Phát huy hiệu quả du lịch văn hoá - tâm linh

08:03, 02/03/2015

Du lịch văn hoá, tâm linh là một trong những tiềm năng quan trọng trong phát triển du lịch của các địa phương. Ở tỉnh ta, với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa, hàng trăm lễ hội, những năm qua, các ngành, các địa phương đã chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, để đưa du lịch văn hoá, tâm linh trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, còn nhiều việc phải làm.  

Với sự phong phú, đa dạng của các lễ hội, các di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh đã ngày càng thu hút nhiều du khách tham gia như Hội chợ Viềng xuân, Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), Lễ hội Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), Lễ hội truyền thống làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), Lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), Lễ hội chùa Cổ Lễ (Trực Ninh)... Hằng năm, số lượng khách đến các điểm du lịch văn hoá, tâm linh luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu khách đến với tỉnh. Năm 2014, tổng lượng khách tới các điểm tham quan du lịch của tỉnh ước đạt 2,06 triệu lượt người thì số lượng khách tham dự lễ hội và tham quan di tích đạt 1,27 triệu lượt, chiếm 61,7% tổng lượng khách, trong đó số lượng khách đến các lễ hội mùa xuân trong tỉnh đạt khoảng 900 nghìn người. Để đạt được kết quả đó, những năm qua các ngành, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa các lễ hội; tranh thủ các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch đến các khu, điểm du lịch; vận động các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng… phục vụ du khách. Công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa gắn với việc khôi phục phần lễ, tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống được chính quyền địa phương, ban quản lý các di tích lịch sử - văn hoá, các nhà đền, chùa thường xuyên quan tâm, làm phong phú, hấp dẫn cho các lễ hội...

Thi làm cỗ chay trong Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Thi làm cỗ chay trong Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Mặc dù có số lượng khách đến cao, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu khách đến tỉnh, nhưng lượng khách du lịch văn hoá - tâm linh đến tỉnh những năm gần đây mức tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác từ loại hình du lịch này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Theo thống kê năm 2014, doanh thu từ hoạt động du lịch lễ hội và mua sắm chỉ đạt 80 tỷ đồng trong tổng thu nhập du lịch của tỉnh là 466 tỷ đồng. Nguyên nhân do các lễ hội thường diễn ra với thời gian ngắn, dịch vụ du lịch nhiều nơi chưa phát triển để hấp dẫn du khách ở lại lâu hơn. Anh Trịnh Đức Minh ở đường Lê Hồng Phong (TP Nam Định) cho biết: “Tôi thường xuyên dẫn các đoàn khách về thăm Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy, Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp... nhưng nhiều đoàn khách lên xe về ngay vì không tìm được chỗ dừng chân nghỉ ngơi, uống nước, không chọn được sản phẩm quà lưu niệm. Một số điểm di tích thiếu người làm công tác hướng dẫn viên du lịch, có nơi người giới thiệu thiếu kỹ năng, kiến thức về lịch sử, đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng của di tích, lễ hội”. Công tác quản lý lễ hội nhiều nơi chưa thực hiện tốt. Tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ; hiện tượng xem bói, ăn xin, đổi tiền mệnh giá nhỏ vẫn tồn tại; quy hoạch hàng quán, dịch vụ, bãi đỗ xe vẫn chưa hợp lý; công tác vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ; ý thức người tham gia du lịch cũng hạn chế, còn vứt rác thải bừa bãi, chen lấn, xô đẩy nhau…

Để phát triển du lịch văn hoá, tâm linh, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh và giá trị các lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá; thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường các điểm di tích của người dân và khách du lịch; khôi phục, phát triển các hoạt động văn hoá, các môn thể thao truyền thống tạo thành sản phẩm du lịch để thu hút và lưu giữ khách; có định hướng quy hoạch các tour du lịch, gắn kết các di tích tâm linh với các loại hình di tích khác trên cùng tuyến để tạo sự phong phú đa dạng của sản phẩm du lịch. Ban quản lý các di tích cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời các tệ nạn xã hội như rút thẻ, bói toán, cờ bạc trá hình, cúng thuê, lưu hành văn hóa phẩm trái phép; hướng dẫn du khách đặt tiền lễ đúng nơi quy định... Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về di tích cả về nội dung lịch sử và văn hóa, lễ hội. Các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội, xử lý kịp thời những sai phạm trong hoạt động lễ hội, vi phạm Luật Di sản văn hoá, xâm hại di tích và ảnh hưởng môi trường… xây dựng du lịch tâm linh thành sản phẩm du lịch hấp dẫn./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com