; quy định đối với người, tàu, thuyền của Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển của tỉnh; quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển…; không vi phạm đánh bắt hải sản trên vùng biển nước ngoài; không buôn lậu trên biển; không sử dụng các loại chất nổ để đánh bắt hải sản và các hoạt động phạm pháp khác... Đấu tranh với các hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước trong giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo. Hình thức tuyên truyền khá đa dạng thông qua các hội thi, tọa đàm, nói chuyện thời sự, hoạt động giao lưu văn nghệ, cấp phát tài liệu… Qua đó đã kịp thời chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về biển, đảo đến với nhân dân. Phòng Tư pháp huyện thường xuyên phối hợp với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, trực tiếp tại thôn, xóm, khu phố cho nhân dân. Các nội dung yêu cầu trợ giúp đều gần gũi, thiết thực với thực tế cuộc sống, như việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, các vấn đề pháp luật về dân sự như: hộ tịch, thủ tục thừa kế, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình…; hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho ngư dân kiến thức pháp luật về phạm vi các vùng biển của tỉnh, của đất nước cũng như làm thủ tục hưởng chính sách ưu đãi, vay vốn, hỗ trợ về giá xăng dầu, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc trên biển, đóng mới, nâng cấp tàu thuyền… Qua việc trợ giúp pháp lý tại chỗ, nhiều vấn đề trước đây người dân băn khoăn nay có dịp bày tỏ và được giải đáp. Các Đồn Biên phòng Ba Lạt, Quất Lâm đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền về biển, đảo thông qua các hội nghị của Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn; duy trì hoạt động của CLB “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” và các tổ tự quản trên biển...; thành lập các tổ báo cáo viên pháp luật của địa phương, mỗi tổ từ 5 đến 7 đồng chí gồm: cán bộ, sĩ quan các đồn biên phòng, cán bộ xã, người có kiến thức và kinh nghiệm tuyên truyền về pháp luật. Xây dựng các túi sách pháp luật lưu động để phục vụ ngư dân đi biển dài ngày; biên soạn một số nội dung tuyên truyền, PBGDPL về biển, đảo ngắn gọn để tuyên truyền trong các trường học, các buổi sinh hoạt, hội họp của các CLB pháp luật trong chương trình phối hợp với các ngành, đoàn thể tại các khu vực bến bãi, nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân, qua hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và nhân dân khu vực biên giới biển. Đồng thời tập trung củng cố ngăn sách pháp luật, tủ sách pháp luật để phục vụ cho công tác của cán bộ, chiến sĩ và tuyên truyền cho ngư dân khi khai thác làm ăn trên biển và khu vực đầm bãi nuôi trồng thủy hải sản… Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển và giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội khu vực ven biển của huyện phát triển ổn định.

Với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền PBGDPL, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Giao Thủy được nâng lên rõ rệt, góp phần tích cực vào việc kiềm chế, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, từng bước xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện đã tổ chức trên 150 hội nghị tập huấn, tuyên truyền về PBGDPL cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trong huyện với gần 30 nghìn lượt người tham gia; cấp phát 1.500 cuốn sách, trên 50 nghìn tờ gấp về một số quy định pháp luật hiện hành về ATGT; chủ quyền biển, đảo; một số điểm mới của Bộ luật Hình sự... Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho thanh, thiếu niên, cho các đối tượng đặc thù và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Tổ chức triển khai các đề án, chương trình về phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương, của tỉnh tại địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và nhân dân; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải ở cơ sở./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com