Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản thực phẩm địa phương

05:03, 03/03/2021

Tại hầu hết các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại giới thiệu nông sản địa phương, khách hàng các nơi về dự đều ưa chuộng nhóm sản phẩm “gạo, mắm, muối” của tỉnh ta. Ðể có được sức cạnh tranh này với hàng nghìn sản phẩm cùng loại trên thị trường, các nhà sản xuất địa phương đã dành thời gian nghiên cứu, chăm chút làm nổi bật đặc trưng riêng biệt vừa mang giá trị truyền thống vừa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại. Ðó không chỉ là trăn trở, tâm huyết mà còn là bí quyết riêng biệt mà của những người làm nên thương hiệu cho sản phẩm.

Sản xuất nước mắm truyền thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở chế biến của anh Trần Văn Phúc, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh).
Sản xuất nước mắm truyền thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở chế biến của anh Trần Văn Phúc, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh).

Lúa gạo là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh. Ðể cạnh tranh Công ty TNHH Toản Xuân đã nghiên cứu phân tích những hạn chế của phương thức sản xuất cũ, ứng dụng công nghệ hiện đại, xử lý sau thu hoạch để đảm bảo hạt gạo giữ được dưỡng chất quý và độ thơm ngon tinh túy nhất tổ chức lại sản xuất lúa theo quy mô lớn với quy trình VietGAP. Hạt thóc được thu hoạch đồng loạt trong vòng 3 tiếng đưa vào sấy ở nhiệt độ 43-45oC liên tục 18 tiếng. Ðây là thời gian lý tưởng để giữ lại tất cả các loại vitamin và đảm bảo độ ngọt đậm của hạt gạo. Sau khi sấy xong, thóc được đưa vào các silo chứa theo từng khu vực sản xuất với độ ẩm dưới 15%. Tại nhà máy chế biến, gạo được theo dõi giám sát chặt chẽ về thời gian từ khi đóng gói tới lưu thông tiêu thụ, không sử dụng các hóa chất bảo quản nguyên liệu và thành phẩm. Trước khi sơ chế, thóc được làm sầy vỏ và giữ trong 24 tiếng để dinh dưỡng từ cám ngấm vào hạt gạo. Tất cả gạo khi đóng gói được chọn lọc từng hạt qua camera điện tử, loại bỏ những hạt lỗi không đủ tiêu chuẩn. Toản Xuân là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là đơn vị có chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo sạch an toàn với đặc trưng gạo thơm, dẻo, đậm, ngọt và có tính ổn định cao. Hiện tại, sản phẩm gạo sạch Toản Xuân có giá bán dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg, cao hơn giá nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 60-70% nhưng vẫn tiêu thụ tốt tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; trong đó có hơn 60 trường học tại các tỉnh, thành phố Nam Ðịnh, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình… với sản lượng 7.000 tấn/năm.

Là vùng sản xuất muối lớn nhất miền Bắc, các diêm dân kiên trì sản xuất theo phương pháp phơi cát truyền thống giúp hạt muối tỉnh ta trở thành “đặc sản” quý tự nhiên mà ít nơi nào trên thế giới có được bởi chứa đủ 4 vị đắng, chua, mặn, chát với gần 60 loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Ðể khai thác hết giá trị của hạt muối, Công ty CP Muối và Thương mại Nam Ðịnh dốc sức nghiên cứu thành công dòng sản phẩm muối gia vị với 4 mặt hàng chính là: Muối biển nhạt, bột canh nhạt, Epsom Royal và Epsom thảo dược. Ðặc điểm nổi bật của những sản phẩm này là có thể thay thế gia vị trong khẩu phần ăn hàng ngày; có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, ngăn lây nhiễm rất hiệu quả các loại bệnh cảm cúm, dị ứng, say nắng và bù chất điện giải, khôi phục sức khỏe cho người bị mất nước khi chơi thể thao hoặc lao động mệt nhọc. Ngoài ra sản phẩm muối Epsom thảo dược sản xuất từ nước biển tự nhiên kết hợp với nhiều loại dược liệu quý từ thiên nhiên giúp đặc trị các bệnh phong tê thấp, ra mồ hôi chân, tay; khử mùi hôi của chân; đau xương khớp; giảm thiểu mất ngủ và tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái. Nâng tầm hạt muối thô thành dược liệu phòng và điều trị bệnh, Công ty CP Muối và Thương mại Nam Ðịnh đã vinh dự được tham gia vào chương trình Quốc gia phòng chống bệnh huyết áp, tim mạch do Bộ Y tế chủ trì. Vươn xa hơn nữa, sản phẩm muối biển nhạt của Công ty đã được xuất khẩu phục vụ nhu cầu chế biến thực phẩm và làm đẹp của người dân Nhật Bản, Cộng hòa Séc. Bà Trần Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, là tác giả của các sản phẩm này cho biết: Sau hơn 40 năm gắn bó với hạt muối và gần 5 năm nghiên cứu, năm 2018 tôi đã chế biến thành công sản phẩm muối biển nhạt trên cơ sở sử dụng công nghệ tách natri, tăng ma-giê, ka-li, can-xi tự nhiên là những chất giúp cơ thể được cân bằng chuyển đổi, đào thải độc tố.

Tỉnh ta có 3 làng nghề sản xuất nước mắm nổi tiếng từ lâu đời là: Sa Châu (Giao Thủy), Ngọc Lâm (Nghĩa Hưng), Thịnh Long (Hải Hậu) cùng hàng trăm hộ sản xuất nhỏ ở các huyện ven biển. Sản phẩm có hàm lượng đạm, axit béo Omega 3 và protein cao nhưng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ bởi ngày càng có nhiều hãng nước mắm công nghiệp ra đời với mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh, giảm được mùi đặc trưng vốn nhiều người tiêu dùng hiện đại không ưa nước mắm truyền thống. Không để sản phẩm truyền thống bị mất thị trường, các chủ cơ sở sản xuất mắm đã nghiên cứu khắc phục “điểm yếu” ứng dụng công nghệ xử lý đảm bảo giữ nguyên dưỡng chất nhưng hạn chế mùi đặc trưng. Công ty CP Chế biến hải sản Nam Ðịnh bổ sung enzime tự nhiên nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy nguyên liệu chượp và loại bỏ đạm động vật gây mùi hôi trong quá trình sản xuất. Theo đó, sản phẩm đã đạt yêu cầu có mùi “nhẹ” hơn và màu sắc sáng đẹp hơn. Ngoài ra chất lượng nước mắm được nâng lên do giảm được 10-15% tổn thất đạm trong quá trình chế biến và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn do rút ngắn quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều hộ sản xuất nước mắm trong làng nghề còn dày công nghiên cứu tạo nét đặc trưng riêng cho sản phẩm của mình. Tại cơ sở chế biến nước mắm của anh Trần Văn Phúc, thị trấn Ninh Cường (Trực Ninh) ngoài việc lựa chọn nguyên liệu truyền thống, sử dụng muối biển “ngấu” (muối để lâu giảm bớt độ chát), anh Phúc đưa thêm kỹ thuật gài nén của Phan Thiết (Bình Thuận) và đánh đảo sản phẩm của làng nghề Cát Hải (Hải Phòng) vào quy trình sản xuất; xây nhà lưới để đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những cải tiến mang tính riêng biệt này đã giúp nước mắm truyền thống của tỉnh ta vượt qua thời kỳ khủng hoảng do nước mắm công nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Luôn tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, kết hợp khoa học giữa truyền thống và hiện đại là bí quyết giúp các sản phẩm truyền thống của tỉnh phát triển thêm tính đặc trưng, riêng biệt, phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Cách làm của các đơn vị trên không chỉ mang lại lợi ích cho riêng họ mà còn là những điển hình cần nhân rộng cho các doanh nghiệp chế biến nông sản trong xu hướng phát triển hiện nay./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com