Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

03:03, 14/03/2015

Nhằm tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, cung cấp sản phẩm đảm bảo VSATTP cho tiêu dùng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, ngay từ đầu năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tiêm phòng vắc-xin vụ xuân 2015 tại xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Tiêm phòng vắc-xin vụ xuân 2015 tại xã Liêm Hải (Trực Ninh).

Công tác tuyên truyền, tập huấn được các cấp, các ngành thực hiện sâu, rộng bằng nhiều hình thức như đưa tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh xã về: kỹ thuật chăn nuôi; quy trình thực hành chăn nuôi tốt; các quy định, biện pháp phòng, chống dịch; cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước… để người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, từ đó tự giác thực hiện. Sở NN và PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho người chăn nuôi, người sản xuất, kinh doanh con giống, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, người vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trong tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và VSATTP. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch cho lực lượng thú y cơ sở, Ban nông nghiệp xã, cán bộ thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể, lực lượng an ninh xã. UBND các xã, thị trấn đã giao trưởng thôn, xóm chịu trách nhiệm thống kê tổng đàn, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận các hộ chăn nuôi, thực hiện báo cáo ngay khi phát hiện dịch; quản lý chặt chẽ người hành nghề thú y trên địa bàn, tạo điều kiện và khuyến khích họ tích cực tham gia giám sát, phát hiện, báo cáo khi có dịch xảy ra, tham gia tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thành phố; các cán bộ tăng cường bám sát cơ sở nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo hằng tuần, hằng tháng và đột xuất từ xã, phường, thị trấn về Trạm Thú y huyện và Chi cục Thú y tỉnh. Trong tháng 2-2015, Chi cục Thú y tỉnh lấy 150 mẫu huyết thanh, 150 mẫu dịch mũi lợn, 150 mẫu swab gộp gia cầm tại 30 hộ chăn nuôi thuộc 3 huyện Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản để giám sát bệnh cúm trên lợn, gia cầm. Kết quả tất cả các mẫu kiểm tra trên đều âm tính. Cùng với công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý dịch bệnh, công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Chi cục Thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương có lễ hội tăng cường kiểm tra việc nhập trâu, bò, kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh thú y tại các điểm giết mổ trâu bò. Bên cạnh đó, Chi cục đã thành lập đội kiểm dịch lưu động tăng cường ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm dịch vận chuyển 8.018 con lợn thịt, 1.290 con lợn sữa, 90.630 con gia cầm giống, 29.380 con vịt thịt, 72.582 con gà thịt, gần 1,3 triệu quả trứng gia cầm và 21.965kg thịt đông lạnh. Trong vụ xuân năm nay, UBND tỉnh đã phát động Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng từ ngày 1 đến 31-1-2015 để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan nhằm bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Các xã, thị trấn đã tổ chức phát quang cây cỏ xung quanh khu vực chăn nuôi, khơi thông cống rãnh. Thường xuyên quét dọn vệ sinh thu gom phân, rác thải, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn; tổ chức các đội phun thuốc sát trùng ở các khu vực chăn nuôi hộ gia đình; các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, các chợ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, thu gom chất thải, rác thải. Kết quả, tổng số hóa chất các huyện đã sử dụng là 7.134 lít thuốc sát trùng, trong đó số lượng cấp phát hỗ trợ là 6.834 lít, dân tự mua 300 lít thuốc sát trùng. Nhiều địa phương tại các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Xuân Trường, Trực Ninh đã thuê máy phun động cơ để phun tiêu độc khử trùng tại các khu vực công cộng. Các địa phương và các hộ nông dân đã mua 86,7 tấn vôi bột để rắc ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi. Nhìn chung các địa phương đã cơ bản thực hiện tốt đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đợt tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh đã nhập 258 nghìn liều vắc-xin dịch tả lợn; 30 nghìn liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò, dê; 30 nghìn liều vắc-xin bệnh dại; 15 nghìn liều tụ huyết trùng lợn để phát cho các địa phương. Các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, dụng cụ và đã bắt đầu tổ chức tiêm phòng. Hiện các huyện, thành phố đang chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tiêm phòng đảm bảo hoàn thành nhanh gọn, đồng loạt, đúng thời gian, đúng kỹ thuật, đạt tỷ lệ cao để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin.

Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, độ ẩm không khí cao làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, đồng thời là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tồn tại, phát triển; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trước và sau Tết Nguyên đán tăng mạnh là điều kiện để mầm bệnh phát tán, lây lan. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố và các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1257/CT-BNN-TY ngày 2-2-2015 của Bộ NN và PTNT về việc tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi-rút cúm gia cầm lây sang người; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28-1-2015 của UBND tỉnh về phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản năm 2015. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật VSATTP, tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch…; hướng dẫn người dân không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường; không sử dụng tiết canh và sản phẩm gia súc, gia cầm mắc bệnh làm thực phẩm. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, nhất là lực lượng trưởng thôn, xóm, mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, tập trung vào những khu vực có ổ dịch cũ, khu vực tổ chức lễ hội; vận động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát dịch; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó dập dịch ngay khi có dịch xảy ra, không để dịch lây lan ra diện rộng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm nhất là việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; các địa phương khi có dự án hỗ trợ con giống cho người chăn nuôi, trước khi đưa con giống về phải thông báo cho cơ quan thú y để phối hợp kiểm soát dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại; con giống nhập vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ vùng an toàn dịch; chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi; khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền hoặc trưởng thú y xã. Do thực hiện sớm và đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên đến nay, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đang được đảm bảo an toàn dịch bệnh và phát triển ổn định./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com