Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Trực Ninh đẩy mạnh giải ngân cho sản xuất, kinh doanh

08:08, 13/08/2020

Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách của huyện Trực Ninh đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Gia đình anh Trần Văn Toản, xóm 11 Việt Tiến, xã Trực Tuấn tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng từ nghề sản xuất giỏ hoa mỹ nghệ.
Gia đình anh Trần Văn Toản, xóm 11 Việt Tiến, xã Trực Tuấn tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng từ nghề sản xuất giỏ hoa mỹ nghệ.

Tính đến ngày 4-8-2020, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Trực Ninh đạt 300 tỷ 398 triệu đồng với 11.756 khách hàng đang vay vốn. Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng đến nay, hầu hết các chương trình tín dụng của chi nhánh đều cơ bản đạt kế hoạch giải ngân đề ra như: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 120 tỷ 650 triệu đồng (99%); cho vay hộ cận nghèo đạt 92 tỷ 477 triệu đồng (100%); cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 45 tỷ 828 triệu đồng (99%)… Tỷ lệ nợ quá hạn luôn được giữ ở mức thấp, chỉ chiếm 0,07% tổng dư nợ. Để đạt được kết quả trên, Chi nhánh đã luôn xác định công tác huy động vốn là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên được triển khai sớm ngay từ đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đến 4-8-2020 của Chi nhánh đạt 57 tỷ 38 triệu đồng; trong đó, huy động tiền gửi từ khu dân cư đạt 38 tỷ 889 triệu đồng (99,42%) và huy động tiền gửi qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 15 tỷ 358 triệu đồng (85,96%). Đồng chí Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện cho biết: “7 tháng đầu năm 2020, Chi nhánh đã bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách; đặc biệt là Chỉ thị số 40-CT/TW tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị CSXH huyện phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm đối với tín dụng chính sách, quan tâm bố trí, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của tỉnh, huyện sang cho Ngân hàng CSXH huyện”. Mặt khác, tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương, Chi nhánh đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ các tổ chức, cá nhân, từ tiết kiệm dân cư, kể cả từ nguồn tiền tiết kiệm của chính hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện tại, Chi nhánh đang đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình trên địa bàn. Chi nhánh cam kết sẽ chủ động cân đối nguồn vốn được giao kết hợp với nguồn vốn đối ứng của địa phương để phân bổ vốn hợp lý, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân. 

Được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, tạo điều kiện về thủ tục, gia đình anh Trần Văn Toản ở xóm 11 Việt Tiến, xã Trực Tuấn đã vay 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển nghề thủ công sản xuất giỏ hoa, lẵng cắm hoa. Hiện tại, xưởng của anh bình quân mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm các loại với đủ mọi kích cỡ từ những chiếc lẵng nhỏ xinh cắm hoa để bàn đến lẵng, kệ hoa to dùng trong các dịp đại lễ, khai trương, các sự kiện hội nghị lớn. Chất liệu sản xuất giỏ, lẵng hoa khá đa dạng đáp ứng đầy đủ thị hiếu khách hàng như: sắt phủ sơn tĩnh điện, gỗ, tre nứa, mây, cói, sợi nhựa giả mây… Ngoài ra, xưởng của anh còn có các sản phẩm khác như hộp đựng giấy ăn, giỏ đựng hoa quả, lẵng trang trí đồ cưới hỏi, giỏ quà tết. Anh Toản cho biết: “Do dịch COVID-19 nên sản xuất của gia đình anh bị ảnh hưởng, lượng hàng tồn kho nhiều trong khi đó vẫn phải duy trì sản xuất đều đặn nên gia đình gặp khó khăn về vốn nguyên liệu. Nhờ nguồn vốn tín dụng kịp thời của ngân hàng, gia đình đã giải quyết được bài toán về nguyên liệu, đảm bảo việc làm ổn định cho lao động”. Hiện tại, xưởng sản xuất của gia đình anh Toản tạo việc làm ổn định cho hơn 70 lao động địa phương và hàng trăm lao động tại các xã, thị trấn khác như: Trực Đạo, Liêm Hải, thị trấn Cát Thành với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Cũng từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh, anh Trần Văn Tương ở tổ dân phố Phú Thọ, thị trấn Cát Thành đã được vay 96 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để phát triển xưởng cơ khí dân dụng của gia đình. Với số vốn được vay, gia đình anh đã có thể đầu tư máy hàn, cắt, ép, tự động hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm cửa cuốn, cửa, cầu thang, mái tôn kẽm, nhôm, kính. Nhờ vậy, đơn đặt hàng của xưởng ngày càng nhiều đem lại doanh thu gần 100 triệu đồng/tháng cho gia đình.  

Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh tập trung đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác, ủy nhiệm, tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu nợ quá hạn. Ngoài ra, Chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hoạt động tín dụng và thông tin kịp thời về các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, đối tượng chính sách khác; triển khai kiểm tra, giám sát toàn diện việc sử dụng vốn theo kế hoạch. Tổ chức tốt công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong mạng lưới, đồng thời phát động các phong trào thi đua nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2020./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com