Tập trung phát triển nuôi thủy sản nội đồng

07:03, 05/03/2021

Hiện nay, nuôi thủy sản đang ngày càng thể hiện vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế ở các địa phương. Đây là ngành sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân. 

Người dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) phân loại, chuẩn bị nguồn cá giống để thả nuôi vụ mới.
Người dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) phân loại, chuẩn bị nguồn cá giống để thả nuôi vụ mới.

Năm 2020, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của toàn tỉnh là 9.800ha. Mặc dù diện tích không tăng nhưng tổng sản lượng đạt 57.042 tấn, tăng 9,94% so với năm 2019. Trong đó, diện tích nuôi cá truyền thống gồm cá trắm, trôi, chép là 9.400ha, sản lượng 38.600 tấn, tăng 11,8%; diện tích nuôi cá diêu hồng là 240ha, sản lượng đạt 1.680 tấn, tăng 11,04%; một số nơi người dân nuôi ghép cá diêu hồng với tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả khá; cá lóc bông là đối tượng nuôi có tốc độ sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định nên được một số người dân chọn nuôi với diện tích 60ha, sản lượng đạt 1.290 tấn, tăng 9,2% so với năm 2019. Ngoài ra một số đối tượng thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế cao như: ba ba, ếch, lươn, chạch đồng, ốc nhồi, cá trê lai... vẫn được duy trì đem lại thu nhập cao cho người nuôi. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và cung ứng giống thủy sản đã đi vào nề nếp. Trong năm, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng trong tỉnh đã sản xuất được 970 triệu con giống các loại, trong đó chủ yếu là các loại cá truyền thống. Một số đối tượng nuôi như: lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan, ốc nhồi… cũng được sản xuất tại Trung tâm giống Thủy đặc sản Nam Định, một số cơ sở của huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Đến nay toàn tỉnh có 49 cơ sở đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng con giống. Hoạt động kiểm tra duy trì điều kiện đã được các cơ sở sản xuất giống tiến hành theo đúng quy định. Các loại giống nhập vào tỉnh cơ bản được kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi thả của người dân. Các cơ sở cung cấp thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường phục vụ nuôi thủy sản nước ngọt phát triển mạnh, tập trung ở các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường... 

Đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi và thực hiện các yêu cầu đối với cơ sở cung ứng vật tư thủy sản theo đúng quy định, các đơn vị trong ngành như: Thanh tra sở, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản đã phối hợp chặt chẽ với Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố, thực hiện kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện, trách nhiệm của các cơ sở theo Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn luật. Đặc biệt, vấn đề về an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản nói chung, nuôi thủy sản nội đồng nói riêng được người dân quan tâm thực hiện thông qua việc tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm do các cấp, ngành tổ chức. Thực hiện chỉ đạo của Sở NN và PTNT, trong năm 2020, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị chức năng, một số địa phương tổ chức thẩm định, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 7 đơn vị. Qua đó giúp các đơn vị, hộ nuôi thủy sản có thêm kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, trị bệnh trên các đối tượng nuôi, giúp người nuôi chủ động trong công tác quản lý chất lượng nước ao nuôi. Trong năm 2020, Chi cục đã tiến hành thu mẫu quan trắc tại 17 điểm ở các vùng nuôi, với 16 đợt thu mẫu định kỳ và 1 lần thu mẫu đột xuất trên tổng 250 mẫu môi trường và mẫu khác. Kết quả quan trắc được xử lý nhanh chóng, kịp thời thông báo tới các vùng nuôi, chủ ao, đầm nuôi; đồng thời cho thấy cơ bản các yếu tố môi trường vùng nuôi của các địa phương nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép, phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển đối tượng nuôi. Đối với các yếu tố vượt ngưỡng đều đã được khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp xử lý kèm theo thông báo. Nhờ đó, các đối tượng nuôi đều sinh trưởng phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. 

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản nội đồng trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19, giá một số loại vật tư sản xuất tăng cao, nhất là cơ chế, chính sách của tỉnh chưa có nhiều và đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư và tham gia chuỗi liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm… các địa phương chủ trương phát triển nuôi thủy sản thành các vùng tập trung theo quy hoạch và gắn với nhu cầu của thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đánh giá, nhân rộng các mô hình phù hợp, hiệu quả trong sản xuất thuỷ sản. Tập trung phát triển những sản phẩm thế mạnh của địa phương được thị trường ưa chuộng như: cá trắm đen, chép giòn, bống bớp, ba ba, cá lóc bông. Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm thuỷ sản; trong năm 2021 phấn đấu xây dựng được 2-3 thương hiệu sản phẩm thủy sản. Hướng dẫn các cơ sở nuôi thủy sản quy mô trang trại áp dụng quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP và các quy trình tương đương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất con giống (giống chất lượng cao, giống đặc sản), sản xuất thức ăn thủy sản. Hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống, đảm bảo cung cấp giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không mang mầm bệnh. Khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng con giống đã qua kiểm dịch, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở sản xuất, đại lý cung ứng giống uy tín; lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, giai đoạn nuôi; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi thủy sản. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong nuôi thuỷ sản thâm canh, siêu thâm canh. Hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất kháng sinh trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản tại các vùng nuôi trọng điểm; phân công cán bộ phụ trách bám sát địa bàn và tiếp nhận những phản ánh về môi trường, dịch bệnh để kịp thời hướng dẫn người nuôi các biện pháp khắc phục. Khi phát hiện các đối tượng nuôi chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y để phối hợp kiểm tra xác minh bệnh. Nếu xác định là bệnh thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch thì triển khai ngay các biện pháp chống dịch khẩn cấp, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng, đồng thời tiến hành quy trình công bố dịch theo quy định. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, cải tạo ao đầm trước khi thả giống; xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi; cải tạo hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu lây lan dịch bệnh; quản lý, xử lý tốt chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là từ những ao nuôi có bệnh./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com