Nét mới trong sản xuất vụ xuân năm 2015

08:03, 16/03/2015

Bước vào vụ xuân năm nay, tỉnh ta có nhiều điều kiện thuận lợi: Phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm đẩy mạnh thông qua các chương trình, đề án và cơ chế, chính sách hỗ trợ. Nhiều nội dung của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2014-2020 được Bộ NN và PTNT và tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai. Đồng ruộng đã được dồn đổi, chỉnh trang; nhiều công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất và phòng, chống thiên tai. Nhiều tiến bộ kỹ thuật và mô hình mới có hiệu quả trong trồng trọt đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất giúp người nông dân có nhiều lựa chọn để áp dụng vào sản xuất. Qua nhiều vụ sản xuất gặp khó khăn, ngành NN và PTNT, các địa phương và các hộ nông dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất.

Nông dân xã Giao Châu (Giao Thủy) cấy lúa vụ xuân 2015.
Nông dân xã Giao Châu (Giao Thủy) cấy lúa vụ xuân 2015.

Căn cứ hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đã xây dựng cơ cấu giống phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Nhiều huyện đã chủ động tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp và các xã, HTX để thông báo cơ cấu giống, lịch thời vụ và bàn các giải pháp cung ứng giống lúa. Các doanh nghiệp đã tích cực tổ chức nhiều hình thức cung ứng giống lúa thông qua dịch vụ HTXNN và các cửa hàng, đại lý nên đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu giống lúa của tỉnh. Do làm tốt thủy lợi nội đồng và các khâu chuẩn bị, cùng với lịch xả nước phù hợp nên việc lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2015 khá thuận lợi. Đến ngày 22-2 đã cơ bản lấy đủ nước đổ ải cho 100% diện tích. Các Cty KTCTTL đã tổ chức lấy nước theo đúng kế hoạch, thực hiện tốt quy trình vận hành hệ thống, không để xảy ra sự cố; thực hiện tốt việc khoanh vùng, điều tiết nước và tạo đủ nguồn cho các vùng khó khăn; úng, hạn chỉ xảy ra cục bộ ở một vài nơi. Riêng huyện Trực Ninh và một số xã của huyện Xuân Trường đã bỏ lấy nước đợt xả hồ thủy điện lần 1 để cày đất và phơi ải cho những diện tích cày muộn. Từ kinh nghiệm và hiệu quả sử dụng phân hỗn hợp NPK ở các vụ trước, vụ xuân năm nay hầu hết các hộ nông dân đã sử dụng phân hỗn hợp NPK để bón lót. Ước tính có trên 85% số hộ dân trong toàn tỉnh đã sử dụng khoảng 35 nghìn tấn phân hỗn hợp NPK để thay thế cho phân đơn. Phần lớn diện tích cấy lúa được các hộ nông dân bón đủ phân lót theo quy trình hướng dẫn, tuy nhiên vẫn có một số diện tích cấy trước Tết do lo ngại còn có rét hại sau cấy nên các hộ nông dân không bón lót. Thời tiết thời kỳ gieo mạ và cấy lúa diễn biến thuận lợi, mạ xuân sinh trưởng tốt; tiến độ cấy và sạ ở các địa phương nhanh. Từ ngày 7-2 một số xã của huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên bắt đầu cấy và sạ lúa; đến hết ngày 17-2 (29 Tết) toàn tỉnh đã cấy và sạ được 24.400ha, đạt 32% diện tích. Ngay sau Tết, thời tiết ấm, mạ đã đủ tuổi nên các địa phương tập trung cấy nhanh. Đến ngày 27-2, đã cấy được 62.050ha, đạt 82% diện tích, trong đó huyện Nghĩa Hưng đã cấy xong cơ bản, các huyện: Vụ Bản, Xuân Trường, Hải Hậu cấy được trên 90% diện tích. Đến hết ngày 4-3, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành cấy lúa xuân. Các địa phương đã xây dựng được 137 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa với diện tích đạt 6.490ha. Nhờ tiết kiệm được giống, giảm công lao động nặng nhọc, tăng năng suất, hiệu quả tăng 15-20% so với cấy lúa truyền thống nên trong vụ xuân năm nay, các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ, nâng tổng diện tích gieo sạ lên 20.130ha (27% diện tích), tăng 4.300ha so với vụ xuân 2014. Các huyện có nhiều diện tích lúa gieo sạ là Nam Trực 4.500ha (53,6%), Vụ Bản 3.680ha (44%), Nghĩa Hưng 3.000ha (28%)… Nhiều xã gieo sạ trên 90% diện tích, điển hình là: Hải Thanh, Hải Quang, Hải Lộc (Hải Hậu); Nghĩa Thịnh, Nghĩa Minh, Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); Tân Thịnh, Nam Mỹ, Đồng Sơn, Nam Thắng, Nam Tiến (Nam Trực); Vĩnh Hào (Vụ Bản); Yên Trung, Yên Thành (Ý Yên)… Cơ bản các diện tích lúa xuân được cấy với mật độ phù hợp: lúa lai đạt từ 30-35 khóm/m2, lúa thuần đạt từ 35-42 khóm/m2. Cơ cấu giống ước thực hiện là lúa lai 16.905ha, chiếm 22% diện tích, đạt 69% kế hoạch; các huyện trước đây cấy nhiều lúa lai, tỷ lệ trên 40% diện tích như: Giao Thủy, Trực Ninh, Nam Trực năm nay chỉ đạt 20-29% diện tích. Lúa thuần 58.895ha, chiếm 78% diện tích, đặc biệt giống lúa Bắc thơm số 7 có chất lượng gạo ngon nhất trong nhóm lúa tẻ cấy trong vụ xuân, có giá trị cao hơn thóc tẻ thường và thị trường tiêu thụ rộng… được ngành NN và PTNT hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến, bón phân cân đối, hạn chế sâu bệnh, chống đổ ngã… đã được các địa phương mở rộng diện tích lên tới 43.365ha, chiếm 57% diện tích, tăng 13% so với vụ xuân 2014. Do chuẩn bị đồng ruộng tốt, chất lượng mạ khá và thời tiết diễn biến khá thuận lợi nên lúa sau cấy nhanh bén rễ, hồi xanh; những diện tích cấy trước Tết Nguyên đán đã bắt đầu đẻ nhánh; những diện tích gieo trước tết cây lúa đã đạt 4-5 lá, diện tích sạ sau tết cây lúa đã đạt từ 2-3 lá. Đến nay, các địa phương đã tiến hành chăm sóc đợt 1 cho gần 30 nghìn ha lúa, đạt 38% diện tích gieo cấy. Về cây màu vụ xuân, các địa phương tổ chức gieo trồng rau màu từ cuối tháng 1, đến nay diện tích đã gieo trồng là 12.080ha, đạt 83% kế hoạch, trong đó có 5.505ha lạc, 1.300ha ngô, còn lại là các cây rau màu khác. Từ sau trồng đến nay thời tiết diễn biến khá thuận lợi nên các cây rau màu sinh trưởng khá, những diện tích lạc trồng sớm đang phân cành cấp 1. Nét mới trong sản xuất vụ xuân năm nay là tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa từ khâu: làm đất - gieo cấy - chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh - thu hoạch để từng bước nhân rộng vào sản xuất đại trà. Việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian thực hiện các khâu, giải quyết được sự thiếu hụt lao động thời vụ nhằm đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là xu hướng phát triển tất yếu, tạo bước đi hiệu quả trong xây dựng NTM. Trong vụ xuân năm 2015, hệ thống khuyến nông triển khai xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn giống và phân bón mới để lựa chọn, áp dụng nhanh vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững. Ngoài mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất lúa giống và cây vụ đông của Cty TNHH Cường Tân, hiện nay ở một số địa phương đang phát triển mạnh các mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa với quy mô từ 3ha/hộ như: Xuân Trường 19 hộ 115ha, Ý Yên 5 hộ 30ha…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nền nhiệt độ các tháng 3, 4, 5 có khả năng ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-10C, vì vậy sẽ thuận lợi cho sinh trưởng của cây lúa nhưng có thể làm cho lúa xuân rút ngắn sinh trưởng, đẻ nhánh ít và trỗ bông cuối tháng 4; đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh và lây lan nhanh. Từ việc nhận định tình hình và xu thế diễn biến của thời tiết, sâu bệnh, dịch hại; để đảm bảo giành vụ xuân 2015 thắng lợi, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên đảm bảo mực nước nông cho ruộng lúa từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, không để ruộng hạn dễ dẫn tới bệnh nghẹt rễ. Các Cty KTCTTL tổ chức khoanh vùng và điều tiết nước hợp lý cho từng vùng trong hệ thống; bơm nước tạo đủ nguồn cho các hộ nông dân đầu tát ở những vùng cao, vùng cuối kênh. Các HTX và hộ nông dân phải sử dụng nước tiết kiệm, tiếp tục tu bổ bờ vùng, bờ thửa, không để rò rỉ lãng phí nước. Tổ chức chăm sóc kịp thời cho lúa, màu; cần thực hiện “bón phân tập trung, cân đối, nặng đầu - nhẹ cuối”. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tổ chức tốt các điểm tình báo sâu bệnh; dự tính, dự báo, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, không để lây lan trên diện rộng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com