Tuyển sinh 2012: Thí sinh nên lượng sức khi chọn ngành

05:02, 11/02/2012

Mặc dù Bộ GD và ĐT chưa chốt những chỉ số cuối cùng cho tuyển sinh 2012 nhưng cho đến nay, nhiều trường đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh và có kế hoạch về các phương án tuyển sinh. Thông tin sơ bộ cho thấy, cũng như mọi năm nhóm ngành kinh tế vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của thí sinh.

Tăng cơ hội trúng tuyển

Năm 2012 được chọn là năm mở đầu cho lộ trình đổi mới thi cử. Những dự kiến thay đổi về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 sẽ đem lại nhiều cơ hội trúng tuyển hơn cho thí sinh, bất chấp việc nhiều trường ĐH giữ nguyên hoặc cắt giảm bớt chỉ tiêu. Trong đó 2 bổ sung được nhiều trường và thí sinh chờ đợi nhất là bổ sung khối thi A1 với các môn toán, lý, ngoại ngữ và cho phép kéo dài thêm thời gian xét tuyển. Cụ thể, sau khi có kết quả thi, những thí sinh có điểm thi trên sàn sẽ được xét tuyển vào tất cả những trường có nhu cầu mà không bị khống chế bởi thời gian của từng đợt như trước đây, chỉ cần báo cáo Bộ trước ngày 31-12 hằng năm. Đặc biệt, kỳ thi 2012, thí sinh không bị giới hạn về số lượng nguyện vọng mà được quyền dùng kết quả thi dự xét tuyển ở nhiều nơi, theo nhu cầu và phương thức xét tuyển của từng trường. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga, từ nay đến năm 2015, Bộ thay đổi số môn thi và khối thi ĐH-CĐ. Thí sinh sẽ thi nhiều môn (hiện nay 3 môn) và dù là ngành nào cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội. Nhiều thí sinh coi đây cũng là một lợi thế. Ngoài ra, việc hiện tại đã có nhiều trường ĐH dự kiến mở thêm nhiều ngành học, chuyên ngành mới cũng giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Điển hình là năm nay, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức tuyển sinh đào tạo hai ngành Bác sĩ đa khoa và Dược học. Trong đó, ngành Bác sĩ đa khoa tuyển khối B 50 chỉ tiêu, chương trình đào tạo 6 năm, ngành Dược sĩ tuyển 50 chỉ tiêu, chương trình đào tạo 5 năm, thi tuyển khối A.

Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) trong giờ ôn tập. Ảnh: Hồng Minh
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) trong giờ ôn tập. Ảnh: Hồng Minh

Ngành nào “nóng” nhất?

Kết quả tuyển sinh ba năm gần nhất cho thấy nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng chiếm tỉ lệ cao nhất trong sự lựa chọn của thí sinh. Từ lâu nhóm ngành này vẫn “nóng” nhất và đông thí sinh dự thi nhất nhưng điểm chuẩn của các ngành này cũng luôn thuộc tốp cao. Chẳng hạn điểm chuẩn vào Trường ĐH Ngoại thương 3 năm trở lại đây luôn giữ ở mức từ 22-26 điểm, riêng ngành Tài chính - Ngân hàng 2 năm trở lại đây số lượng hồ sơ nộp vào trường tăng vọt mặc dù chỉ tiêu của trường không thay đổi. Trường ĐH KTQD có điểm chuẩn từ 18-25,5 điểm, trong đó nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng - Kế toán điểm chuẩn luôn ở đỉnh cao nhất là 24,5-25,5 điểm, Học viện Ngân hàng điểm chuẩn từ 18,5-20,5… Tại các trường ĐH đa ngành, điểm chuẩn các ngành Tài chính - Ngân hàng - Kế toán cũng thường ở mức cao so với các ngành khác. Năm 2011, điểm chuẩn vào ngành Tài chính ngân hàng và ngành Kế toán Trường ĐH Công đoàn từ 16,5-17,5 điểm. Tại Trường ĐH Thương mại, ngành Tài chính - Ngân hàng có điểm chuẩn 20,5 điểm, ngành Kế toán-Tài chính 21,0 điểm. Còn Trường ĐH Công nghiệp lấy điểm chuẩn ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng khối A 17 điểm, khối D1 16,5 điểm… Một ngành học khác cũng được số đông thí sinh quan tâm là ngành Xây dựng. Thí sinh đánh giá học ngành Xây dựng ra trường rất dễ tìm việc làm do nhu cầu xây dựng các công trình đang ngày càng phát triển cao.

Nên lượng sức trước khi chọn ngành

Một số trường thuộc “top” ngoại hạng như thí sinh đánh giá như Học viện Ngoại giao, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội luôn “kén” thí sinh nên không có quá nhiều thí sinh đăng ký dự thi. Mặc dù số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường này chỉ ở mức khiêm tốn nhưng thống kê năm 2011 cho thấy trong số 327 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên, có tới 183 thí sinh thi vào khối Y-Dược (chiếm hơn 50%), 59 thí sinh thuộc khối Ngoại thương và 38 thí sinh thuộc khối Tài chính - Ngân hàng - Kinh tế. Trong khi đó, một số trường thuộc tốp giữa lại giữ kỷ lục về số thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó phải kể đến các Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thương mại, ĐH GTVT Hà Nội, CĐ Xây dựng Hà Nội (nay đã nâng cấp lên ĐH)… có số thí sinh đăng ký dự thi lên tới vài vạn. Số thí sinh đăng ký dự thi rất cao đồng nghĩa với tỷ lệ chọi cao phần nào dẫn đến việc giảm cơ hội trúng tuyển. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại đã có rất nhiều trường ĐH công bố giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước. Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn giữ chỉ tiêu như năm trước là 5.500 chỉ tiêu. Học viện Bưu chính viễn thông, một trường thuộc tốp “nóng” nhưng chỉ tiêu vẫn giữ ổn định như năm trước là 2.650 và giảm chỉ tiêu hệ liên thông. Còn Học viện Ngân hàng cũng thông báo sẽ giữ ổn định tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 3.350, trong đó bậc ĐH là 2.300 và bậc CĐ là 1.050…

Hằng năm, trung bình có khoảng 2 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi ĐH-CĐ trong khi tổng chỉ tiêu vào các trường năm nay chỉ khoảng 550.000. Như vậy, mỗi năm có khoảng 75% thí sinh thi trượt. Và với số điểm trung bình 3 môn dự thi các khối thi của thí sinh cả nước năm 2011 là 11,05 điểm, thí sinh phải cân nhắc thật kỹ trước khi chọn trường chọn ngành mới mong trúng tuyển./.

Theo: baovanhoa.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com