Công nghiệp Thành phố Nam Định tăng trưởng ổn định

09:03, 17/03/2015

Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố Nam Định ước đạt 2.995,19 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng 24,53% (bằng 588 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2013; giá trị xuất khẩu ước đạt 150 tỷ đồng (cao hơn năm 2013 là 35 tỷ đồng), chủ yếu là các doanh nghiệp ngành dệt may, sản xuất thuốc và hóa dược.

Thành phố Nam Định hiện có tổng số 2.046 doanh nghiệp thuộc 24 nhóm ngành đang hoạt động; trong đó năm 2014 có 196 doanh nghiệp thành lập mới. 4 nhóm ngành nghề công nghiệp chính, chiếm tỷ trọng lớn như: dệt may, cơ khí - điện; nhựa - hóa chất; chế biến thực phẩm - đồ uống đều giữ vững được tốc độ tăng trưởng và có bước phát triển ổn định so với cùng kỳ năm trước. Mức lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp của thành phố được nâng lên mức 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Để đạt kết quả trên, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau thời kỳ suy giảm, các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phát triển CN-TTCN.

Sản xuất tại Cty CP Dây lưới thép Nam Định.
Sản xuất tại Cty CP Dây lưới thép Nam Định.

Ở nhóm ngành dệt may (chiếm tỷ trọng trên 44%), nhiều Cty như: CP May Nam Hà, CP May Sông Hồng, CP Dệt may Sơn Nam… đã chủ động đầu tư hệ thống thiết bị sản xuất hiện đại, áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo và thực hiện nhiều biện pháp thu hút, giữ chân nguồn lao động chất lượng cao. Nhờ đó, các doanh nghiệp ngành dệt may không chỉ vững vàng ở vị trí chủ lực, chủ đạo mà còn giữ vững và mở rộng được thị trường xuất khẩu sang các nước: Mỹ, EU, Nhật Bản…, đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước. Cùng với dệt may, nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí - điện, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến thực phẩm - đồ uống như các Cty: CP Dây lưới thép Nam Định, CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định, CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào, CP Dược phẩm Nam Hà… cũng đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan trong năm 2014. Là một trong 7 doanh nghiệp đóng tàu được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đóng tàu vỏ sắt hỗ trợ ngư dân bám biển (theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ), năm 2014 Cty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào đã từng bước phục hồi và phát triển sản xuất với tổng doanh thu đạt trên 273,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động được nâng lên mức trên 6,8 triệu đồng/người/tháng. Cty CP Dược phẩm Nam Hà đã phát triển thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm với 5 dây chuyền, sản xuất được 236 sản phẩm, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành trên toàn quốc. Năm 2014, Cty CP Dược phẩm Nam Hà đạt doanh thu 676,4 tỷ đồng. Bên cạnh các doanh nghiệp nêu trên, các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong CCN An Xá cũng có bước phát triển và tăng trưởng ổn định. Đến hết năm 2014, CCN An Xá đã thu hút được 62 doanh nghiệp đầu tư với tổng số 66 dự án. Hiện có 56 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút trên 3.500 lao động với mức lương bình quân được nâng lên gần 3,6 triệu đồng/người/tháng (cao hơn cùng kỳ năm trước xấp xỉ 600 nghìn đồng/người/tháng); 5 doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng. Năm 2014, tổng doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại CCN An Xá  đạt 1.957,5 tỷ đồng (tăng hơn 342,2 tỷ đồng so với năm 2013). Để có được kết quả đó, Trung tâm Phát triển CCN An Xá đã thường xuyên bám sát, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục, hồ sơ, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, Thành phố Nam Định, tư vấn tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong CCN An Xá đã nỗ lực khắc phục hạn chế, cải tiến trang thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh, kiến thức quản lý, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm… Với nỗ lực tổng thể của các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2014, nhiều doanh nghiệp của CCN An Xá đã đạt tốc độ tăng trưởng cao như: Cty TNHH Thương mại Phúc Thái đạt tổng doanh thu trên 300 tỷ đồng, cao hơn năm 2013 trên 30 tỷ đồng; Cty TNHH Thắng Lợi đạt tổng doanh thu 180 tỷ đồng, cao hơn năm 2013 trên 55 tỷ đồng; Cty TNHH Hòa Phát đạt tổng doanh thu trên 90 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 70 tỷ đồng; Cty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Phúc Thanh đạt tổng doanh thu 237 tỷ đồng; Cty TNHH Sợi dệt Hợp Thành đạt tổng doanh thu 120 tỷ đồng; Cty TNHH Đức Hiếu (100 tỷ đồng); Cty TNHH Thương mại VIC (94,1 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, trong năm 2014, công nghiệp Thành phố Nam Định vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: 108 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 236 doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh; trình độ năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ sản xuất, đội ngũ lao động (nhất là nguồn lao động chất lượng cao)… của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến tình trạng sức cạnh tranh của sản phẩm thấp, thị trường hạn hẹp… Để giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo của công nghiệp trên địa bàn thành phố, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 24%, năm 2015 Thành phố Nam Định tập trung thực hiện các biện pháp như: Từng bước chuyển dịch sang phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; tập trung phát triển các ngành công nghiệp động lực như cơ khí chế tạo, điện tử và các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao; tiếp tục tạo điều kiện phát triển công nghiệp dân doanh, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời xây dựng các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, trình độ cao về công nghệ, thiết bị và quản lý. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp dân doanh, sản xuất các sản phẩm truyền thống, làm vệ tinh cho các cơ sở sản xuất lớn, đồng thời chuyển hướng sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, có chất lượng cao và xuất khẩu. Đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp vào các khu, CCN tập trung để góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội cho sự phát triển công nghiệp như nhà ở, an ninh trật tự, thương mại dịch vụ… Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp chung, quy hoạch phát triển các ngành và sản phẩm cụ thể theo hướng phát huy tiềm năng, nội lực và bảo đảm hiệu quả. Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về: đổi mới công nghệ thiết bị, ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thị trường, đào tạo đội ngũ doanh nhân và lao động kỹ thuật, củng cố các tổ chức hiệp hội sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com