Nhân rộng phong trào tự làm đồ dùng giảng dạy trong các trường học

08:02, 20/02/2017
Trong những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã đẩy mạnh phong trào làm đồ dùng dạy học ở các cấp học từ mầm non đến THPT. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng các giờ học, tạo sự hứng thú học tập của học sinh trong các nhà trường.
Giáo viên Trường Mầm non Trực Nội (Trực Ninh) tự làm đồ dùng dạy học.
Giáo viên Trường Mầm non Trực Nội (Trực Ninh) tự làm đồ dùng dạy học.
Hằng năm, Sở GD và ĐT đều chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Các đơn vị, trường học đã quán triệt kế hoạch, tổ chức cho giáo viên đăng ký và định hướng những thiết bị có thể cải tiến, cần sửa chữa, cần làm cho từng tổ, nhóm chuyên môn và mỗi giáo viên. Nhiều đơn vị trường học, tổ chuyên môn đã tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề bàn về việc tự làm thiết bị dạy học và ở các kỳ hội giảng, hội học và thi chọn giáo viên giỏi các cấp học; nhiều thiết bị dạy học tự làm đã được thể hiện và khẳng định tính sư phạm của sản phẩm. Bên cạnh những thiết bị giáo dục được ngành GD và ĐT cung cấp theo chương trình thì sự đa dạng, đẹp, hấp dẫn về hình thức, chất lượng có tính thẩm mỹ, giáo dục cao của các đồ dùng dạy học tự làm, trong đó nhiều sản phẩm được tận dụng từ những nguyên liệu dễ kiếm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như ống nhựa, bóng đèn cháy, tre, đá, linh kiện máy vi tính hỏng, vỏ lon, chai nhựa... đã khiến các tiết học trở nên sinh động và hiệu quả. Nhiều đồ dùng, đồ chơi đã thể hiện có sự đầu tư với thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, có tác dụng rèn luyện kỹ năng, mang tính giáo dục cao, góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh, nâng cao hơn chất lượng giáo dục trong các nhà trường. Năm 2016, Sở GD và ĐT đã tổ chức triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự làm ở cấp học mầm non. Với 60 sản phẩm tham dự triển lãm đã thể hiện khả năng sáng tạo của đội ngũ giáo viên trong việc bổ sung một số thiết bị, đồ chơi còn thiếu, chưa có điều kiện mua sắm ở các nhà trường. Riêng với chuyên đề phát triển vận động đã có nhiều các sản phẩm bổ trợ cho trẻ phát triển vận động cơ bản như: đi, chạy nhảy, bò, trườn, trèo, tung, bắt, ném. Với các đồ dùng, đồ chơi này, trẻ được vui chơi, trải nghiệm, khám phá nhằm phát triển các tố chất vận động. Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn kết hợp để tổ chức các hoạt động âm nhạc, tạo hình, kể chuyện, đọc thơ, khám phá khoa học, làm quen với các biểu tượng sơ đẳng, tổ chức các hoạt động vui chơi trong nhà và ngoài trời. Tiêu biểu như bộ thể chất đa năng của Trường Mầm non Hải Châu (Hải Hậu) có nhiều sáng tạo, khả năng tích hợp được nhiều hoạt động giáo dục cho các độ tuổi. Hay sản phẩm bộ thang leo chữ A, bộ liên hoàn đa năng của giáo viên huyện Mỹ Lộc; sản phẩm chiếc hộp đa năng, những quyển sách kỳ diệu, đồ chơi với cát, nước… của giáo viên Thành phố Nam Định… Chỉ từ những phế liệu như nút chai, vỏ chai nước, vỏ lon bia hay những mẩu vải vụn thông thường… qua đôi bàn tay khéo léo của các cô giáo mầm non đã trở thành những con vật, đồ chơi sống động khơi gợi niềm hứng thú và góp phần giáo dục phát triển vận động tính khéo léo của trẻ. Hiện nay, đồ dùng dạy học tự làm không chỉ tập trung tại các trường, các địa bàn trung tâm thuận lợi mà đã được các trường trong tỉnh triển khai và đã được các thầy, cô giáo ở các cấp học nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó một số giáo viên đã sáng tạo cả các phần mềm mô phỏng các thí nghiệm Hoá học, Vật lí, Sinh học… có ý nghĩa và đạt hiệu quả trong việc dạy các thí nghiệm khó thực hiện được trong thực tế điều kiện dạy học ở bậc THCS, THPT. Cũng có sản phẩm được làm lại từ các thiết bị dạy học cũ đã được trang bị trong quá trình giảng dạy để cho ra đời những thiết bị hoàn thiện, hiệu quả hơn trên cơ sở thực tiễn giảng dạy. Điều đó đã góp phần khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu, bổ sung các thiết bị chưa có điều kiện mua sắm, thay thế hoặc cải tiến các thiết bị hư hỏng phù hợp với tình hình, đặc điểm của các nhà trường. Theo thầy giáo Phạm Quý Anh, giáo viên dạy môn Vật lý Trường THCS Hải Chính (Hải Hậu), để làm được bộ thiết bị giáo dục đòi hỏi giáo viên phải có lòng ham mê nghiên cứu và có tinh thần trách nhiệm cao đối với môn học. Không chỉ suy nghĩ để làm ra những sản phẩm mới có tính thực tiễn cao, mà mỗi giáo viên phải biết cải tiến, sửa chữa những thiết bị đã được cung cấp nhưng qua quá trình thực hành đã hỏng hóc hoặc không phù hợp với thực tiễn. 
 
Thông qua phong trào tự làm thiết bị dạy học đã khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên, tác động trong hoạt động chuyên môn theo hướng mới: Đó là định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong đổi mới phương pháp dạy và học cho học sinh. Cũng từ phong trào này, không khí sư phạm sẽ sôi nổi hơn với sự nối kết thân thiện hơn giữa lãnh đạo với giáo viên, giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh. Nhưng thiết thực hơn, những thiết bị dạy học tự làm đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp dạy học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh. Hiện nay, cùng với quá trình đổi mới chương trình, các trường phổ thông trong toàn quốc đã được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, đảm bảo nhu cầu tối thiểu theo danh mục thiết bị dạy học đã được Bộ GD và ĐT ban hành nhưng giải pháp tự làm thiết bị dạy học, tự sửa chữa, tự cải tiến thiết bị dạy học trong các nhà trường vẫn cần thiết trong điều kiện hiện nay, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học./.
 
Bài và ảnh: Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com