Hiệu quả từ các trang trại nuôi thủy sản

08:08, 13/08/2020

Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, qua đó mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển bền vững. 

Anh Phạm Ngọc Yên, xã Hải Long (Hải Hậu) chăm sóc đàn cá.  Bài và ảnh: Thanh Hoa
Anh Phạm Ngọc Yên, xã Hải Long (Hải Hậu) chăm sóc đàn cá.

Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng trang trại, gia trại, thời gian qua, Sở NN và PTNT đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo chuyển đổi diện tích làm muối và diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nhằm khai thác lợi thế về đất đai; tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động sản xuất có hiệu quả, hạn chế rủi ro. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 300 trang trại nuôi thủy sản đạt các tiêu chí của Bộ NN và PTNT, phát triển mạnh ở các xã ven biển như: Bạch Long, Giao Thiện (Giao Thủy), Nam Điền, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Hải Triều, Hải Chính (Hải Hậu). Bên cạnh những trang trại nuôi thủy sản trên, tỉnh cũng có hàng trăm trang trại tổng hợp của người dân các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Trực Ninh... có hiệu quả kinh tế cao. Sự phát triển mạnh mẽ của các trang trại nuôi thủy sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về các sản phẩm hàng hóa thủy sản có số lượng lớn và bảo đảm chất lượng. Nhờ tập trung nguồn vốn đầu tư và áp dụng các máy móc thiết bị, tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, kinh tế trang trại thủy sản có hiệu quả hơn nhiều so với trồng lúa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng cho sản lượng từ 15-20 tấn/ha/năm. Tổng số lượng bình quân con giống các trang trại sản xuất được khoảng 10 tỷ con. Bên cạnh đó, các trang trại cũng vừa kết hợp sử dụng nguồn lao động gia đình (trang trại gia đình) và lao động hợp tác (trang trại của 2 hay nhiều hộ gia đình) với thuê thêm lao động theo thời vụ hoặc quanh năm đã mở rộng và thúc đẩy sản xuất phát triển. Các chủ trang trại phần lớn là những người có ý chí làm giàu lành mạnh, chịu khó tìm tòi học hỏi, tiếp thu cái mới. Trang trại tổng hợp của anh Phạm Ngọc Yên, xã Hải Long (Hải Hậu) hiện có 3 ao nuôi cá nước ngọt truyền thống kết hợp nuôi khoảng 500 con ngan, gần 700 con vịt siêu trứng. Trên bờ, anh còn trồng các loại cây ăn quả như ổi, táo... Mỗi năm anh thu lãi trên 1 tỷ đồng. Anh cho biết: “Để đạt được thành công như ngày hôm nay, tôi thường xuyên đi thăm các mô hình trang trại, gia trại của bạn bè trên địa bàn huyện cũng như một số huyện, tỉnh lân cận để có thêm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực học hỏi áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Với sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên trang trại tổng hợp của tôi phát triển rất tốt”. Trang trại sản xuất giống hải sản Đức Thùy, xã Bạch Long (Giao Thủy) là một trong nhiều trang trại sản xuất giống thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao của huyện. Với quy mô hơn 40 bể và khoảng 10 ao phục vụ sản xuất giống cá bống bớp, tôm sú, cua, ngao... mỗi năm trang trại thu lãi hàng tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay trang trại đã sản xuất khoảng 6 triệu con giống, đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường. Anh Trần Thanh Thùy, chủ trang trại cho biết: “Tôi luôn tìm hiểu và nắm chắc nhu cầu thực tế thị trường để sản xuất những con giống đảm bảo chất lượng, không vì chạy theo số lượng mà làm giảm chất lượng con giống”. Các trang trại thủy sản đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội như giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, tạo cơ hội cho nhiều hộ vươn lên làm giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ven biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những trang trại thủy sản hoạt động hiệu quả vẫn còn những trang trại hình thành tự phát, hoạt động với quy mô nhỏ, manh mún nên việc bố trí sản xuất không khoa học. Có trang trại nuôi tôm chưa có ao chứa lắng, ao xử lý nước thải nên việc đầu tư nuôi thâm canh công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để phát triển kinh tế trang trại nuôi trồng thủy sản, thời gian tới, các cơ quan chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện việc cải tiến thủ tục, đẩy mạnh việc cho thuê, chuyển nhượng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các chủ trang trại yên tâm sản xuất và thuận lợi trong việc vay vốn đầu tư. Tổ chức nhiều hội nghị khách hàng để các chủ trang trại có điều kiện tiếp cận với các doanh nghiệp chế biến thủy sản tạo mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa, rớt giá”. Có chính sách thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản để hình thành nên các cơ sở sản xuất thủy sản tập trung. Khuyến khích và tạo điều kiện cho những người có vốn và có kinh nghiệm quản lý đầu tư góp vốn hình thành các trang trại thủy sản. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất ở các trang trại nuôi thủy sản; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh, hình thức hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các chủ trang trại qua đó thúc đẩy kinh tế trang trại thủy sản phát triển, ngày càng mang lại hiệu quả cao./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com