Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp

08:09, 07/09/2021

Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Đến nay, cả 3 loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu của tỉnh, bao gồm: kinh tế hộ và kinh tế trang trại; các loại hình hợp tác xã (HTX); các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp đều không ngừng đổi mới, phát triển. 

Cơ giới hóa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại xã Trực Thái (Trực Ninh).
Cơ giới hóa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại xã Trực Thái (Trực Ninh).

Toàn tỉnh hiện có 411 trang trại; trong đó có 11 trang trại trồng trọt, 236 trang trại chăn nuôi, 88 trang trại tổng hợp và 76 trang trại thủy sản. Các trang trại ngày càng tăng về quy mô; giá trị sản lượng hàng hóa từ các trang trại liên tục tăng qua các năm, đạt 1.489 tỷ đồng vào năm 2020, tăng 4,1 lần so với năm 2008; lợi nhuận bình quân đạt gần 310 triệu đồng/trang trại, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Toàn tỉnh có 352 HTX nông nghiệp đã được sắp xếp gọn nhẹ, trong đó có 281 HTXNN hoạt động hiệu quả (loại khá và tốt). Nhiều HTX kiểu mới đã chủ động mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ để hỗ trợ thành viên; một số HTX tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất làm giảm giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm; một số HTX tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, từng bước nâng cao thu nhập cho HTX và các hộ thành viên. 

Trong phát triển kinh tế nông thôn, các địa phương đều chú trọng hỗ trợ, tạo thuận lợi để thúc đẩy nhóm doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, giữ vai trò nòng cốt, đầu tầu thiết lập và phát triển các chuỗi liên kết bền vững (từ tổ chức sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp) với các hộ nông dân, trang trại, HTX. Toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển ổn định 32 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tiêu biểu như: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân và Công ty TNHH Cường Tân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; chuỗi chăn nuôi tiêu thụ lợn sữa, lợn choai của Công ty TNHH Công Danh, chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ dược liệu của các công ty dược. Đáng chú ý, dưới sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhóm doanh nghiệp nông nghiệp còn nâng tầm liên kết thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh với 40 doanh nghiệp thành viên, đầu tư và đưa vào vận hành có hiệu quả Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh. Đến nay đã kết nối và lan tỏa, hình thành hệ thống chuỗi 40 cửa hàng tiện ích kinh doanh giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn toàn tỉnh và mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh tham gia chuỗi liên kết (Vingroup, CoopMart, BigC...). 

Việc đổi mới phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, nhất là có sự hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước hình thành lực lượng lao động mới có tư duy phát triển nông nghiệp hàng hóa, với quy mô, trình độ, hiệu quả gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị. Kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến rõ nét; giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 2,93%/năm. Thu nhập của người dân ở nông thôn năm 2020 tăng hơn 5,3 lần so với năm 2008. Mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm còn 1,31 lần; đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được xác định vẫn còn khó khăn, bất cập, cần tháo gỡ. Trong đó, việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do: Một số quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, một số chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa phù hợp với thực tiễn; diện tích đất nông nghiệp bình quân trên khẩu nông nghiệp thấp cùng với tâm lý giữ ruộng của nông dân làm cản trở quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa; sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường, cùng với năng suất lao động thấp so với công nghiệp, dịch vụ nên chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư. Lĩnh vực kinh tế hợp tác đã có sự phát triển nhưng tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác sản xuất, chưa thực sự là đầu mối để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Tại các huyện, bước đầu đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhưng còn chưa nhiều và chưa được nhân rộng. Vẫn còn nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Để tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, thời gian tới các ngành, các địa phương tăng cường thu hút và phát huy vai trò của doanh nghiệp tham gia tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất cá thể phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản. Từng bước thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chính, định hướng về quy mô sản xuất, quy cách, chất lượng sản phẩm nông sản; HTX (tổ hợp tác) là đầu mối đại diện cho nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, chất lượng của các HTX nông nghiệp trên địa bàn; tập trung củng cố các HTX hiện có, tuyên truyền, nhân rộng các HTX kinh doanh có hiệu quả; vận động, khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới HTX (tổ hợp tác), nhất là các HTX chuyên ngành tham gia vào chuỗi liên kết phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời, giải thể các HTX yếu kém, hoạt động cầm chừng, hình thức, không có khả năng củng cố phát triển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, tập trung chỉ đạo dồn đổi, tích tụ ruộng đất; phát triển mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản quy mô trang trại; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP, GAP và tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng giữ vững thương hiệu sản phẩm, duy trì và nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng việc liên kết với cơ quan, doanh nghiệp để nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, nhất là đưa vào sản xuất các giống mới cho hiệu quả kinh tế cao, chú trọng công tác khuyến nông./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com