Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

07:08, 11/08/2017
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin với các loại máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại di động thông minh… đã tạo điều kiện cho trẻ em sớm tiếp xúc với mạng internet. “Thế giới phẳng” mang lại càng nhiều lợi ích cho trẻ nhưng cũng khiến các em phải chịu nhiều rủi ro, có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng, dễ bị tổn thương nên cần phải có biện pháp bảo vệ kịp thời.
 
Sau buổi cho con nhận trường ngày 1-8-2017 vừa qua, chị H ở đường Nguyễn Trãi (TP Nam Định) vui lắm. Cả ngõ nhà chị ở, chỉ có 2 em thi đỗ vào trường điểm của thành phố nên chị chụp nhiều ảnh của con sau đó chia sẻ lên mạng facebook để chia vui với bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, ngay buổi tối chị bất ngờ nhận được tin nhắn qua facebook của một người lạ giới thiệu là hội cha mẹ học sinh của trường. Người này sau khi giới thiệu qua hoạt động hội cha mẹ có đề nghị chị đóng góp một số tiền khá lớn để hoạt động. Nghi ngờ người này lừa đảo, chị điện hỏi cô giáo chủ nhiệm của con và được xác nhận là không có ai ở hội cha mẹ học sinh tên như vậy và cũng không huy động đóng góp với hình thức như trên. Được lời khuyên của cô giáo, chị gỡ hình ảnh cùng các thông tin của con trên facebook xuống. Trong buổi họp phụ huynh, chị được cô giáo chủ nhiệm kể thêm một số câu chuyện về tác hại khi cho con trẻ tự do tiếp xúc với mạng. Vì nhà xa, em N - một cựu học sinh của trường -  được cha mẹ cho chiếc điện thoại di động cũ để tiện liên lạc khi đưa đón. Có điện thoại, N cũng lập facebook kết bạn với nhiều bạn bè để nói chuyện đồng thời tham gia một số game online. Nghiện điện thoại nên sức học của N đi xuống nhanh. Cô giáo chủ nhiệm nhiều lần trao đổi với cha mẹ em N để tìm nguyên nhân nhưng không ra. Một đêm khuya, mẹ của N tỉnh dậy, đi vào phòng con kiểm tra và phát hiện N đang trùm chăn kín để chơi game online. Sau khi tra hỏi, N cho biết sau khi tắt điện đi ngủ, em đều chơi game đến khuya và đã nhiều lần lấy trộm tiền của bố mẹ, ông bà để nạp tiền chơi game… Thực tế, việc cho trẻ tiếp xúc sớm với mạng xã hội có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do thiếu kỹ năng quản lý của các bậc phụ huynh. Nhiều trẻ nhỏ đã được bố mẹ cho mượn máy tính bảng, điện thoại di động… khi không có người trông nom, không muốn quấy rầy khi làm việc nhà hoặc chỉ đơn giản là dụ để bé ăn nhiều. Sự phổ biến của việc trẻ sử dụng điện thoại thể hiện ở việc dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ từ bậc mầm non, tiểu học đến THCS, THPT cắm cúi với chiếc điện thoại di động, máy tính bảng ở khắp nơi từ nhà ra đến điểm công cộng. Những hấp dẫn từ mạng xã hội khiến nhiều trẻ em nghiện điện thoại, máy tính, bỏ bê học tập, sống ảo, vô cảm với cuộc sống hiện tại và đối diện với nguy cơ bị xâm hại. Đó là bí mật đời tư, thông tin cá nhân của các em bị tiết lộ, thậm chí lợi dụng; tình trạng xâm hại tình dục thông qua các hình thức như “cứu nét”, kết hôn ảo… gây hậu quả lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, nhất là các em nữ; thành lập, tham gia các băng nhóm phạm tội vị thành niên trấn lột bạn bè cùng lứa, trộm cắp tài sản để có tiền ăn, chơi; những thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách và tinh thần… Không chỉ thiếu kỹ năng quản lý, nhiều phụ huynh cũng coi nhẹ việc sử dụng mạng xã hội. Nhiều người coi việc cập nhật thông tin, hoạt động, hình ảnh của con em mình lên mạng xã hội là điều bình thường. Theo Luật Trẻ em năm 2016, những hành vi được coi vi phạm pháp luật như: tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của trẻ em nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; việc đăng tải hình ảnh cá nhân, đặc điểm nhận dạng cá nhân, kết quả học tập, số điện thoai, địa chỉ thư tín cá nhân, địa chỉ nơi ở, quê quán, trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè… của trẻ lên các trang mạng xã hội mà không được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, hoặc người giám hộ hợp pháp; che giấu hoặc không cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin về trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị bóc lột, bạo lực. Từ ngày 1-7-2017, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Trẻ em có hiệu lực nhưng thực tế nhiều phụ huynh không nắm được vẫn đăng tải hình ảnh con em lên mạng, nhiều người tỏ ra bất ngờ khi được giải thích.
Tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích tránh xa mạng xã hội. (Trong ảnh: Học sinh tiểu học Thành phố Nam Định trong một hoạt động ngoại khóa).
Tạo điều kiện cho trẻ em tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích tránh xa mạng xã hội. (Trong ảnh: Học sinh tiểu học Thành phố Nam Định trong một hoạt động ngoại khóa).
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Ngành GD và ĐT cũng chỉ đạo các trường học tổ chức các diễn đàn cho trẻ em với mạng xã hội với các chủ đề: Những tác hại của việc sử dụng internet không lành mạnh; cách sử dụng thông tin trên mạng hiệu quả; cách nhận biết dấu hiệu bị xâm hại, lạm dụng trên mạng xã hội… từ đó khuyến khích các em trao đổi, đưa ra các ý kiến để tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Cùng với nhà trường, các gia đình cũng cần quản lý chặt chẽ, khoa học đối với con em, sử dụng điện thoại, máy tính kết nối internet; hạn chế cho trẻ vào các trang mạng không lành mạnh, các trò chơi điện tử bằng các ứng dụng phần mềm; giới hạn thời gian vào mạng của các em; đặt quy định cam kết cho các em như không tiết lộ thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ, không hẹn hò trên mạng, không gửi ảnh cá nhân cho người lạ, không tiết lộ mật khẩu và tài khoản mạng… Theo nhiều phụ huynh có kinh nghiệm, không thể giám sát trẻ hằng ngày và cũng không đủ kiến thức để theo kịp con trẻ khi lên mạng xã hội nên cách tốt nhất để bảo vệ trẻ an toàn trên mạng là trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được những tác hại trên mạng, từ đó tạo lá chắn phòng chống hữu hiệu. Các bậc phụ huynh cũng cần khuyến khích các em đăng ký tham gia các lớp kỹ năng sống, năng khiếu theo sở thích hay hoạt động văn hóa, văn nghệ để các em dần tránh xa các thiết bị di động vào mạng. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ phải có sự đồng ý của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các bậc phụ huynh, trẻ em khi phát hiện bị xâm hại trên mạng xã hội có thể liên hệ với các cơ quan chức năng, cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc gọi lên tổng đài điện thoại quốc gia với đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 để thông báo, tố giác hành vi xâm hại. Với các giải pháp trên, sẽ huy động được xã hội đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, đạo đức của trẻ em./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com