Vận động người dân nông thôn chủ động sử dụng nước sạch

08:08, 14/08/2020

Đến thời điểm hiện nay, tại một số địa phương đã đầu tư công trình cấp nước sạch, vẫn còn không ít hộ dân thờ ơ, chưa tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch. Việc không sử dụng nước sạch ngoài việc không đảm bảo sức khỏe cho người dân còn gây khó cho các địa phương trong thực hiện mục tiêu hết năm 2020 có 95% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cấp nước Nam Định kiểm tra chất lượng nước trước khi cung ứng cho khách hàng.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cấp nước Nam Định kiểm tra chất lượng nước trước khi cung ứng cho khách hàng. 

Theo ông Triệu Viết Chuyển, xóm 5, xã Nam Hoa (Nam Trực), do còn một số hộ khó khăn về chi phí đầu tư đường ống dẫn nước vào nhà, một số hộ còn băn khoăn mức giá cấp nước giữa các nhà máy lân cận có sự chênh lệch, vì vậy đến nay nhiều hộ dân trong xã chưa tham gia sử dụng nước sạch dù Nhà máy nước sạch xã Nam Hoa đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Theo anh Phạm Văn Nam, Trạm trưởng Nhà máy nước Nam Hoa, để đảm bảo cung ứng nước đạt chuẩn cho khách hàng, nhà máy đã đầu tư nâng cấp sửa chữa tuyến đường ống cấp 1 và lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước đến tận ngõ xóm, đủ năng lực cung cấp nước cho toàn bộ nhân dân hai xã Nam Hoa, Nam Lợi. Việc người dân chưa tích cực tham gia sử dụng nước sạch khiến nhà máy mới chỉ đạt công suất cung ứng dịch vụ cho 3.000 hộ dân của hai xã, bằng 76% số hộ dân. Tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, ngoài nhóm hộ gia đình thì các cơ quan, đơn vị có số lượng người dùng nước nhiều như bệnh viện, trường học vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan mà chưa sử dụng nước sạch dù doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy cung ứng nước sạch. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến từ năm 2017 Công ty TNHH Mai Thanh đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân với tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng để cung ứng nước cho 11 xã của huyện Nghĩa Hưng (Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Phú, Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Nghĩa Thành, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc) nhưng đến nay tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại địa bàn nhà máy cung ứng rất thấp... Theo UBND tỉnh việc người dân một số vùng, địa phương còn giữ tập quán, thói quen sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh miễn phí như nước giếng khoan, nước mưa là một trong những nguyên nhân chính khiến các địa phương khó hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, kinh tế khó khăn chưa có đủ điều kiện kinh phí để sử dụng nước sạch trả phí. Một số nhà đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung lại quá chú trọng lợi ích kinh tế, khả năng thu hồi vốn nhanh sau đầu tư, chưa nỗ lực tìm giải pháp để tăng số hộ sử dụng nước; còn tình trạng cấp nước với mức phí thấp nên nguồn thu không đảm bảo các khoản chi phí duy tu khiến công trình bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước dẫn đến người dân chưa tin tưởng vào năng lực cấp nước sạch của công trình. Một số UBND xã, hợp tác xã quản lý công trình chưa xây dựng phương án giá bán nước trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định dẫn tới giá cấp nước của các đơn vị có sự chênh lệch; đặc biệt, một số địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt nâng cao tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch…

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương, các đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ người dân sử sụng nước sạch thấp tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ dân chưa tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch; tăng cường triển khai nhiều chương trình tập huấn, tuyên truyền tập trung ở các xã, thị trấn có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp. Trong đó chú trọng phân tích lợi ích của việc sử dụng nước sạch; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch; khích lệ người dân cần coi trọng việc đảm bảo sức khỏe của mình là ưu tiên hàng đầu phải thực hiện, từ đó tích cực tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Ngoài công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường hướng dẫn các xã, hợp tác xã xây dựng Đề án giá bán nước sạch trình UBND tỉnh phê duyệt theo hướng thiết lập chỉ tiêu về chất lượng nước và mức giá bán nước sạch chung trên toàn tỉnh. Các sở, ngành liên quan, các địa phương cũng tăng cường chỉ đạo, giám sát các doanh nghiệp, đơn vị tham gia cấp nước đều chủ động duy tu, bảo dưỡng, quản lý, sử dụng hiệu quả công trình cấp nước tập trung; thực hiện nghiêm quy định cung cấp nước vệ sinh, an toàn để thiết lập, giữ vững cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, giúp người dân tin tưởng, tích cực tham gia sử dụng nước sạch. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tập trung xây dựng phương án tìm các nguồn kinh phí hỗ trợ thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch, chú trọng hỗ trợ các hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách như hộ nghèo, hộ già cả, độc thân, hộ khó khăn về kinh tế; vận động các doanh nghiệp cung cấp nước sạch trên địa bàn có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về giá nước cho các hộ gia đình, cá nhân khó khăn. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng siết chặt quản lý hoạt động khai thác nước ngầm, đối với tất cả các tổ chức, cá nhân theo tinh thần Nghị định 167/2018/NĐ-CP ngày 26-12-2018 của Chính phủ (chỉ cấp quyền khai thác nước ngầm cho doanh nghiệp, tổ chức khi chưa có đơn vị cấp nước mặt; ưu tiên khai thác nước ngầm cho hoạt động cấp nước sinh hoạt) nhằm tránh làm cạn kiệt nhanh nguồn tài nguyên nước ngầm, đồng thời thúc đẩy các hộ dân tham gia sử dụng nước sạch đảm bảo an toàn vệ sinh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com