Tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi hiện nay

07:04, 19/04/2012

Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi như: Chương trình phát triển chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học trên đàn gia súc, gia cầm; chăn nuôi lợn siêu nạc theo phương pháp công nghiệp; cải tạo đàn lợn giống bố, mẹ chất lượng cao để có đàn con lai thương phẩm (có ít nhất 2-3 máu ngoại trở lên)  thay thế giống lợn cũ năng suất thấp… Tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các hộ dân phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại để tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường. Các địa phương, đặc biệt là các xã đang xây dựng nông thôn mới thực hiện dồn điền đổi thửa để quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung, tối thiểu mỗi xã có từ 3 trang trại và gia trại tập trung ngoài khu dân cư trở lên. Bằng những giải pháp đồng bộ, đến nay, toàn tỉnh đã có 73 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT và nhiều gia trại chăn nuôi. Năm 2011, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tỉnh đạt 115.030 tấn, tăng 6,9%; sản lượng thịt gia cầm đạt 14.511 tấn, tăng 8,04% so với cùng kỳ năm 2010, tạo việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động.

Nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP tại trang trại của ông Triệu Tuấn Sơn, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP tại trang trại của ông Triệu Tuấn Sơn, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).

Tuy nhiên trên thực tế, việc phát triển chăn nuôi của tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều khó khăn cần giải quyết như: Số lượng các trang trại, gia trại chăn nuôi còn ít, quy mô nhỏ và phát triển tự phát. Nhiều địa phương chưa quy hoạch được khu chăn nuôi riêng biệt nên ảnh hưởng đến môi trường, không đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người và vật nuôi. Mặt khác, năng lực quản lý, điều hành của các chủ trang trại còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các khâu trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm nên thường xuyên phải đối mặt với tình trạng giá cả vật tư tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, dịch bệnh…, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Năm 2011, dịch bệnh đã xuất hiện 2 lần trên đàn gia súc, gia cầm ở một số địa phương thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực. Thời điểm đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán thịt lợn thương phẩm tăng chậm, người chăn nuôi không có lãi nên nhiều hộ phải ngừng chăn nuôi. Theo quy luật cung - cầu, sau thời điểm xuống giá, các loại thịt gia súc, gia cầm lại tăng, người chăn nuôi có lãi từ 30-40% trong tổng giá trị đầu tư thì nhiều hộ dân lại trống chuồng. Các hộ nuôi lại ồ ạt khôi phục đàn vật nuôi, không tính toán và dự báo nhu cầu thị trường, đổ xô mua con giống để tái đàn, dẫn đến giá con giống tăng vọt. Vào thời điểm tháng 7-2011, giá lợn giống ngoại từ 1,9 đến 2 triệu đồng/con 7kg, con giống nội có giá 800 nghìn đồng/con 7kg; vịt, ngan giống có giá 18-20 nghìn đồng/con, gà lông màu 13-15 nghìn đồng/con… Toàn bộ nguyên liệu đầu vào, từ con giống, thức ăn đến thuốc thú y... đều tăng, nhưng người chăn nuôi vẫn chấp nhận với hy vọng bán sản phẩm được giá. Song trên thực tế, chỉ sau 2 tháng, khi thị trường bình ổn, giá sản phẩm trở về mức cân bằng thì người nuôi lại chịu thiệt đáng kể. Nhiều hộ nuôi còn bị tư thương ép cấp, ép giá. Chị Vũ Thị Hường, ở xóm Thanh Thủy, xã Yên Lợi (Ý Yên) cho biết, ngoài 5 con lợn nái sinh sản, gia đình chị thường nuôi khoảng 100 đến 150 con lợn thương phẩm/lứa. Mặc dù đã tuân thủ mọi quy trình trong chăn nuôi nhưng không thể không lo vì dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, hoặc khi lợn chuẩn bị xuất chuồng thì giá lợn hơi trên thị trường lại đột ngột xuống thấp vì thế không dám phát triển thêm số lượng lợn nái cũng như lợn thương phẩm. Ngay trong những ngày qua, khi thông tin thit lợn bị nhiễm chất tạo nạc, thì đàn lợn của gia đình chị và các hộ lân cận hầu như “đứng chuồng” mặc dù lợn đã đến kỳ xuất bán.

Để khắc phục những khó khăn cho người chăn nuôi hiện nay, các ngành chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ chất lượng giống và thức ăn chăn nuôi. Người chăn nuôi phải chủ động nâng cao năng lực tiếp cận và dự tính được yêu cầu của thị trường. Kinh nghiệm của các huyện Hải Hậu, Xuân Trường là thành lập câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi theo địa bàn thôn, làng hoặc xã nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi người nuôi và tạo mối liên kết trong quá trình nuôi, cung ứng thức ăn, thuốc thú y và tiêu thụ sản phẩm... CLB chăn nuôi lợn ngoại xã Xuân Kiên (Xuân Trường) đã thành công trong việc tổ chức cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và chịu trách nhiệm điều phối hoạt động tiêu thụ lợn thương phẩm cho hội viên. Ban chủ nhiệm CLB đã chủ động mời cán bộ thú y đến từng nhà hội viên để hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho lợn theo phương pháp khoa học, đồng thời tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm và đứng ra tín chấp giúp các hội viên vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH, Quỹ Tín dụng nhân dân. Ban chủ nhiệm CLB còn mời các chuyên gia kinh tế nông nghiệp về tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, cách thức hạch toán kinh doanh để bảo đảm cho việc chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Đến nay, CLB đã có hơn 40 hội viên có kỹ thuật cao, thành thục trong việc chăn nuôi và có đủ nguồn vốn hỗ trợ nhau mở rộng sản xuất. Đây là mô hình hoạt động hiệu quả cần được nhân rộng để các hộ chăn nuôi trong tỉnh học tập, áp dụng để giải quyết những khó khăn hiện nay trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, ngành NN và PTNT cần lồng ghép việc đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý kinh tế, hạch toán kinh doanh, biện pháp tiếp cận và dự báo nhu cầu thị trường cho các hộ chăn nuôi với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com