Hải Hậu dồn điền đổi thửa (tiếp theo và hết)

07:04, 18/04/2012

[links()]
II - Những bài học kinh nghiệm

Bài học lớn nhất tổ chức thành công nhiệm vụ DĐĐT của Hải Hậu là: Triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, từ trong Đảng đến chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội và đến tận người dân; phát huy tinh thần dân chủ, đề cao vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cấp trên kiểm tra đôn đốc, cùng cấp dưới bàn bạc tháo gỡ khó khăn và tạo sự đồng thuận cao. Nhiệm vụ DĐĐT là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, động chạm đến quyền lợi của tập thể và từng người nông dân, đặc biệt là trình độ dân trí của nông dân chưa cao, thích an phận thủ thường, không muốn xáo trộn… mặt khác, thực hiện DĐĐT phải đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội song vẫn phải ổn định và phát triển sản xuất nên vừa phải thận trọng,  vừa phải kiên quyết, tập trung cao độ để giải quyết dứt điểm. Do xác định DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, là nhằm tạo động lực, là chìa khóa cho xây dựng NTM nên Huyện ủy Hải Hậu đã xây dựng đề án và quyết định ban hành đề án DĐĐT của huyện giai đoạn 2010-2015 ngay từ cuối tháng 11-2010. Đề án đã khẳng định sự cần thiết phải DĐĐT và đề ra nội dung, phương thức tổ chức cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích DĐĐT. Trong kế hoạch thực hiện Đề án của UBND huyện đã quy định rõ những nhiệm vụ của cấp huyện, của BCĐ và từng thành viên BCĐ DĐĐT, các phòng, ban có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội; các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn; các cơ quan kết nghĩa với xã, thị trấn và cán bộ chuyên môn của các phòng. Với cấp xã, thị trấn phải tiến hành 4 bước triển khai; quy định rõ thời gian, phương pháp thực hiện và cơ chế chính sách cho việc DĐĐT. Trong các tháng 3 và 4-2011, Đảng ủy các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều xây dựng nghị quyết về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện DĐĐT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Từ nghị quyết của Đảng bộ, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch DĐĐT. Đồng thời nghị quyết của các chi bộ thôn và kế hoạch DĐĐT của thôn, đội cũng được hoạch định. Các cuộc họp của Đảng hay chính quyền hoặc các đoàn thể từ huyện đến cơ sở thôn, đội không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nghị quyết, kế hoạch của cấp trên mà tập trung bàn biện pháp chỉ đạo, triển khai; cách tổ chức, các giải pháp thực hiện; xây dựng các phương án sao cho phù hợp với điều kiện riêng ở địa phương… nhằm phát huy tối đa các thuận lợi và giảm thiểu những khó khăn, trở ngại, đồng thời lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để có cách giải quyết kịp thời, thấu đáo. Chính do làm tốt công tác tư tưởng, động viên cán bộ, đảng viên nên đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự đã phát huy được vai trò nòng cốt, gương mẫu, đi đầu và tích cực vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân đồng tình, đồng thuận. Đây chính là một trong những nhân tố quyết định góp phần tạo thành công công tác DĐĐT ở huyện Hải Hậu. Đồng chí Trần Đình Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ thực hiện DĐĐT xã Hải Trung cho biết: “Trong họp Đảng bộ, chúng tôi quy định tất cả những ý kiến, kiến nghị, thắc mắc của đảng viên đều trực tiếp gặp bí thư Đảng ủy để trao đổi. Có những đảng viên gặp tôi đến 3 lần mới hết băn khoăn, thắc mắc. Nhưng khi đứng trước nhân dân, các đảng viên đều thực sự gương mẫu, trách nhiệm cao và được quần chúng nể trọng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thông suốt về tư tưởng luôn đầu tàu gương mẫu, đoàn kết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động thì dù việc khó đến đâu đều có thể giải quyết được…”. Không chỉ có cán bộ, đảng viên ở Hải Trung gương mẫu đi đầu mà tất cả đảng viên của 35 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hải Hậu đều gương mẫu, thống nhất một ý chí cùng Đảng bộ, chi bộ, chính quyền lãnh đạo, tổ chức thành công nhiệm vụ DĐĐT của địa phương. Nhiều xã, thị trấn cán bộ, đảng viên còn xung phong phụ trách tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục từng hộ dân để tạo ra sự đồng thuận cao. Đồng chí Nguyễn Văn Tìm, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ thực hiện đề án DĐĐT huyện Hải Hậu luôn tâm niệm: “Các đồng chí huyện ủy viên phụ trách miền và các thành viên trong BCĐ thực sự lăn lộn với địa phương, luôn bám sát, nắm chắc và cùng với địa phương giải quyết những vướng mắc, báo cáo với huyện ủy, với BCĐ và tham mưu tích cực để đẩy nhanh tiến độ và quyết tâm hoàn thành dứt điểm DĐĐT ngay trong năm 2011…”. Chính do nắm chắc tình hình nên ngay từ đầu tháng 10-2011 khi một số xã, thị trấn tiến độ chậm hơn, mới đang họp nhân dân để thống nhất phương án DĐĐT… UBND huyện, BCĐ DĐĐT huyện đã có văn bản yêu cầu các địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án DĐĐT, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ DĐĐT ngay trong năm 2011 ở tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện và đã thành hiện thực.

Đường giao thông nội đồng của xã Hải Lộc sau DĐĐT.
Đường giao thông nội đồng của xã Hải Lộc sau DĐĐT.

Do xác định lấy cơ sở xóm, đội để DĐĐT, nêu cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ xóm nên ngoài việc tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy, xóm trưởng, đội trưởng một cách bài bản, thì việc triển khai các bước rất cụ thể, đơn giản, dễ làm vì đây chính là những người trực tiếp thực hiện việc DĐĐT. Vừa “cầm tay chỉ việc” để chính họ tự tin, vừa động viên sự vận dụng sáng tạo (có kiểm tra, có báo cáo trước) trong điều kiện cụ thể từng địa phương, đặc biệt là biết dựa vào những nông dân tích cực, các trưởng tộc, trưởng họ, các bậc cao niên có uy tín thông hiểu đường lối chính sách, tâm huyết với việc DĐĐT… để họ cùng giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Đồng thời phát huy cao độ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, phát huy tính xung kích của đoàn viên thanh niên, trách nhiệm của các hội viên, của các đoàn thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp, đồng tâm hiệp lực làm “thông” những cá nhân còn chần chừ, do dự và “bẩy” các phần tử chậm tiến thực hiện theo dòng chảy của dư luận xã hội. Đối với chi ủy, cán bộ thôn, đội ngoài sự gương mẫu, đi đầu phải không ngại va chạm, kiên trì, kỳ công, khách quan và trung thực tuyên truyền, thuyết phục cho được đa số các hộ trong xóm biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, biết đặt lợi ích của tập thể lớn lên trên lợi ích của tập thể nhỏ. Bài học này đã được minh chứng ở xóm Đức Thuận, xã Hải Xuân, vì lợi ích của toàn xã, 14 hộ trong xóm đã vui vẻ chấp nhận dành toàn bộ số ruộng đang canh tác hàng chục năm nay để xây dựng công trình phúc lợi công cộng, nhận khu ruộng ở nơi khác, cánh đồng khác. Hoặc xóm Trần Đồng, xã Hải Tân có gần 2ha ruộng được quy hoạch để xây dựng các công trình phúc lợi, các hộ có ruộng trong vùng quy hoạch đã tự giác nhận ruộng ở vị trí khác dành ruộng cũ cho xã…

Bài học dân chủ, công khai thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng được cả 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu thực hiện một cách nghiêm túc, sáng tạo… Tất cả các quy hoạch, phương án DĐĐT, bản đồ giải thửa đều được công khai đến từng xóm, đội để nhân dân biết. Chính sự công khai này, người dân thấy được “chí công vô tư” của cán bộ, đảng viên để mọi người làm theo. Trước khi công khai phải thực hiện dân chủ như tổ chức các cuộc họp nhân dân bàn về thực hiện chủ trương DĐĐT, phát triển kinh tế - xã hội, bàn về những thay đổi cũng như chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, của từng hộ dân. Để xây dựng được phương án DĐĐT, Ban thực hiện DĐĐT xóm, tổ dân phố đã tổ chức họp với nhân dân ít nhất là 3 lần, thậm chí 10 lần như xóm Đỗ Bá, Thị trấn Cồn… để nhân dân góp ý, chỉnh sửa đến khi hợp lý, đồng thời cũng để nhân dân thấy rõ sự cầu thị, tất cả vì quyền và lợi ích của nhân dân trong DĐĐT.

Đồng chí Nguyễn Hồng Chuân, Chủ tịch UBND, Phó trưởng BCĐ DĐĐT xã Hải Xuân thì khẳng định: “Muốn DĐĐT được trước hết xã phải có quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM…”. Những quy hoạch này là cơ sở, tiền đề để xã xây dựng đề án và kế hoạch DĐĐT. Bởi vì có quy hoạch, các hộ dân tự xác định được mình canh tác ở vùng nào là thuận lợi, phù hợp với khả năng trình độ thâm canh và vốn liếng của mình. Chính những vùng xa, đất xấu không thích hợp với các hộ ít lao động, ít vốn liếng… nhưng lại là điều kiện thuận lợi đối với các hộ có trình độ, trường vốn tổ chức cải tạo và chuyển đổi sản xuất. Quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng kéo gần cự ly khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất để người dân bớt so đo, suy bì. Đây chính là sự đồng thuận được khai thông đầu tiên đối với nông dân trong DĐĐT.

Một bài học nữa đó là phải thống kê thật chính xác về diện tích, số thửa, loại đất… của từng hộ, của từng xóm; diện tích từng cánh đồng, từng khu vực… trước khi tổ chức xây dựng kế hoạch DĐĐT. Đồng thời có mẫu biểu thống nhất, dễ làm, dễ tổng hợp từ hộ sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đến sau khi DĐĐT để làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ.

Bài học kinh nghiệm DĐĐT còn rất phong phú khi trực tiếp đến các xã, thị trấn của Hải Hậu bởi vì mỗi địa phương lại có đặc điểm riêng. Huyện Hải Hậu thực hiện DĐĐT thành công chỉ trong 8-9 tháng thực sự là những kinh nghiệm quý để các huyện, thành phố học tập, vận dụng vào địa phương mình. Riêng với Hải Hậu, DĐĐT thành công mới chỉ là bước đầu và công cuộc dồn đổi sẽ vẫn tiếp tục diễn ra giữa các hộ thuận lợi trong vùng rộng; xã, huyện tạo điều kiện, khuyến khích các hộ dồn đổi cho nhau để xây dựng NTM với tiêu chí 25-30% lao động trong khu vực nông thôn làm nông nghiệp và 70-75% lao động chuyển đổi sang làm ngành nghề, dịch vụ trong những năm tới./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com