Cây thanh long trên đồng đất Nghĩa Hưng

04:09, 01/09/2021

Đầu tháng 9, là thời điểm thanh long đang chín rộ. Vừa thu hoạch quả, vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Loan, xóm 5, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) phấn khởi cho biết: “Năm nay khí hậu khắc nghiệt hơn, nắng nóng kéo dài, trời ít mưa nên sâu bệnh nhiều hơn. Cây thanh long do đó ít quả và quả cũng nhỏ hơn năm trước. Tuy nhiên, giá cả thanh long tương đối ổn định, được giá. Thôi thì, năm nhiều bù năm ít, chúng tôi vui vẻ chấp nhận và “nuôi” hy vọng vào những mùa vụ tới”.

Bà Đỗ Thị Loan, xóm 5, xã Nghĩa Phú chăm sóc vườn thanh long.
Bà Đỗ Thị Loan, xóm 5, xã Nghĩa Phú chăm sóc vườn thanh long.

Tìm hiểu và biết đến cây thanh long từ năm 2011 nhưng phải mất đến hơn một năm sau gia đình bà Loan mới quyết định phá bỏ vườn cây ăn quả cũ để chuyển sang trồng thanh long. Để trồng giống cây này, bà đã phải bỏ nhiều công cải tạo đất vườn, đầu tư giống, đổ các trụ cột cho cây. Công đoạn tốn nhiều thời gian nhất theo bà Loan chính là cải tạo đất. Theo bà Loan, thanh long là giống cây ăn quả thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên cây hợp nhất với loại đất thịt có hàm lượng hữu cơ cao và không bị nhiễm mặn. Hiểu được đặc tính của cây, trước khi trồng, bà cẩn thận mua đất phù sa “bồi” thêm cho đất vườn. Khoảng 1 tháng trước khi xuống giống, bà xới xáo lại đất, phơi nắng phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh, rải thêm một lớp phân chuồng mỏng nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho đất. Đây cũng chính là “bí quyết” riêng của bà Loan để tạo nên những vườn thanh long tươi tốt, nhiều quả. Cải tạo đất xong, bà Loan thuê người đổ trụ bê tông, mỗi trụ cao khoảng 1,8m. Sau khi chôn xong trụ, bà đào xung quanh trụ, độ sâu từ 10-20cm, bán kính 1,5m, bón lót thêm lượt phân chuồng, phủ bên ngoài lớp đất nhẹ rồi mới đặt hom giống cấy cây. Bà chọn mua những cành trên cây mẹ tốt, khỏe có tuổi cành từ 6-24 tháng, có màu xanh đậm và đạt chiều dài cành từ 40-50cm. Ở mỗi trụ, bà tính toán trồng khoảng 4 hom, cho cây bò vào thân trụ bê tông. Cách khoảng 3m, bà cắm 1 trụ. Quá trình trồng thanh long, bà còn đặc biệt lưu ý một số đặc tính của cây để “điều tiết” chế độ chăm sóc, tưới tiêu phù hợp. Theo bà Loan, mặc dù thanh long là cây chịu hạn tốt, nhưng nếu nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng phát triển cũng như năng suất quả. Do đó, khi chăm sóc thanh long, yếu tố đầu tiên bà lưu tâm chính là việc cung cấp nước cho cây. “Nếu không được cung cấp đủ nước, thanh long sẽ ít hình thành cành mới, cành phát triển chậm, có dấu hiệu bị teo và chuyển sang màu vàng. Hậu quả của việc thiếu nước trên cây có thể “đo đếm” được ngay khi tỉ lệ rụng hoa ở các đợt hoa đầu tiên cao, có thể lên tới trên 80%, quả bé”, bà Loan cho biết thêm. Để vườn thanh long phát triển và cho năng suất cao, bà còn thường xuyên bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Căn cứ tính chất đất, độ tuổi, sản lượng của cây mà bà bón lượng phân phù hợp. Thông thường, mỗi năm bà bón phân cho cây từ 4-5 lần. Khi bón, bà thường chọn những ngày có mưa, đất ẩm để phân dễ dàng thẩm thấu xuống đất giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng. Tuy là giống cây trồng tương đối “dễ tính” nhưng thanh long vẫn mắc một số bệnh như thối đầu cành, đốm nâu, nám cành, các loại kiến, bọ xít, ruồi… tấn công. Để phòng trừ sâu hại, bà Loan sử dụng một số thuốc đặc trị phun cho cây. Chăm sóc đúng quy trình, yêu cầu kỹ thuật, sau 1 năm trồng, đến năm thứ 2 vườn thanh long của bà đã cho “quả ngọt”. Cuối tháng 4, từ những vườn thanh long xanh mướt, khoẻ mạnh, đã thấy những nụ hoa trắng to như vốc tay “ló” ra từ đầu ngọn. Dăm bữa nửa tháng, “ngậm” được khí trời cộng với công người chăm sóc sớm hôm, hoa nhanh chóng chuyển thành quả. Cây “bói” những quả đầu mùa rồi cho thu hoạch đến hết tháng 8 sang tháng 9. Theo ước tính của bà Loan, mỗi năm vườn thanh long của bà cho sản lượng khác nhau. Nếu năm đầu mỗi trụ thanh long chỉ cho sản lượng khoảng 10 kg/trụ, thì từ năm thứ 2, khi cây đã ổn định hơn sẽ cho năng suất gấp đôi năm đầu. Năm thứ 3, nếu được chăm sóc tốt, cây sẽ cho thu hoạch khoảng 30 kg/trụ. Trong 3 năm trở lại đây, với 40 trụ thành long, trung bình mỗi vụ bà Loan thu trên 1 tấn quả. Để có những lứa quả, “đẹp mã” nhất đến tay thương lái, bà còn cẩn thận tính cả thời điểm thu hoạch quả. Bà thường chọn lúc sáng sớm hoặc chiều mát hái thanh long. Mục đích của việc này là để tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào quả dễ gây mất nước trong quả, ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản. Khi hái thanh long, bà không dùng tay mà sử dụng kéo sắc, cắt quả xong cho vào làn nhựa, để trong bóng râm, nhanh chóng vận chuyển ngay về nhà chứ không để lâu ngoài vườn. Mùa thanh long năm nay với giá bán đầu mùa từ 20-22 nghìn đồng/kg quả ruột đỏ; 17-20 nghìn đồng/kg quả ruột trắng, trừ chi phí bà Loan thu về trên dưới 20 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế của cây thanh long, không chỉ có bà Loan mà nhiều hộ khác ở Nghĩa Phú cũng đang tập trung trồng, canh tác loại cây này. Hiện trong xã có các xóm 4, xóm 5 trồng nhiều; một số hộ trồng với diện tích lớn như nhà anh Bảo xóm 4, nhà anh Phước xóm 5 có hàng trăm trụ thanh long.

Tháng 5, tháng 6 ở khắp các khu chợ lớn nhỏ từ thành phố cho đến thôn quê người ta đã thấy những mẹt, những xe thanh long được các mẹ, các chị, các cô cẩn thận bày biện giới thiệu cho khách hàng. Gió bắt heo, quả thanh long càng ngọt đậm, vỏ càng căng bóng mỡ màng. Mùa thanh long đang dần đi đến những ngày cuối vụ. Thời điểm hiện tại, bà Loan đã tính toán ngày để chuẩn bị tỉa bớt cành dưới gầm, kích thích các cành non sinh trưởng, phát triển và cũng là để tránh cho cây quá nặng, phòng trừ gió bão. Mặc dù năm nay cây có ít quả hơn chút ít nhưng với giá bán hiện tại, bà Loan cũng như nhiều hộ gia đình trồng thanh long ở Nghĩa Phú vẫn “hài lòng” về vụ thanh long này./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com