Để công nghiệp phát triển thành ngành kinh tế chủ lực

08:03, 04/03/2021

Nhằm đưa công nghiệp phát triển tương xứng vị thế ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách Nhà nước, từ nhiều năm nay tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, nhất là từ khi có Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng xây dựng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiệm vụ này tiếp tục được đặt ra trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Một góc Khu công nghiệp Bảo Minh. Ảnh: Viết Dư

Một góc Khu công nghiệp Bảo Minh.

Ảnh: Viết Dư

I. Những kết quả nền tảng

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Kế hoạch 71/KH-UBND ngày 26-8-2018 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ trọng tâm đưa công nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực bao gồm: Thực hiện điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp trên địa bàn phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế của tỉnh; tổ chức thực hiện tốt định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên khuyến khích phát triển các ngành có thế mạnh, có tiềm năng; từng bước phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp cho các lĩnh vực dệt sợi, may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm, máy nông nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp. Đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-TTCN (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân từ 13-14%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phấn đấu công tác thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 đạt 3 tỷ USD vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) và trên 30 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư trong nước.

Các quy hoạch lớn đã được tỉnh chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung Khu kinh tế Ninh Cơ vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam; bổ sung quy hoạch KCN Hồng Tiến và mở rộng KCN Bảo Minh. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nam Định là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cao nhất toàn quốc; các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 của tỉnh đều tăng bậc so với năm 2018. Các ngành công nghiệp có thế mạnh (dệt may, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí); phát triển công nghiệp theo các vùng kinh tế (khu vực thành phố Nam Định, vùng kinh tế biển, vùng sản xuất nông nghiệp) đều có chuyển biến tích cực. Công nghiệp dệt may giữ vững vị thế cái nôi của ngành dệt may cả nước. Ngành công nghiệp chế biến nông sản được thúc đẩy phát triển theo hướng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào sản xuất để gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Thị Tố Nga cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được 28 chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đối với các ngành có lợi thế, các ngành, các địa phương cũng bước đầu đạt kết quả trong đồng hành thúc đẩy phát triển công nghiệp theo vùng và theo các cụm liên kết ngành. Trong đó, tại KCN Dệt may Rạng Đông từng bước thiết lập và tạo khung phát triển vùng sản xuất công nghiệp dệt may; tại các huyện có lợi thế về sản xuất nông nghiệp đều đã thúc đẩy liên kết vùng và phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Nhóm ngành công nghiệp cơ khí đã phát triển thành các cụm liên kết ngành quy mô làng nghề, liên làng nghề tại các huyện. Như ở huyện Xuân Trường chuyên sản xuất các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; huyện Nam Trực chuyên sản xuất các chi tiết thiết bị, phụ tùng xe, máy đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng; các làng nghề đúc của huyện Ý Yên phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ (tượng, tranh, đồ thờ).

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hết năm 2020 chiếu theo Kế hoạch 71, nhiều chỉ tiêu đề ra đã hoàn thành vượt mức. Các ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá cao như: Ngành cơ khí chế tạo, điện, điện tử tăng bình quân 16,7%/năm và chiếm 23%; ngành dệt may, da giày tăng bình quân 13%/năm và chiếm 49% giá trị sản xuất công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có sự chuyển dịch tích cực, chiếm 82,1% cơ cấu kinh tế của tỉnh (vượt 35,1%); tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm 2015-2020 ước đạt 13,7%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã thu hút được 506 dự án đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng vốn (trong đó có 116 dự án đầu tư FDI và 390 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 3,5 tỷ USD (FDI) và trên 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng cao so với mục tiêu đề ra.

II. Cần giải pháp quyết liệt

Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, sản xuất công nghiệp của tỉnh chưa thực sự thay đổi cơ bản theo hướng năng suất, chất lượng và bền vững. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao; chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp tỉnh là tỷ lệ nội địa hóa của các ngành sản xuất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Ngay cả các ngành có thế mạnh của tỉnh như dệt may, chế tạo cơ khí, điện tử vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, và thị trường tiêu thụ nước ngoài khiến sản xuất bị động, chi phí cao, dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước. Một số ngành chủ đạo đã được quan tâm tổ chức theo mô hình liên kết chuỗi giá trị nhưng các ngành công nghiệp (nhất là cơ khí, điện tử) phần lớn vẫn chỉ tham gia được ở các khâu có giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động chậm cải thiện. Công tác phân bố không gian công nghiệp do mới bước đầu thiết lập nên chưa khai thác được tốt lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương. Phát triển công nghiệp vùng kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc thu hút xây dựng, phát triển công nghiệp ở thành phố Nam Định tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Công tác cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư tuy đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng việc tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương chưa thực sự triệt để, kết quả chưa cao. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá hình ảnh của tỉnh còn hạn chế. Công tác quy hoạch chưa bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, còn thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch; quỹ đất để phục vụ cho công tác xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án có vốn lớn, công nghệ cao và các nhà đầu tư ở tầm chiến lược còn hạn chế. Tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát quy hoạch, bàn phương án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thúy Vi

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát quy hoạch, bàn phương án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: Thúy Vi

Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 số 01-Ctr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển công nghiệp bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục triển khai đầu tư, tiến độ thi công các khu, CCN theo quy hoạch tạo hạ tầng đồng bộ cung ứng cho các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là các KCN Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận, diện tích 163ha; mở rộng KCN Bảo Minh, diện tích 50ha; triển khai KCN - đô thị - dịch vụ Hồng Tiến khoảng 150ha và tháo gỡ vướng mắc, đưa vào hoạt động KCN Mỹ Trung diện tích 150ha... Hoàn thiện nhanh hạ tầng các CCN mới thành lập và mở rộng các CCN. Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch (phát triển kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất CN-TTCN; quy hoạch phát triển các ngành có liên quan và quy hoạch vùng huyện) để hình thành rõ nét định hướng phát triển công nghiệp ở từng vùng; thúc đẩy phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp theo hướng ổn định, lâu dài, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xây dựng cơ chế đặc thù của tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các vùng kinh tế động lực của tỉnh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, xóa bỏ mọi rào cản, bất bình đẳng trong tiếp cận tài chính, tín dụng của các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Xúc tiến thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các Tập đoàn lớn trong nước như: Vingroup, Sungroup, FLC…

Đối với các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh như dệt may, chế biến nông sản, sản xuất cơ khí, điện tử tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo cơ hội cải thiện tốc độ tăng trưởng. Mặt khác, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp nội tỉnh với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tạo cụm liên kết ngành đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu... Từng bước hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh ta nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về sản xuất công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2045 tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại./.

 Thanh Thúy

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com