Xôn xao chợ cá Giao Hải

05:08, 14/08/2020

Giao Hải là một trong 5 xã thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy), có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi. Chính vì vậy khai thác hải sản là thế mạnh của người dân nơi đây.

Người dân mua bán hải sản tại chợ cá Giao Hải (Giao Thủy).
Người dân mua bán hải sản tại chợ cá Giao Hải (Giao Thủy).

Trước kia, ngư dân các xã Giao Hải, Giao Long... đánh bắt hải sản về thường phải mang đến các chợ xung quanh để tiêu thụ. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, số phương tiện đánh bắt nhiều thêm, lượng hải sản khai thác mỗi ngày cũng tăng lên với đa dạng sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Chợ cá Giao Hải được hình thành nhằm tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của trên 1.000 tàu thuyền ngư dân các xã Giao Nhân, Giao Hải, Giao Long và các huyện lân cận. Chợ cá Giao Hải không chỉ thuần túy là nơi buôn bán hải sản mà còn mang nét đặc sắc của phiên chợ vùng biển. 3 giờ 30 sáng, chúng tôi đi xe máy từ thành phố Nam Định về chợ cá Giao Hải. Đúng 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt trên đê biển. Lúc này trên đê đã có hàng trăm xe máy xếp thành dãy dài và các loại xe tải nhỏ nằm chờ lấy hàng. Hừng đông mới chớm, từ trên đê nhìn xuống, thấp thoáng những chiếc thuyền chở tôm cá trở về sau một đêm dài hành trình. Những ngư dân lao động vất vả tranh thủ ngủ một giấc lấy lại sức, để lại hải sản đánh bắt được cho nguời thân mang lên chợ tiêu thụ. Những tàu cá nhỏ sẽ vào sát bờ, tàu lớn hơn phải đậu bên ngoài vùng nước êm, rồi chuyển hải sản bằng thuyền nhỏ vào bờ. Những gánh cá nặng trĩu là dấu hiệu cho một ngày bội thu. Ánh sáng từ những chiếc đèn pin nhỏ giúp những người dân phân loại hải sản. Chợ không có chỗ ngồi, những người mua bán đứng ngay tại bãi cát để trao đổi mua bán. Nhiều tiểu thương chờ đợi từ khi những chuyến tàu còn chưa cập bến. Họ ngồi tận mép nước để có thể chọn mua được những mẻ cá tươi ngon nhất khi chuyển từ tàu vào bờ. Cảnh mua bán diễn ra rất chóng vánh. Ai cũng muốn tranh thủ thời gian để giữ cho tôm, cá được tươi ngon đến nơi tiêu thụ. Những mẻ cá, ghẹ, bề bề, mực… được bán sang tay rất nhanh. Hải sản vừa xuống bờ đã được đặt lên cân rồi được đưa vào các thùng xốp có chứa đá để tỏa đi các chợ. 6h sáng, chợ cá thưa dần và vắng bóng người. Mặt trời đã lên cao hơn, bóng người, bóng tàu thuyền như đổ xuống mặt biển, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Cứ như thế, mỗi phiên họp, chợ cá Giao Hải lại nhộn nhịp, tấp nập những người mua, kẻ bán, tấp nập những chuyến hải sản trở về. Đến chợ, cảm nhận thật rõ nhịp sống của người dân nơi đây. Khoảng 4 giờ chiều chợ cá lại họp phiên thứ 2 trong ngày. Các ngư dân cho biết: Những con tàu mỗi chuyến đi biển khoảng 12 tiếng, trừ 2 tiếng đi - về, còn 10 tiếng khai thác hải sản chi phí hết khoảng 3-3,5 triệu đồng/chuyến. Vì đánh gần bờ, thời gian ngắn nên lượng hải sản khai thác được chỉ bán được khoảng 6-7 triệu đồng/chuyến, trừ những ngày vào mùa mực, mùa sứa thì lượng đánh bắt được nhiều hơn. Đánh bắt hải sản cũng như đi câu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ, nhưng ngư dân vẫn một lòng “thủy chung” với nghề biển, dù có thắng, có thua. Anh Trần Tiến Dũng, xã Giao Hải, chủ tàu cá có công suất 200CV cho biết: “Trong năm có lẽ tôi đánh bắt thắng lợi nhất là vào mùa mực. Mùa mực thường bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 7 dương lịch. Trong thời điểm đó, trung bình mỗi tháng tàu cá của tôi thu lãi được khoảng 100 triệu đồng. Chợ cá Giao Hải là nơi tạo việc làm và công việc ổn định cho hàng trăm ngư dân, giúp chúng tôi yên tâm, phấn khởi sau mỗi chuyến vươn khơi vất vả. Nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, được ăn học đầy đủ cũng từ phiên chợ này”.

Được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các cấp, hiện nay tuyến đê biển xã Giao Hải đã được chú trọng, được kè bê tông kiên cố cả ở phía biển và trong đồng, mặt đê được cứng hóa toàn bộ; hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được chú trọng tu sửa, nâng cấp thuận tiện cho việc lưu thông. Người dân nơi đây cũng ý thức được việc thường xuyên tham gia làm sạch biển, dọn rác thải và giữ gìn môi trường cảnh quan sau mỗi phiên chợ. Để từ đó chợ cá Giao Hải đã trở thành nét đặc trưng riêng có của vùng quê biển Giao Thủy./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com