Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên

08:08, 08/08/2017
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho đoàn viên, thanh thiếu niên (TTN) là một nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp đã quan tâm đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng đối tượng TTN. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
Một tiểu phẩm của ĐVTN khối các trường đại học, cao đẳng tại Hội thi Thanh niên cùng cộng đồng làm giảm tai nạn giao thông.
Một tiểu phẩm của ĐVTN khối các trường đại học, cao đẳng tại Hội thi Thanh niên cùng cộng đồng làm giảm tai nạn giao thông.
Tỉnh ta hiện có trên 102 nghìn ĐVTN; hầu hết TTN có ý thức rèn luyện, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận thanh niên thiếu ý thức chấp hành pháp luật; vi phạm pháp luật và mắc các tai, tệ nạn xã hội. Nhận thức rõ điều đó, tổ chức Đoàn các cấp đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức TTPBGDPL cho TTN. Qua đó, từng bước hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của tuổi trẻ, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Cụ thể, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn đổi mới hình thức tuyên truyền, kết hợp tuyên truyền miệng với tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa có sự phối hợp với các cơ quan như: công an, tư pháp, giáo dục… Những vấn đề nóng đang được xã hội quan tâm như tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, an toàn giao thông, bạo lực học đường… được tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu để TTN nắm bắt một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền Luật Thanh niên, Luật Biển Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...; phát hàng nghìn tờ rơi, sách, báo tuyên truyền về pháp luật cho các cơ sở Đoàn và ĐVTN làm tài liệu sinh hoạt, nghiên cứu, học tập. Tổ chức cho 100% ĐVTN khối trường học ký cam kết: không vi phạm pháp luật, không sử dụng ma túy, tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm giữ gìn lối sống văn hóa, phòng chống ma túy, bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.300 đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thu hút trên 100 nghìn lượt đoàn viên, TTN tham gia. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo các cơ sở Đoàn xây dựng tủ sách pháp luật góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới ĐVTN. Đến nay, mỗi huyện, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đều có ít nhất một tủ sách pháp luật. Đặc biệt, công tác tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, tổ chức đăng ký nguồn, khám tuyển, xét duyệt, gọi và tổ chức các hoạt động tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ được các cấp bộ Đoàn phối hợp thực hiện tốt. Tiếp tục xây dựng, duy trì và đẩy mạnh các mô hình như: CLB tuổi trẻ với pháp luật, CLB phòng chống TNXH, đội thanh niên xung kích an ninh, đội thanh niên tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, đội thanh niên tự quản, mô hình cổng trường ATGT… làm cơ sở nòng cốt cho việc TTPBGDPL ở cơ sở. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động được 735 CLB phòng, chống tội phạm và TNXH trong TTN; 785 đội thanh niên xung kích, 542 đội thanh niên tự quản, thiếu niên sao đỏ; mở hàng trăm diễn đàn “Tuổi trẻ vì bình yên cuộc sống”, “TNXH là kẻ thù của chúng ta”, thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, học sinh, sinh viên tham gia. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước hạn chế tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội.
 
Tuy đã đạt được một số kết quả tích cực song việc TTPBGDPL trong TTN vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật các huyện, xã hầu hết đều là kiêm nhiệm. Ở một số cơ sở Đoàn vẫn còn thiếu lực lượng cán bộ, ĐVTN đủ kiến thức, năng lực về pháp luật để duy trì thường xuyên các hoạt động TTPBGDPL. Kinh phí được cấp cho hoạt động TTPBGDPL ở các cấp bộ Đoàn còn hạn chế, do đó việc đầu tư tổ chức các hoạt động TTPBGDPL chưa được thường xuyên. Ngoài ra, một số tổ chức cơ sở Đoàn chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong quá trình triển khai công tác này. Tủ sách pháp luật đã được xây dựng tại các địa phương, đơn vị nhưng hiệu quả khai thác và sử dụng còn thấp, số lượng người tham gia đọc, nghiên cứu sách báo pháp luật còn hạn chế, nhất là trong lứa tuổi TTN. Đặc biệt, hệ thống tài liệu dùng cho công tác TTPBGDPL, như: tờ gấp, tờ rơi, bảng hỏi đáp, tạp chí còn thiếu...
 
Để nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động TTPBGDPL cho TTN; thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai các hoạt động theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp tuyên truyền, chú trọng vào các nội dung lớn như: tuyên truyền pháp luật về biển, đảo Việt Nam; giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, HIV/AIDS ở các địa bàn nóng về ma túy và tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn sẽ phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật tại các cơ sở Đoàn nhằm xây dựng đội ngũ báo cáo viên năng động, nhiệt tình, tâm huyết, nắm vững kiến thức pháp luật, có khả năng tuyên truyền, vận động. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến đối tượng TTN nông thôn và số TTN có quá khứ lầm lỗi để có chính sách, biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, tránh xa TNXH, tái hòa nhập cộng đồng./.
 
Bài và ảnh: Hoa Quyên


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com