Tín hiệu vui từ đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài

04:08, 12/08/2017
Năm học 2015-2016, Sở GD và ĐT đã triển khai Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài” tại 10 trường tiểu học, THCS và THPT công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những chương trình nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh giai đoạn 2011-2020. 
 
Ngay trong năm đầu tiên triển khai Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài” đã có 10 trường trên địa bàn Thành phố Nam Định tham gia, trong đó có 5 trường THPT, 3 trường THCS và 2 trường tiểu học với số lượng 4.334 học sinh theo học. Năm học 2016-2017, đã có tới 38 trường gồm 9 trường THPT, 11 trường THCS và 18 trường tiểu học ở 6 huyện, gồm Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Hải Hậu với 10.455 học sinh theo học. Việc thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông đến nay tuy mới được triển khai qua 2 năm học nhưng đã bước đầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong một số trường phổ thông. Các trường đưa giáo viên vào giảng dạy đã tăng cường năng lực tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng nghe và nói giúp học sinh tự tin, mạnh dạn sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp, tham gia vào các hoạt động giao lưu, học tập, trải nghiệm, hội nhập quốc tế, tham dự các cuộc thi Toán và khoa học tự nhiên quốc tế đạt kết quả tốt. Đồng thời giúp giáo viên các nhà trường giao lưu, trao đổi, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để tăng cường năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Trong năm học 2015-2016 có 8 giáo viên nước ngoài giảng dạy tại 10 trường phổ thông; đến năm học 2016-2017, số giáo viên đã tăng lên 28 người. 100% giáo viên nước ngoài đến từ các nước Anh, Mỹ, Úc, Ca-na-đa,… có trình độ đại học trở lên và có Chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh (CELTA, TESOL, TEFL). Giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy tại các nhà trường đã góp phần tạo nên một luồng sinh khí mới cho việc dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông. Do có phương pháp dạy học hiện đại giúp bài học trở nên thú vị. Học sinh có nhiều cơ hội trao đổi, trò chuyện và tiếp xúc với người nước ngoài, qua đó giúp các em hoàn thiện hơn về kỹ năng giao tiếp. Ngoài việc giảng dạy tiếng Anh, các giáo viên nước ngoài còn tham gia thường xuyên vào các hoạt động ngoại khóa nhân các ngày lễ lớn như: Halloween, giáng sinh, năm mới…, tổ chức các CLB: học tiếng Anh, khiêu vũ, thể thao…; qua đó các em có cơ hội được giao lưu, học hỏi, đồng thời tăng cường kỹ năng sống và thực hành tiếng Anh trong cuộc sống hằng ngày. Phần lớn học sinh đều cho rằng bài giảng của các thầy cô giáo nước ngoài rất hay và dễ hiểu, giáo viên có những cách truyền đạt từ vựng bằng các trò chơi, hình ảnh minh họa hay các hành động để diễn đạt từ mới, giúp học sinh ghi nhớ từ vựng một cách tự nhiên. Nhiều học sinh tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh và các em đặc biệt thích thú với các hoạt động ngoại khóa vui tươi, bổ ích mà các thầy cô giáo nước ngoài và trung tâm ngoại ngữ tổ chức. Để thực hiện tốt Đề án đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy trong các nhà trường, Sở GD và ĐT cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát về chuyên môn đối với các tổ chức dạy ngoại ngữ, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập có đủ năng lực, đánh giá, kiểm tra chất lượng của cán bộ giảng dạy tiếng Anh, để có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Trong năm học 2015-2016, có 17 trợ giảng người Việt phối hợp giảng dạy các giáo viên nước ngoài, năm học 2016-2017 là 45 người. Khoảng 50% số trợ giảng là giáo viên của các nhà trường, giúp giáo viên nước ngoài tổ chức, quản lý các hoạt động cũng như phiên dịch trong những tình huống học sinh không hiểu như các từ, câu trừu tượng, khó diễn đạt. Đội ngũ giáo viên trợ giảng luôn đóng góp ý kiến cho giáo viên nước ngoài để điều chỉnh bài giảng sao cho phù hợp với trình độ của học sinh từng lớp. Đồng thời khi tham gia trợ giảng cùng giáo viên nước ngoài, giáo viên trợ giảng cũng có điều kiện hoàn thiện hơn về kiến thức cũng như kỹ năng sử dụng tiếng Anh của mình, tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới, hiện đại từ các nước có nền giáo dục phát triển, từ đó nâng cao nghiệp vụ, đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cô và trò Trường THPT Nghĩa Hưng trong một giờ học ngoại ngữ.
Cô và trò Trường THPT Nghĩa Hưng trong một giờ học ngoại ngữ.
Chương trình dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài bước đầu đã thành công hơn cả mong đợi. Số lượng trường đăng ký triển khai chương trình và số lượng học sinh tự nguyện theo học đã vượt so với chỉ tiêu của Đề án. Các giáo viên nước ngoài đã mang đến nguồn sinh khí mới, một không khí rất hào hứng, sôi nổi và say mê học tập cho học sinh, đặc biệt đối với học sinh khối tiểu học và THCS. Việc học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài giúp các em được tiếp cận với một môi trường học tập tiếng Anh hiệu quả, phong phú đa dạng. Sự bổ sung tương trợ lẫn nhau giữa các giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam đã đem lại môi trường học tập hiệu quả hơn, khắc phục được điểm yếu của giáo viên và học sinh là phát âm và nghe nói. Các em theo học chương trình đã tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh, khả năng nghe nói tiếng Anh được cải thiện rõ rệt. Năm học 2015-2016, trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, toàn tỉnh có 338 học sinh từ cấp tiểu học đến THPT dự thi, đã có 192 em đoạt giải, trong đó có 18 Huy chương Vàng, 35 Huy chương Bạc, 33 Huy chương Đồng, 106 giải Khuyến khích. Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 330 em dự thi, có 175 em đoạt giải, gồm 14 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc, 33 Huy chương Đồng và 95 giải Khuyến khích. Tham dự giải Toán bằng tiếng Anh Hà Nội mở rộng (HOMC) năm học 2015-2016 ở khối THPT có 10 học sinh tham gia, trong đó đoạt 2 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 1 giải khuyến khích; năm học 2016-2017 có 10 học sinh tham gia đoạt 2 giải nhất, 7 giải nhì, 1 giải ba. Khối THCS tham dự trong năm học 2015-2016 có 13 học sinh dự thi, trong đó có 5 giải nhì, 4 giải ba, 4 giải khuyến khích. Năm học 2016-2017 có 12 học sinh tham gia, đoạt 1 giải nhì, 6 giải ba và 5 giải khuyến khích.
 
Với những kết quả bước đầu đã đạt được, tin tưởng rằng trong thời gian không xa, học sinh của tỉnh sẽ có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt như mục tiêu Đề án đã đề ra./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com