Giải tỏa hành lang an toàn giao thông liệu có "đánh trống bỏ dùi"?

08:08, 10/08/2018

Đầu năm 2017, Thành phố Nam Định là đơn vị tiên phong ra quân quyết liệt lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đã đạt được những kết quả tích cực; dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ và góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự hành lang ATGT đường bộ. Từ kết quả bước đầu của thành phố trong quý III-2017 thực hiện Kế hoạch số 77 của UBND tỉnh công tác xử lý vi phạm hành lang đường bộ được các địa phương trong tỉnh đồng loạt ra quân. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn đi vào nền nếp sau chiến dịch, hiện nay, vỉa hè của hầu hết các tuyến phố nội đô thành phố, trung tâm các huyện, xã đang bị tái lấn chiếm; thậm chí có nơi phức tạp như trước khi ra quân. Liệu công tác này có rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”?

Tái lấn chiếm phổ biến
 
Sau một thời gian ngắn nghiêm túc chấp hành quy định bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đến nay, trên nhiều tuyến đường nội đô Thành phố Nam Định, vỉa hè lại bị người dân và các hộ kinh doanh chiếm dụng để bày bán hàng hóa, đỗ xe cho khách khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Cụ thể như đường Hoàng Văn Thụ, đoạn gần khu tập thể Lao động thuộc phường Quang Trung, các hộ buôn bán thực phẩm tươi sống, rau trái… đã chiếm toàn bộ vỉa hè để bày bán hàng hóa; người mua hàng thì đứng dưới lòng đường khiến cho đoạn đường này thường xuyên ách tắc giao thông ngay từ buổi sáng sớm tới lúc chập choạng tối. Vào các buổi sáng và cuối buổi chiều, vỉa hè đường Phù Long, phường Trần Tế Xương lại trở thành nơi để những người buôn bán hàng rong chiếm dụng bày bán đủ thứ từ rau, củ, quả đến cá, tôm. Hay tình trạng họp chợ tự phát, trái phép ở các tuyến đường Cột Cờ, đường trục xã Mỹ Xá, Vũ Năng An... Vào buổi chiều tối, vỉa hè ở hầu hết các tuyến phố lớn ở trung tâm thành phố trở nên “náo nhiệt” với các hàng ăn đêm, bàn ghế bày la liệt như các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo... Một số địa bàn có tình trạng sử dụng vỉa hè để trông giữ xe trái phép tại các phường, xã: Bà Triệu, Quang Trung, Lộc Vượng, Ngô Quyền. Tình trạng đỗ đậu xe sai quy định vẫn tái diễn trên các tuyến đường phố trung tâm như Mạc Thị Bưởi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... Hầu hết các tuyến đường, phố có vỉa hè nhỏ cũng bị chiếm dụng làm chỗ để xe gây khó khăn cho người đi bộ. 
 
Một quán ăn trên tuyến phố Nguyễn Du (TP Nam Định) thường xuyên biểu diễn quảng cáo trên vỉa hè, thu hút người đi xe máy dừng đỗ dưới lòng đường ngay tại ngã tư gây cản trở giao thông, nguy cơ xảy ra va chạm, TNGT.
Một quán ăn trên tuyến phố Nguyễn Du (TP Nam Định) thường xuyên biểu diễn quảng cáo trên vỉa hè, thu hút người đi xe máy dừng đỗ dưới lòng đường ngay tại ngã tư gây cản trở giao thông, nguy cơ xảy ra va chạm, TNGT.
Cũng giống như ở Thành phố Nam Định, tại nhiều huyện tình trạng tái lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường bộ cũng phổ biến trở lại. Tại huyện Nam Trực, hiện nay tình trạng tái diễn vi phạm hành lang ATGT ở các nút giao thông chính vẫn còn phức tạp như: Ngã tư tỉnh lộ 490C và đường Lê Đức Thọ, ngã tư Quốc lộ 21 và đường Lê Đức Thọ, khu vực cầu Vòi thuộc xã Hồng Quang, khu vực cầu Cổ Gia thuộc xã Nam Hùng, khu vực trung tâm huyện. Tại huyện Hải Hậu, qua kết quả kiểm tra công tác lập lại trật tự hành lang ATGT của UBND huyện cho thấy: dù đã tổ chức tuyên truyền nhắc nhở và ký cam kết nhưng nhiều hộ vẫn vi phạm hành lang ATGT với các hành vi: tập kết vật liệu xây dựng dưới lòng đường, bán hàng, làm lều quán, dựng rạp đám hiếu, hỉ, đặt biển quảng cáo sai quy định, người dân vẫn tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ ngay trên đường… Nhiều tuyến đường “trọng điểm” về lấn chiếm hành lang ATGT như: Quốc lộ 21, Quốc lộ 37, Quốc lộ 21B kéo dài, đường An Đông, tỉnh lộ 488C, 489B, khu vực chợ Cầu, bãi bán vật liệu tre luồng Hưng Nghĩa xã Hải Hưng, khu vực cầu Yên Định, chợ Đền xã Hải Anh, bãi vật liệu cạnh trạm điện 110kV Hải Tây, ngã tư chợ Cồn, chợ Đập xã Hải Xuân, chợ xã Hải Hòa.
 
Đừng để “đánh trống bỏ dùi”
 
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các địa phương trong việc thiết lập lại trật tự vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ và những cố gắng duy trì kết quả. Tuy nhiên, thực trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường khiến cho nhiều người dân, nhất là các hộ dân nghiêm túc chấp hành, tự giác tháo dỡ các công trình, diện tích vi phạm của gia đình không khỏi bất bình và nghi vấn rằng việc ra quân lập lại trật tự đô thị chỉ mang tính hình thức, làm theo phong trào?! 
 
Làm việc với Ban ATGT và cơ quan chức năng của các địa phương về vấn đề này được lý giải nguyên nhân là nhiều phường, xã vẫn chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo thực hiện theo chức trách được giao, còn trông chờ, nghe ngóng cấp trên và các địa phương khác. Một số phường, xã chủ yếu giao trách nhiệm dẹp vi phạm cho lực lượng công an, tổ trưởng dân phố nên chưa phát huy hết sức mạnh, đảm bảo hiệu lực răn đe bởi các lực lượng này ở các phường, xã còn ngại va chạm, chưa kiên quyết xử lý. Việc duy trì công tác kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên, liên tục nên vẫn tái diễn các vi phạm: đỗ đậu xe sai quy định, họp chợ trái phép, chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh... Một số phường, xã chưa phối hợp tốt trong việc xử lý vi phạm tại các địa bàn giáp ranh… Mặt khác, các đối tượng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán hàng rong đa số là người nơi khác đến bán rồi đi gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, giải quyết vi phạm. Vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang đường bộ bị buông lỏng tồn tại hàng chục năm nay tạo thành thói quen cho người dân. Khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường thì người vi phạm “rút”, khi lực lượng này đi thì vi phạm trở lại, dẫn đến vòng luẩn quẩn: dẹp rồi lại bị lấn chiếm.
 
Do vậy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo phải kiên quyết lập lại trật tự đô thị, UBND các huyện, thành phố phải thực hiện nghiêm Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 20-11-2017 của UBND tỉnh về phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Các địa phương xác định lập lại trật tự đô thị, trật tự hành lang đường bộ là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị. UBND, Ban ATGT các huyện và Thành phố Nam Định tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp trọng  tâm, bao gồm: quy định rõ trách nhiệm và giao nhiệm vụ cụ thể, có mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng cho các cá nhân, cơ quan, đơn vị chức năng. Nơi nào để xảy ra vi phạm, lãnh đạo địa phương sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước HĐND, UBND huyện, thành phố và trước nhân dân. Kết quả giữ gìn trật tự, văn minh đô thị trên từng địa bàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đánh giá cán bộ, xét tặng danh hiệu thi đua của từng địa phương. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu, đặc biệt là bí thư, chủ tịch và trưởng công an phường, xã. Bên cạnh đó, các địa phương còn bố trí, sắp xếp, bảo đảm nguồn nhân lực, quân số thường xuyên tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Giao cho các phường, xã phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quản lý trật tự đô thị, sau khi dẹp vi phạm, nếu để xảy ra tình trạng tái vi phạm, tùy theo mức độ, UBND huyện, thành phố sẽ xử lý phù hợp đối với người đứng đầu. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, ý thức về bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị bảo vệ hành lang ATGT đường bộ và tự giác thực hiện kể cả khi không có sự kiểm soát của lực lượng chức năng./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com