Phát triển nghề mộc mỹ nghệ ở Hải Anh

09:03, 13/03/2015

Nằm trên vùng đất cổ Quần Anh xưa, giáp với các địa phương có nghề mộc mỹ nghệ phát triển mạnh như các xã Hải Trung, Hải Minh nên từ nhiều năm trước, xã Hải Anh (Hải Hậu) cũng có nghề mộc phát triển. Khác với nhiều làng nghề mộc mỹ nghệ chỉ tập trung sản xuất chuyên sâu từng công đoạn, nghề mộc ở xã Hải Anh được các nghệ nhân, thợ cả hoàn thiện tất cả các công đoạn từ nguyên liệu đến thành phẩm như: xẻ, chạm khắc, khảm (khảm ốc, khảm trai, ghép đá), gia công (lắp ráp, sơn thiếp vàng, bạc)… Sản phẩm cũng đa dạng hơn, từ các loại đồ thờ trong các công trình tôn giáo, tín ngưỡng (đền, chùa, nhà thờ) đến các loại sản phẩm gia dụng (bàn ghế, giường, tủ), tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu… Với tài hoa và kinh nghiệm lâu năm, ngoài yêu cầu về kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm…, người thợ xã Hải Anh còn am hiểu lịch sử, văn hoá đặc trưng của các triều đại, từng vùng miền gắn với mỗi sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm mộc mỹ nghệ Hải Anh không chỉ cung ứng cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội tỉnh mà đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, nghề mộc mỹ nghệ ở xã Hải Anh chưa phát triển xứng với tiềm năng, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, khối lượng sản phẩm phân tán manh mún.

Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Hoàng Văn Đoàn, làng nghề Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở của anh Hoàng Văn Đoàn, làng nghề Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).

“Cú hích” quan trọng tạo đà cho nghề mộc mỹ nghệ ở Hải Anh phát triển là chương trình xây dựng NTM và chủ trương mỗi xã, thị trấn phát triển ít nhất một làng nghề. Xã Hải Anh đã rà soát, khảo sát xây dựng kế hoạch phát triển 2 làng nghề mộc mỹ nghệ ở các xóm Đông Hữu, Phồn Thịnh với định hướng phát triển nghề mộc mỹ nghệ theo đúng tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Với sự hỗ trợ tích cực của UBND huyện và các phòng chức năng như: Công thương, TN và MT…, phương án phát triển làng nghề của xã đã được nhân dân ủng hộ và bầu ra Ban điều hành làng nghề trực tiếp thực hiện nhiệm vụ định hướng, hỗ trợ các cơ sở, hộ sản xuất trong làng nghề phát triển thị trường... Để góp phần hỗ trợ các hộ trong làng nghề mở rộng sản xuất, xã đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện hạ tầng nguồn điện đảm bảo cung ứng đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất. Hiện tại trên địa bàn xã có 10 trạm biến áp, công suất từ 250-450kVA/trạm. Hệ thống hạ tầng giao thông như đường, cầu được tu sửa, làm mới theo các tiêu chí xây dựng NTM và thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa. Hiện tại, trên 30km từ trục đường chính đến các dong ngõ đã được bê tông hóa rộng rãi với tổng kinh phí trên 10,7 tỷ đồng (ngân sách xã hỗ trợ 30 nghìn đồng/m; còn lại do nhân dân đóng góp). Ngoài ra, để tạo mặt bằng khang trang, thuận tiện cho các hộ sản xuất trưng bày sản phẩm, xã đã đầu tư trên 1,4 tỷ đồng xây mới 2 dãy cửa hàng tại khu vực chợ Lương. Bên cạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, xã Hải Anh còn chú trọng sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình khuyến công, Đề án 1956 hỗ trợ dạy nghề, truyền nghề cho người lao động. Xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các hộ sản xuất tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi mở rộng sản xuất, kinh doanh. Được sự quan tâm hỗ trợ của xã, anh Hoàng Văn Đoàn đã mạnh dạn đấu thầu trên 400m2 đất tại khu vực chợ Lương để xây dựng khu trưng bày sản phẩm và quy hoạch lại hệ thống nhà xưởng, mua sắm thêm các loại máy móc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, cơ sở của anh chuyên sản xuất các loại sản phẩm mộc mỹ nghệ theo phong cách cổ, tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ trên 5m3 gỗ nguyên liệu, sản phẩm không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn được một số khách hàng người Trung Quốc sang tận nơi đặt hàng. Cơ sở của anh Đỗ Văn Luyến, làng nghề Đông Hữu hiện có trên 70 lao động, mỗi năm, cơ sở của anh tiêu thụ trên 200m3 gỗ chuyên sản xuất các sản phẩm nội thất trong chùa, đền, nhà thờ và các mặt hàng mộc mỹ nghệ như: bàn ghế, tủ chè, tủ kinh, sập gụ, hoành phi, câu đối… theo lối cổ giả cổ được chạm, khảm tinh vi, trang trí họa tiết tinh xảo như: ngũ phúc, sĩ, nông, công, thương, tứ bình, tứ quý, vinh quy bái tổ... Bên cạnh đó, cơ sở của anh Luyến còn chủ động các công đoạn sơn son, thếp vàng, bạc cho các sản phẩm; đặc biệt các công đoạn sản xuất chính như: vẽ mẫu, đục, đẽo, chạm, khắc, đánh bóng, phun sơn, thếp vàng, bạc đều được làm thủ công. Nhờ đó, uy tín của cơ sở ngày càng được khẳng định, được khách hàng trong tỉnh, trong nước tín nhiệm đặt hàng với khối lượng lớn. Không chỉ thế, cơ sở của anh còn đảm nhiệm hoàn toàn phần đồ gỗ nội thất của nhiều công trình lớn, đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ như công trình tòa thờ xứ Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) cao gần 16m, rộng 9,7m trị giá hợp đồng gần 2 tỷ đồng… Hai làng nghề mộc truyền thống của xã đã tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động với tổng số 213 hộ sản xuất, bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm 2014, 2 làng nghề của xã đã được UBND huyện Hải Hậu ra quyết định công nhận đủ tiêu chí làng nghề.

Phát triển thành công 2 làng nghề mộc mỹ nghệ đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Hải Anh. Năm 2014, nghề mộc mỹ nghệ của 2 làng nghề Đông Hữu, Phồn Thịnh đã góp phần nâng bình quân thu nhập đầu người của xã lên trên 29,7 triệu đồng/năm. Năm 2015, để tiếp tục phát triển các làng nghề, xã Hải Anh có chủ trương quy hoạch xây dựng khu sản xuất tập trung, tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển thêm các sản phẩm mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com