Nam Trực sau 2 năm xây dựng nông thôn mới

08:04, 22/04/2013

Hơn 2 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đã đem lại cho các làng quê ở huyện Nam Trực một diện mạo mới. Các công trình điện, đường, trường, trạm đều được hoàn thiện, cải thiện điều kiện sống cho người dân. Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề, đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển mạnh mẽ. Toàn huyện đã có những thay đổi căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nông thôn mới xã Nam Cường hôm nay.
Nông thôn mới xã Nam Cường hôm nay.

Đến nay, các xã, thị trấn đã huy động được 235 tỷ đồng để hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường chính của huyện, đắp nền các tuyến đường trục chính nội đồng, đường liên thôn theo tiêu chí NTM, mở rộng, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư. Các công trình thủy lợi, công trình vệ sinh, nước sạch được tập trung hoàn chỉnh, các công trình điện, thiết chế văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư đều được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng tiêu chí NTM. Trong sản xuất nông nghiệp, toàn huyện có 260/397 thôn, xóm đã phê duyệt phương án DĐĐT, trong đó có 211 thôn, xóm đã tiến hành giao đất ngoài thực địa, bằng 53% số thôn, xóm trong toàn huyện. Kết quả DĐĐT đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí, sức lao động, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, quy gọn vùng đất công ích để quản lý, sử dụng có hiệu quả. Năm 2012 năng suất lúa cả năm đạt 119,64 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt 108.021 tấn, vượt 0,9% so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp/ha canh tác đạt 81 triệu đồng. Toàn huyện có 10 cánh đồng mẫu lớn, 1.983ha gieo lúa sạ hàng, đạt 23% diện tích; có trên 440 trang trại, gia trại. Trong phát triển CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.425 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2011 và bằng 101,1% kế hoạch năm. CCN Đồng Côi có 26/28 doanh nghiệp triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp trong CCN Nam Hồng đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô phát triển sản xuất, thu hút lao động. Trong công tác đào tạo nghề, huyện đã mở 26 lớp dạy các nghề: dệt may, cơ khí, mộc, mây tre đan… cho 810 lao động. Phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt chất lượng bền vững: mầm non có 12/33 trường đạt chuẩn, chiếm 36,4%; tiểu học có 100% trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I, trong đó 7 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn II; THCS có 12/31 trường đạt chuẩn, chiếm 38,7%; phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đúng độ tuổi; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao. Về xây dựng hệ thống chính trị, chất lượng các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể ngày càng được nâng lên. Năm 2012, có 85,3% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh; 85,5% cơ sở hội, chi Hội Nông dân vững mạnh; 92,8% cơ sở hội, 90% chi Hội CCB đạt trong sạch, vững mạnh; 98% chi Hội Phụ nữ xuất sắc và vững mạnh. Huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng NTM. Đến nay toàn huyện có 173/402 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, “Đơn vị có nếp sống văn hóa”; 237/402 thôn, xóm, tổ dân phố có tổ thu gom rác thải, chiếm 59%. Tại xã điểm xây dựng NTM Nam Hồng, đến nay đã đạt 15/19 tiêu chí. Trong số 6 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, có 2 xã Nam Thái và Nam Thanh đạt 11 tiêu chí, 3 xã Tân Thịnh, Nam Hoa và Nam Dương đạt 10 tiêu chí, xã Nam Lợi đạt 9 tiêu chí. Qua hơn 2 năm xây dựng NTM, nhận thức của các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở, các ngành, cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã chuyển biến tích cực, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng được phát huy, an ninh trật tự được đảm bảo, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên. Nhiều vụ việc vướng mắc, tồn tại kéo dài trong nhiều năm trên địa bàn huyện, nhất là về đất đai, từng bước được giải quyết. Trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng, chính quyền thôn, xóm, hộ gia đình. Các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức sản xuất, DĐĐT, huy động nguồn lực và đóng góp của nhân dân xây dựng NTM được phổ biến, nhân rộng.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM ở Nam Trực còn bộc lộ một số khó khăn: Tiến độ triển khai các nội dung xây dựng NTM, DĐĐT ở một số địa phương còn chậm, kết quả phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, thu hút nguồn lực đầu tư còn hạn chế, kinh phí huy động của nhân dân và các nguồn lực của địa phương để xây dựng NTM chưa cao… Năm 2013 và những năm tiếp theo, huyện Nam Trực tiếp tục huy động tổng lực của địa phương, đóng góp của nhân dân, các doanh nhân, doanh nghiệp theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; phát động sâu rộng trong toàn huyện phong trào thôn, xóm, hộ gia đình thi đua xây dựng NTM. Trước mắt, các xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 huy động và ưu tiên các nguồn lực để kiên cố hóa kênh mương, hoàn thiện áp trúc đường chính nội đồng và cứng hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất theo tiêu chí NTM; các xã xây dựng NTM giai đoạn 2 ưu tiên nguồn lực đầu tư kiên cố hóa kênh mương, trước mắt đầu tư vào cánh đồng mẫu lớn. Tập trung giải quyết vấn đề môi trường ở các xã có đề án thu gom rác thải, phấn đấu 100% các thôn, xóm có tổ thu gom rác thải. Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, huyện tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay trong xây dựng NTM. Tăng cường quản lý, thực hiện các quy hoạch cấp xã, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản, phát triển ngành nghề nông thôn. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa xã hội, chăm lo phát triển giáo dục, y tế. Tiếp tục tạo mọi nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com