Nam Trực đẩy mạnh công tác quản lý lễ hội

08:03, 02/03/2015

Huyện Nam Trực là vùng đất của lễ hội. Hiện nay, mỗi năm địa bàn huyện có trên một trăm lễ hội, trong đó khoảng 50% lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Những năm qua, huyện đã thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương, đáp ứng nhu cầu tâm linh và tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi trong nhân dân.

Lễ hội chợ Viềng, Thị trấn Nam Giang.
Lễ hội chợ Viềng, Thị trấn Nam Giang.

Để thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa tại các lễ hội. Trước khi diễn ra các lễ hội, Phòng VH-TT huyện cử cán bộ để hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội đảm bảo các nghi lễ trang trọng, phần hội phong phú, đa dạng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…  Các địa phương có lễ hội đều thành lập Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch và kịch bản lễ hội, chi tiết, thực hiện đúng quy chế của UBND tỉnh trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp. Thông qua các phần lễ mang đậm giá trị văn hóa bản địa và phần hội với các trò chơi dân gian lồng ghép với các môn thể thao hiện đại đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Thị trấn Nam Giang, có 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia gồm: Chùa Đại Bi, Đền thôn Ba, Đền Am thôn Nhất gắn với các lễ hội chợ Viềng (mùng 8 tháng Giêng), lễ hội chùa Đại Bi (từ ngày 20-23 tháng Giêng), lễ hội Đền Am (từ mùng 8-10 tháng Giêng). Hằng năm, Ban tổ chức lễ hội và Ban quản lý di tích ở địa phương tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu ý nghĩa của từng lễ hội. Các lễ hội ở thị trấn trong thời gian gần đây đã hạn chế các hiện tượng đốt đồ mã, xóc thẻ, bói toán, rải tiền nơi thờ tự, chèo kéo khách, ăn xin dọc đường, hàng quán được bày bán đúng nơi quy định. Các bãi trông giữ phương tiện được bố trí hợp lý nên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ đã được giải quyết. Nhờ đó, lễ hội mùa xuân ở Nam Giang không chỉ bề thế về quy mô mà còn đa dạng về phương thức tổ chức. Ngoài các hoạt động tế, rước trang trọng trong phần lễ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ như hát chèo, múa rối nước, rối cạn… và các môn thể thao sôi động đã thu hút sự tham gia của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Xã Hồng Quang là địa phương  có nhiều lễ hội truyền thống hội tụ nét đẹp văn hóa dân gian. Lễ hội làng Bàn Thạch được tổ chức 5 năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thần Hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Trong lễ hội, ngoài các tiết mục múa rối nước đặc sắc do các nghệ nhân của thôn biểu diễn, còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như: đấu gậy, múa sư tử, cờ người… thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Xã Nam Hùng có di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền - Chùa Thọ Tung và 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là Chùa Cổ Ra và Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, thôn Cổ Ra. Trong dịp lễ hội đầu xuân, xã làm tốt công tác đảm bảo an ninh, tổ chức, sắp xếp các hàng quán dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện, hạn chế tối đa hàng quán kinh doanh vàng mã, đổi tiền, kinh doanh trò chơi biến tướng sang đánh bạc trong lễ hội. Trước lễ hội, nhân dân thôn Thọ Tung thực hiện dọn vệ sinh môi trường tại di tích, đường thôn, xóm phong quang. Trong phần hội có nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian như: chọi gà, leo cầu phao cướp giải, hát chèo, ca trù… Những năm gần đây, lễ hội còn tổ chức thi đấu một số các môn thể thao như bóng chuyền, cầu lông…, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Để thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý lễ hội đầu xuân Ất Mùi 2015, huyện Nam Trực chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh để nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội. Các ngành chức năng tăng cường phối hợp xử lý các hoạt động mê tín dị đoan, bày bán văn hóa phẩm không được phép lưu hành, dùng loa phóng thanh quảng cáo gây mất trật tự công cộng, gây phản cảm tại các lễ hội. Phòng VH-TT huyện hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, nhất là nơi có di tích và lễ hội thực hiện đăng ký, niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, hạn chế các hàng quán kinh doanh vàng mã và đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, không để hiện tượng đổi tiền lẻ diễn ra trong khu di tích, lễ hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com