Những "dịch vụ" đắt hàng sau Tết

03:03, 14/03/2015

Sau Tết, một số nghề có tính thời vụ như rửa xe máy, thu gom “xác” đào quất, chăm sóc đào, quất thuê, các dịch vụ phục vụ việc cúng lễ như viết sớ, đổi tiền lẻ ở các đền chùa… đều có cơ hội “hốt bạc”.

Khác với những ngày trước Tết, thời tiết sau Tết thường nồm ẩm và kéo theo mưa xuân dai dẳng. Vì thế, đây cũng là dịp nhiều cửa hàng rửa xe máy, ô tô có thể “hái ra tiền”. Một loạt cửa hàng chuyên rửa xe máy, ô tô trên các tuyến phố như Mạc Thị Bưởi, Hàng Thao, Thái Bình, Máy Tơ… luôn đông khách. Hầu hết các chủ cửa hàng đều phải “tăng cường” thêm thợ để phục vụ nhu cầu rửa xe cho khách. Anh Nguyễn Quân, một thợ rửa xe trên phố Máy Tơ cho biết: “Trước và sau Tết là dịp chúng tôi bận rộn nhất trong năm. So với ngày thường, lượng xe đến rửa có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba. Có những ngày chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống”. Anh Quân nhẩm tính, với giá rửa xe máy 15-20 nghìn đồng/chiếc, ô tô 30 nghìn đồng/chiếc, trước và sau Tết, cửa hàng của anh có thể thu về tiền triệu mỗi ngày. Lời anh Quân nói được chúng tôi kiểm chứng bằng thực tế. Chỉ trong thời gian 15 phút ngồi tại cửa hàng, anh Quân tiếp nhận 2 chiếc ô tô, 5 xe máy đến rửa. Với mức giá rửa xe như trên, số tiền triệu anh thu mỗi ngày hoàn toàn có cơ sở. Anh Quân còn cho biết thêm, dịp Tết vừa qua, cửa hàng của anh đã rửa tổng cộng khoảng 600-700 chiếc xe các loại. Doanh thu của cửa hàng, theo đó, ước tính lên khoảng 20 triệu đồng.

Bày bán đồ lễ tại Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Trần (TP Nam Định).
Bày bán đồ lễ tại Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Trần (TP Nam Định).

Mấy năm trở lại đây, sau Tết, dân trồng cây cảnh ở các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực thường vào phố thu gom “xác” các loại cây cảnh như đào, quất mang về vườn nhà trồng lại. Từ sau Tết đến ngoài rằm tháng Giêng, ngày nào chị Trương Thị Hoa, xã Nam Phong (TP Nam Định) cũng vào phố đi thu lượm, xin gốc đào, quất về trồng hoặc bán lại cho các chủ nhà vườn khác trong làng, ngoài xã. Chị Hoa kể: “Sau kỳ nghỉ Tết là vợ chồng tôi lại rong ruổi xe máy kéo vào phố để nhặt nhạnh, xin hoặc mua lại những gốc đào, quất đẹp mang về trồng trong vườn. Ước tính sơ sơ, từ hết Tết đến nay, vợ chồng tôi đã “gom” được ngót 60 cây quất, 30 gốc đào. Với số cây này, nếu chăm sóc tốt, đúng cách, mùa sang năm chúng tôi lại có tiền triệu để bán, đỡ thời gian trồng, chăm bẵm cây mới”. Chị Hoa hỉ hả: “Cũng chẳng phải đi đâu xa, tôi cứ tìm kiếm ở những xe rác hoặc chỗ tập kết rác thải là được ối cây đẹp. Vì chỉ có cây đẹp mới bán được. Hôm nào may, có chủ nhà còn gọi vào cho cây. Có những gốc đào, quất rất đẹp, trước Tết phải có giá lên đến tiền triệu cũng bị… quẳng ra đường khi hết Tết. Chịu khó nhặt nhạnh, những cây này hứa hẹn “tương lai” cho vụ sau”. Bên cạnh việc thu gom “xác” đào, quất, dân các làng nghề cây cảnh hiện có thêm dịch vụ nhận chăm sóc thuê đào, quất đẹp cho nhiều gia chủ muốn “lưu” cây để chơi vào mùa sau. “Sau Tết, một số gia chủ trong phố muốn giữ những cây đào thế, cây quất tiền triệu mà họ ưng ý, không phải mất thời gian chọn mua cây mới mà vẫn có cây đẹp để trưng trong nhà khi Tết đến. Tuy nhiên, do thiếu không gian, lại ít kinh nghiệm, thời gian chăm sóc, vì thế họ thường nhờ đến những người làm nghề như chúng tôi”, ông Trần Văn Hiển, chủ một nhà vườn xã Nam Mỹ, Nam Trực cho biết. Hiện, ông đang nhận chăm sóc 2 gốc đào rừng cho 2 gia đình quen trong phố. Những cây đào này, theo ông xứng đáng là “của quý” của vườn bởi độ tuổi, thế cây, lộc, hoa… đều rất đẹp. Chính vì được “thuê riêng” để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giữ dáng… cho cây nên ông Hiển phải lên “chế độ” tương đối đặc biệt. Ông tính toán cẩn thận các thời điểm tuốt lá cho đào sao cho hoa nở đúng dịp Tết, mang lại sự hài lòng cho các khách hàng. Sau 1 năm chăm sóc, nuôi nấng ông Hiển vui vẻ cho biết: “Trước Tết khoảng 20 ngày, gia chủ lại đón cây về nhà chơi Tết. Trước khi đưa cây đi, họ kiểm tra cẩn thận xem cây có bị sâu bệnh, thế cây được uốn tỉa công phu ra sao, hoa liệu có nở đúng vào tầm Tết hay không… Sau đó mới gửi tiền công cho tôi”. Thường thường, ông Hiển nhận được khoảng 1 đến 2 triệu đồng tiền công cho một năm “trông nom” cây, tùy thuộc vào giá trị từng cây khác nhau. Tuy nhiên, cũng theo ông, rủi ro cho nghề này không phải là không có, khi nhận cây về chăm, có khi cây rất khỏe mạnh. Nhưng trồng cây thì cơ bản phụ thuộc thời tiết. Nếu thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh đều ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Đặc biệt là những cây đào rừng, vốn là “khách lạ” trên chân đất của chúng tôi. Nếu không có những hiểu biết nhất định về đào, không phải là chỗ thân quen, nể nang khách, tôi không dám nhận trông hộ. Bởi chẳng may cây chết, số tiền mà tôi bỏ ra đền tương đối cao. Chưa kể, khách hàng cũng không hài lòng, mất chỗ làm ăn, ông Hiển phân tích. Ngoài các dịch vụ trên, sau Tết, một số dịch vụ như tìm người giúp việc nhà, trông trẻ… cũng trở nên đắt hàng hơn do tình trạng “nhảy việc”, nán lại ở quê lâu hơn của người giúp việc khiến các gia chủ… không kịp trở tay khi tìm người mới thay thế.

Bên cạnh các nghề dịch vụ kể trên, sau Tết, một số dịch vụ khác cũng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, người người, nhà nhà thường rủ nhau đi du xuân, hái lộc, cầu an tại các đền, chùa, để cầu một năm mới phúc, lộc, sức khỏe, gia quyến bình an… Những ngày đầu xuân, một số dịch vụ ăn theo việc cúng lễ do đó cũng có cơ hội làm ăn phát đạt. Ghi nhận của chúng tôi, giá vé gửi xe tại nhiều đền, chùa có xu hướng tăng, đối với xe máy dao động trong khoảng 5-15 nghìn đồng, phổ biến là 7-10 nghìn đồng. Các mặt hàng như bánh kẹo, hoa quả và đồ lễ như xôi, giò, hoa... trong các khu vực đền chùa cũng được bán với giá cao hơn khoảng 1,5 lần so với ngày thường. Thậm chí, các loại hoa quả, đồ uống phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách cũng có cơ hội… tăng giá. Tuy nhiên, với tâm lý cầu an, nhiều du khách vẫn chấp nhận các mức giá trên, vì chẳng ai muốn “cò kè”, so bì trước chốn linh thiêng. Cũng chẳng ai muốn vì hơn thiệt mà ảnh hưởng đến thành ý cầu an. Chính vì sự “xê xoa” đó đã tạo điều kiện cho một số dịch vụ trục lợi. Nếu viết một lá sớ vào các ngày rằm trong năm chỉ khoảng 5-10 nghìn đồng thì dịp Tết và sau Tết cũng có nơi tăng lên 15 nghìn đồng. Một người viết sớ vào ngày cao điểm có thể phục vụ vài chục đến hàng trăm lượt khách hàng. Bên cạnh việc giá sớ… tăng nhẹ vào dịp trước và sau Tết, việc xin và viết sớ hiện nay cũng còn nhiều điều đáng để bàn. Bởi, “chất lượng các lá sớ” chưa chắc đã được đảm bảo bởi những người… biết viết và viết đúng chữ (chưa nói đến viết đẹp) trên những lá sớ. Thực tế cho thấy, số lượng người biết chữ Nho hiện nay không nhiều, trong khi tại các đền chùa, ai đến xin sớ cũng được những người viết “cho chữ nhoay nhoáy”.

Người đi xin sớ không biết chữ đã đành, người viết lại không biết chắc chữ mình viết đã đúng chưa, cũng không có ai đứng ra kiểm chứng việc viết sai, đúng trong những lá sớ. Vậy có thể nói, tâm nguyện của người xin sớ có thể bị chính những người viết làm cho sai lệch? Các dịch vụ như đổi tiền lẻ cũng vào mùa làm ăn, với giá chênh lệch 10 “ăn” 8. Cứ 100 nghìn đồng tiền chẵn thì đổi được 80 nghìn đồng tiền lẻ. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP, nêu rõ, việc đổi tiền lẻ ở các đền, chùa, lễ hội nếu bị phát hiện có thể bị phạt từ 20-40 triệu đồng. Tuy nhiên, vì nhu cầu trục lợi, nhiều người vẫn công khai, ngang nhiên “rao”, chèo kéo du khách đổi tiền tại một số đền, chùa trong tỉnh. Đáng nói hơn, “tiếp tay” cho số người này lại chính là du khách, những người mang tâm lý “rải tiền”, đặt được tiền lễ càng nhiều càng tốt. “Phật tại tâm”, không phải cứ đặt lễ nhiều, lễ lớn là đã có lòng thành. Câu hỏi đặt ra nữa là, đã có nghị định cấm, vậy tại sao việc mua bán tiền lẻ vẫn diễn ra công khai tại các nơi trên. Vậy, vai trò của các cơ quan quản lý ở đâu? Làm thế nào để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên? Để giải quyết những điều đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và trên hết là ý thức của chính những người hành lễ du xuân.

Có thể nói, bên cạnh những mặt tiêu cực của một số dịch vụ mang tính chất trục lợi cá nhân, hầu hết các công việc trên đã trở thành mùa vụ làm ăn, kiếm tiền của nhiều người lao động chân chính. Với sự cần cù, nhanh nhạy, năng động… họ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường, mở ra những cơ hội làm ăn mới hiệu quả./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com