Hải Hậu chủ động phòng, chống thiên tai

08:08, 13/08/2020

Là một trong các địa phương trọng điểm phòng chống thiên tai (PCTT) của cả nước do có hệ thống đê biển lớn, những năm qua, huyện Hải Hậu xác định công tác PCTT là một trong các nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt với phương châm “Chủ động phòng, tích cực chống” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân.

Thi công tuyến đê biển Thịnh Long (Hải Hậu).
Thi công tuyến đê biển Thịnh Long (Hải Hậu).

Trước mùa mưa bão, cùng với chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp huyện Hải Hậu tổ chức tổng kiểm tra hệ thống đê, kè, các công trình dưới đê để đánh giá cụ thể thực trạng năng lực PCTT của các công trình; xây dựng phương án hộ đê toàn tuyến, phương án ứng phó siêu bão; phương án bảo vệ các trọng điểm; phương án sơ tán dân ở tất cả các xã, thị trấn ven đê; giao án phận đê và giao chỉ tiêu vật tư dự trữ PCTT cho các xã, thị trấn. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, các phương án tổ chức thực hiện công tác PCTT và TKCN; tổ chức thực hiện phương án khoán quản lý, giải tỏa vật cản đảm bảo dòng chảy và vệ sinh môi trường; lập danh sách các phương tiện, lực lượng tham gia khai thác thuỷ hải sản trên biển, nhất là đối với các phương tiện khai thác xa bờ. Để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, Hải Hậu đã tập trung xây dựng lực lượng xung kích cơ sở đảm bảo đủ số lượng, chất lượng. Đến nay, huyện đã thành lập 34 đội xung kích PCTT ở 34 xã, thị trấn thường trực tại các trọng điểm. Trong đó, xã có đê biển, đê sông 110 người; xã nội đồng 70 người phục vụ công tác PCTT, ứng cứu giờ đầu của địa phương. Lực lượng này đã tham mưu xây dựng các phương án, kế hoạch PCTT; hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra; kiểm tra, kịp thời phát hiện và báo cáo các sự cố về đê điều trên các tuyến đê sông, đê biển… Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên tiến hành kiểm kê số vật tư dự trữ trong kho, có biện pháp tổ chức thay thế, bổ sung vật tư dự trữ cho đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, tập kết về đúng vị trí và thời gian quy định. Hiện tại, vật tư dự trữ của tỉnh tập kết tại các trọng điểm của Hải Hậu gồm gần 5.000m3 đá hộc, hơn 51 nghìn m2 bạt chống tràn, 176.800 bao tải, 1.008 rọ thép; 3.815 bao zăm bô, hơn 13 nghìn m2 vải lọc, trên 3.200 cấu kiện bê tông đúc sẵn. Các xã, thị trấn cũng chuẩn bị hơn 114 nghìn bao tải, 163 nghìn cọc tre; mỗi xã, thị trấn huy động từ 2-4 xe vận tải dự phòng sẵn sàng chở vật tư hộ đê khi có tình huống xảy ra. Thịnh Long là thị trấn ven biển có tuyến đê biển dài 11,188km và 1,8km đường kè bãi du lịch. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp kè mái biển, bê tông hóa 7km mặt đê và 1,8km kè du lịch nhưng đặc thù là vùng biển lở, tuyến kè du lịch có cao trình mặt kè +3m nên vào triều cường thường xuyên tràn vào khu nhà nghỉ bên trong dọc tuyến đê. Nguy cơ vỡ đê tràn nước biển vào làng khi có bão to, triều cường là rất cao. Đồng chí Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Thị trấn chủ động bố trí nguồn nhân lực “4 tại chỗ” với biên chế 50 lao động là thanh niên mạnh khỏe thường trực tại thị trấn và 460 lao động thường trực tại các địa điểm, các cung tuyến đã được phân công để kịp thời huy động khi có bão. Về phương tiện và vật tư, thị trấn huy động 15 ô tô chở vật tư đất đá hộ đê, 5 ô tô khách chở dân sơ tán; 7.880 cọc tre, 5.720 chiếc bao tải, 950m3 đất tại các vị trí đã quy định; đồng thời dự trữ 2.500kg gạo, 1.500 gói mì tôm, 100 lít nước mắm, 60kg cá khô phục vụ cho công tác PCTT và TKCN. Thị trấn cũng xây dựng kế hoạch triệt để sơ tán dân vào xã Hải Châu khi có bão gió to, triều cường; Ban chỉ huy PCTT, lực lượng xung kích, lực lượng hộ đê rút ở các điểm thường trực về các nhà cao tầng và các trường học tại thị trấn nhằm chủ động ứng phó với các tình huống, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Cuối tháng 5 vừa qua, huyện Hải Hậu đã tổ chức diễn tập PCTT và TKCN tại xã Hải Hòa, yêu cầu các xã, thị trấn, đặc biệt là các xã, thị trấn ven biển, ven sông nâng cao tinh thần quyết tâm chống chọi với thiên tai, thực hiện tư tưởng chỉ đạo “3 trước” (Chủ động phát hiện phòng, chống, xử lý trước; lực lượng, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước; phương án chuẩn bị trước) và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Chiều 2-8, bão số 2 (bão Sinlaku) đã đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Thanh Hóa gây ảnh hưởng đến tỉnh ta. Trước tình hình trên, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cập nhật thường xuyên những diễn biến mới nhất của bão số 2 trên các phương tiện truyền thông để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống. Phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh, Đồn Biên phòng Văn Lý khẩn trương kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn. Thực hiện các phương án bảo vệ, chống úng cho lúa, rau màu và các ao, đầm nuôi trồng thủy sản. Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở; tháo dỡ biển quảng cáo; cắt tỉa cành cây để hạn chế gẫy, đổ. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chủ động về vật tư dự trữ để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Bão số 2 kết hợp với triều cường đã làm sạt lở một số đoạn đê, kè thuộc tuyến đê biển với tổng diện tích các hố sạt 135,2m2; tổng chiều dài mặt bê tông tường chắn sóng bị hỏng 47,2m. Ngay sau bão, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý kịp thời giờ đầu các hố sạt trên. Nhờ chủ động PCTT, trên địa bàn huyện không xảy ra thiệt hại nào đáng kể về người và tài sản.

Để đảm bảo an toàn các công trình đê điều phục vụ công tác PCTT huyện Hải Hậu đề nghị UBND tỉnh quan tâm huy động, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống kè mỏ khu vực kè Cồn Tròn, kè mỏ và thềm cơ giảm sóng khu vực kè Hải Thịnh 2 và kè Hải Thịnh 3; xây dựng các cống mới thay thế 6 cống thủy sản trên bờ hữu sông Sò không đảm bảo yêu cầu PCTT; nâng cấp tuyến đê bối Đồng Gò, xã Hải Minh; tiếp tục thi công công trình đường cứu hộ Hải Chính, Hải Lý, Hải Lộc./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com