Phòng, chống dịch COVID-19 trong công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp

06:09, 08/09/2021

Tỉnh ta hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động gồm: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Dệt may Rạng Đông với trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với hơn 200 nghìn lao động. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn: Công nhân lao động tại những doanh nghiệp có đông lao động tâm lý hoang mang sợ bị lây dịch bệnh; một số doanh nghiệp ngành dệt may, giầy da thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu để duy trì sản xuất buộc phải áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, tạm hoãn, cắt giảm thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các sở, ngành, địa phương, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp KCN năm 2021 cơ bản vẫn ổn định và có bước phát triển.

Diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Cụm công nghiệp Hải Phương (Hải Hậu).
Diễn tập phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Cụm công nghiệp Hải Phương (Hải Hậu).

Để đạt được điều đó, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN đã chủ động, phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố, đặc biệt là Sở Y tế, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các KCN, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trong các KCN của tỉnh; phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên; ban hành gần 60 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch. Thực hiện Kế hoạch số 54 ngày 19-5-2021 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, Công an tỉnh xây dựng kịch bản diễn tập tình huống trong phòng, chống dịch tại KCN; thành lập các tổ công tác, trong đó có sự phối hợp với Công đoàn các KCN tiến hành kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo điều hành và triển khai các biện pháp phòng chống dịch của các doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tại đơn vị; mỗi phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất vị trí làm việc thành lập 1 tổ an toàn COVID-19. Phân công và công khai thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch; thông báo với Ban Quản lý các KCN và các đơn vị liên quan; ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch; tự đánh giá mức độ an toàn, thường xuyên cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bằng các hình thức phù hợp. Thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế; đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; bố trí ăn ca theo các khung giờ khác nhau, đảm bảo giãn cách hoặc lắp đặt tấm chắn để ngăn cách tại các bàn ăn… Tại Công ty TNHH May Việt Thuận, KCN Hòa Xá (thành phố Nam Định) với trên 2.500 lao động đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, phân công và công khai thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch; thông báo với Ban Quản lý các KCN và các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tại công ty; hàng ngày đọc thông tin phòng, chống dịch trên loa nội bộ công ty, tuyên truyền người lao động không đi ra ngoài tỉnh khi không thật sự cần thiết, nhất là các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra, Công ty yêu cầu người lao động nước ngoài sau giờ làm việc ở tại ký túc xá không đi ra ngoài, khuyến cáo người lao động đến từ vùng dịch tạm thời nghỉ cách ly để theo dõi sức khỏe, rà soát và lập danh sách toàn bộ lao động, danh sách lao động tỉnh ngoài đang làm việc tại công ty để theo dõi sức khỏe, bố trí ăn ca theo các khung giờ khác nhau, lắp vách ngăn tại nhà bếp ăn, bố trí khu cách ly tại khu vực làm việc hoặc ký túc xá của công ty… 

Bên cạnh đó, Ban quản lý các KCN tỉnh thường xuyên nắm tình hình doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 68/NĐ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tới các doanh nghiệp trong KCN. Hướng dẫn doanh nghiệp triển khai Công văn số 264/QHLĐTL-TL ngày 15-7-2021 của Bộ LĐ-TB và XH về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến đại dịch COVID-19. Kiến nghị với các cấp có thẩm quyền phân bổ vắc-xin để tiêm cho công nhân lao động. Đến nay, đã có 516 lao động của 36 doanh nghiệp được tiêm vắc-xin mũi 1. Vận động các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh chung tay quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh, đã có 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia ủng hộ với tổng số tiền khoảng 7 tỷ đồng. 

Với những giải pháp thiết thực cụ thể, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh./. 

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com