Nghĩa Hải tập trung phát triển ngành nghề

07:04, 18/04/2012

Xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) có trên 16 nghìn dân, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm 55% dân số. Trước đây, hầu hết diện tích đất canh tác trong xã chỉ độc canh cây lúa nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhiều người phải đi kiếm việc làm ở khắp mọi miền đất nước.

Cơ sở may Tiến Đạt, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.
Cơ sở may Tiến Đạt, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương.

Trước tình hình trên, những năm qua, Đảng uỷ xã đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế; trong đó, tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, cây trồng, tăng tỷ lệ các giống lúa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu vào sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp... Các hộ dân có nhu cầu phát triển kinh tế theo các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đều được xã tạo điều kiện về mặt bằng, vay vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các loại con giống, cây giống. Để tăng hiệu quả sản xuất, cả 3 HTX nông nghiệp: Nam Hải, Phú Thọ, Ngọc Lâm đều phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn nhằm giúp xã viên thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Các HTX tích cực thay thế những giống lúa kém chất lượng bằng những giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Cùng với cây lúa, những năm gần đây, các HTX mở rộng diện tích trồng cây vụ đông bằng những giống cây cho hiệu quả kinh tế cao như: bí xanh, cà chua và các loại rau. Nhờ đó, năm 2011, năng suất lúa bình quân của xã đạt gần 120 tạ/ha; giá trị canh tác đạt hơn 80 triệu đồng/ha/năm. Thời gian qua, nghề nuôi thủy sản của xã cũng phát triển mạnh với diện tích 202ha mặn lợ và 140ha nước ngọt, tập trung vào các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá bống bớp. Trên địa bàn xã hiện có hơn 170 hộ dân tham gia nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, hơn 200 hộ dân tham gia khai thác, đánh bắt thủy sản. Nhiều hộ trong xã mạnh dạn đầu tư nuôi cá: trắm cỏ, trôi Mrigan, rô phi đơn tính, chim trắng Trung Quốc, chép 3 máu cho hiệu quả cao gấp nhiều lần cấy lúa, mỗi năm cho thu nhập 400-500 triệu đồng như gia đình các anh: Lại Văn Quang, Phạm Văn Hiệp, Trần Văn Đức, Nguyễn Duy Viên… Năm 2011, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của xã đạt hơn 8.000 tấn, trong đó, nuôi trồng đạt gần 200 tấn.

Để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, xã chú trọng xây dựng phát triển các nghề sản xuất nấm, đan lưới, làm hương, may công nghiệp, mộc, thêu ren, đồng thời khuyến khích người ở độ tuổi lao động tham gia các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chủ động tự học nghề; có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông tới tận thôn, xóm, tạo thuận lợi cho các phương tiện cơ giới vào vận chuyển hàng hóa... Mô hình trồng nấm ở Nghĩa Hải bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, phù hợp với điều kiện địa phương vì tận dụng được nguồn rơm rạ sau thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho trên 100 lao động; mỗi năm thu nhập từ nghề sản xuất nấm đạt hàng tỷ đồng. Các nghề mới như may mặc, làm hương, đan lưới ngày càng phát triển ở địa phương góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Anh Trần Văn Hiển, xóm 2, Phú Thọ là chủ cơ sở may Tiến Đạt, tạo việc làm cho hơn 50 lao động với thu nhập từ 1,8 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình cán bộ, đảng viên trong xã đã tích cực tham gia, chuyển đổi sản xuất thành công, mở rộng ngành nghề, phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm…, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh của nhân dân, quan tâm chăm lo sự nghiệp văn hóa, giáo dục. Các trục đường giao thông liên xã, liên thôn, đường dong ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa. Đời sống nhân dân được nâng cao, 100% gia đình có điện, nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com