Năm 2020 sẽ kiểm soát toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm

01:02, 09/02/2012

Theo Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 kiểm soát cơ bản an toàn thực phẩm (ATTP) trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Đoàn kiểm tra ngành Y tế kiểm tra chất lượng VSATTP tại một cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn Thành phố Nam Định. Ảnh: Hoài phương
Đoàn kiểm tra ngành Y tế kiểm tra chất lượng VSATTP tại một cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn Thành phố Nam Định.  Ảnh: Hoài phương

Đồng chí Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục VSATTP (Bộ Y tế) cho biết: Tình trạng vi phạm khi cố tình sử dụng phụ gia thực phẩm còn diễn ra khá phổ biến. Tại miền Bắc đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm có chứa RhodamineB với hàm lượng từ 20,2 đến 110,2mg/kg. Nhiều mẫu thực phẩm sử dụng Nitrit (trong xúc xích, giăm bông), phẩm màu có chứa kiềm (trong nước giải khát, mỳ ăn liền). Đặc biệt là có 15,6% mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the (chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng). Còn tại các tỉnh phía Nam, 298/437 mẫu sản phẩm là mì sợi tươi, thực phẩm chay dương tính với formol. 86/115 mẫu có dương tính với chất tẩy trắng với các mẫu hoa chuối, bẹ chuối, măng chua. Có 28/52 mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, tập trung vào các mẫu tôm khô, hạt dưa, mứt.

Bên cạnh đó còn rất nhiều thực phẩm được phát hiện ở Tây Nguyên, miền Trung như: đồ khô, mứt, dưa muối các loại, cá viên khô, bánh bao, sữa tiệt trùng, thực phẩm chay, tương bột, mỳ ăn liền đã sử dụng chất phụ gia hoặc nhiều chất phụ gia cùng với các mức sử dụng quá giới hạn cho phép từ 20-40% đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng.

Theo Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam kiểm soát cơ bản ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập; phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Theo đó từ năm 2015, các quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai thực hiện trên cơ sở hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, có tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm ở nước ta.

Một mục tiêu khác của chiến lược là nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng. Cụ thể, đến năm 2015, 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo UBND các cấp; lãnh đạo các Sở Y tế, NN và PTNT, Công thương, lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; 70% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực của hệ thống quản lý ATTP. Phấn đấu đến năm 2015, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện hệ thống quản lý ATTP. Tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương, 6 tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh có dân số từ 2 triệu người trở lên có phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025. Đến 2020, các tỉnh có dân số từ 1 triệu người trở lên có phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025. Cùng với đó là việc cải thiện tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm. Đến 2015, 100% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, 40% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 80% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; 50% chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP (không bao gồm các chợ tự phát). Giảm 20% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 8 người/100.000 dân, tỷ lệ này đến 2020 là 7 người/100.000 dân.

Đến 2030, công tác ATTP được quản lý một cách chủ động, có hiệu quả dựa trên các bằng chứng và thực hiện kiểm soát theo chuỗi; 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; 100% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt điều kiện ATTP./.

Theo: Báo Bảo hiểm xã hội



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com